Cho trùn ăn phân bò tại trang trại anh Lê Văn Thạnh
• GIÀU TỪ NGUỒN SỮA TRẮNG
Anh Lê Văn Thạnh vốn là nhà nông của đất Hiệp Thạnh. Anh kể lại, năm 2015, anh bắt đầu gây dựng đàn bò sữa của gia đình. Sau tám năm chăn nuôi, hiện, đàn bò sữa lên tới 70 con, với 50 bò mẹ đang cho sữa, 20 bò hậu bị và bê con. Anh Thạnh chia sẻ, đất Phú Thạnh vốn hợp với con bò. Khí hậu ôn hòa, không quá nóng, không quá lạnh. Quan trọng là cần đảm bảo môi trường vệ sinh và lượng thức ăn đầy đủ cho đàn bò. Để giúp bò khỏe và có chất lượng sữa tốt, anh Thạnh dành ra 3 ha đồng cỏ chuyên trồng các loại cỏ voi, cỏ đậu… cung cấp chất xanh cho bò. Ngoài ra, anh còn nhập các loại cỏ khô có chất lượng dinh dưỡng cao từ nước ngoài làm chất ăn thêm cho bò. Một số loại củ, quả của địa phương như bắp, khoai lang cũng được anh sử dụng cho bò, bên cạnh các loại cám chất lượng cao. Cỏ dư được ủ với mật mía, phụ gia để bò ăn vào mùa thiếu chất xanh.Với lượng ăn đầy đủ, khí hậu ôn hòa, bò của trang trại anh Lê Văn Thạnh cho năng suất sữa khá tốt.
Anh Lê Văn Thạnh, cũng như hầu hết dân cư trong xã Hiệp Thạnh, đều nuôi bò cung cấp sữa theo hợp đồng. Với năng suất từ 18 tới 20 kg sữa một con mỗi ngày, anh có thể thu hoạch 4 – 5 tạ sữa. Giá bán cho công ty được đảm bảo từ 12 tới 14 ngàn đồng/ lít sữa. Thu nhập từ đàn bò là không nhỏ, với anh cũng như hầu hết nông dân nuôi bò.
Được biết, không chỉ là một trong những trang trại bò lớn nhất của địa phương, anh Lê Văn Thạnh còn là giám đốc Hợp tác xã Bò sữa 007. Hợp tác xã đã ký kết hợp đồng bao tiêu sữa với công ty Agrifood cho tất cả các thành viên của mình. Trạm thu mua sữa được đặt ngay tại trang trại của anh, hằng ngày thu sữa cho xã viên và bà con nông dân quanh vùng.
• BIẾN PHÂN BÒ THÀNH PHÂN TRÙN QUẾ
Điều làm trang trại bò sữa của anh Lê Văn Thạnh khác biệt, đó là anh không khai thác phân bò tươi như nhiều trang trại đang làm. Anh Thạnh đang thực hiện kinh tế tuần hoàn, dùng phân bò nuôi trùn quế, sau đó từ phân trùn quế để sản xuất ra các loại phân hữu cơ. Bắt đầu từ một dự án xử lý môi trường của Hội Nông dân, anh Lê Văn Thạnh xây chuồng nuôi trùn quế.
Trong các chuồng nuôi được xây gạch cao chừng 50 cm, anh Thạnh đổ đầy lượng phân bò trộn lẫn đất hữu cơ đã được xử lý, sau đó bỏ 100.000 con giống trùn quế vào nuôi. Trùn quế rất dễ sống, chỉ cần được cung cấp lượng phân bò, phân heo cũng như phụ phẩm nông nghiệp hợp lý. Trên mặt chuồng phủ bạt đen để trùn phát triển. Cứ ba tuần, anh Thạnh phủ lên mặt chuồng một lớp phân bò dày 15 cm và một số phụ phẩm nông nghiệp. Sau hai tháng, trùn quế xử lý sạch lượng phân đó, đồng thời, thải ra được khối lượng phân hữu cơ dễ tiêu. Lượng phân trùn quế này, anh Thạnh thu hoạch và đưa vào nhà máy khai thác thành phân trùn nén, dịch trùn… Những loại phân này rất dễ hấp thụ, hiệu quả với mọi loại cây trồng, đặc biệt, cây trồng vùng rau, hoa.
Hiện tại, anh đang có 400 m2 chuồng nuôi trùn quế. Tuy nhiên, anh Thạnh khẳng định nhu cầu phân trùn quế rất cao và anh đang tiếp tục xây dựng mở rộng thêm diện tích chuồng nuôi. Anh Lê Văn Thạnh chia sẻ: “Lượng phân bón từ trang trại của gia đình tôi là không đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất phân bón từ trùn quế. Vì vậy, tôi đang liên kết với bà con nông dân xung quanh để phát triển con trùn quế này. Trang trại sẽ cung cấp giống, hỗ trợ kĩ thuật và tiêu thụ phân trùn cho bà con. Hiện tại, nhà máy đã được xây dựng và trong tương lai, nhu cầu phân trùn ngày càng mở rộng. Chúng tôi hy vọng sẽ mở rộng vùng nuôi trùn quế trong vùng bà con chăn nuôi bò sữa. Đây là một dạng kinh tế tuần hoàn, biến chất thải trở thành phân hữu cơ, giải quyết vấn đề môi trường và mang lại lợi ích kinh tế lớn cho bà con nông dân nuôi bò”.
Anh Nguyễn Văn Thắng, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiệp Thạnh đánh giá, trang trại bò sữa – nuôi trùn quế của gia đình anh Lê Văn Thạnh là một trang trại được xây dựng và chăn nuôi quy mô lớn, định hướng rất tốt. Mô hình nuôi bò sữa – làm phân trùn đang được nhân rộng trong nông dân xã Hiệp Thạnh với mục tiêu xây dựng kinh tế tuần hoàn. Đây là mô hình làm kinh tế, bảo vệ môi trường được Hội Nông dân tích cực vận động hội viên, nông dân áp dụng, mang lại hiệu quả tích cực cho kinh tế hộ gia đình và bảo vệ môi trường.