Giá giảm vẫn khó bán
Thay vì hàng trăm con của các hộ thành viên và hỗ trợ nhiều gia đình nuôi từ 4-5 con trâu tiêu thụ ra thị trường, hiện mỗi thành viên HTX chỉ còn duy trì vài con. HTX không dám nhập trâu bò về để vỗ béo, trong bối cảnh thị trường tiêu thụ rất chậm.
“Như năm ngoái, thời điểm này mỗi ngày HTX có thể xuất 30 con nhưng năm nay thì rất ảm đạm, bán cho các địa điểm giết thịt để chế biến cũng rất ít, tiêu thụ cũng chậm”, ông Liêm nói.
Hay như HTX Quyết Tiến (Tuyên Quang) cũng đang phải nuôi cầm chừng đàn trâu do giá trâu hơi đang giảm mạnh. Ông Phạm Văn Sáng, Giám đốc HTX cho biết, bình thường giá trâu vỗ béo 90.000-120.000 đồng/kg, giá bò cũng khoảng 100.000 đồng/con nên bán 1 con trâu sẽ thu về khoảng 70 triệu đồng, một con bò cũng thu về khoảng 80 triệu đồng.
Tuy nhiên giá trâu đang giảm mạnh, đến nay chỉ còn 50.000- 54.000 đồng/kg nhưng cũng không có người mua. Còn về phía thành viên, nhiều người cũng không muốn bán vì lỗ. Tuy nhiên, việc chăn nuôi trâu vỗ béo dù chỉ nuôi duy trì với thức ăn xanh vẫn phải tốn thêm nhiều chi phí mua cám. Nếu nuôi trâu đạt số kg như mong muốn mà vẫn phải nuôi thì sẽ áp lực về kinh phí, gia tăng rủi ro cho người nuôi.
Có thể thấy, không chỉ mất giá, hiện nay trâu, bò còn không có đầu ra thuận lợi. Người nuôi trâu, bò gần như không thể xuất đàn vì không có người mua. Nguyên nhân một phần là thị trường Trung Quốc đang thực hiện chính sách Zero Covid, một phần do nhu cầu tiêu thụ trong nước rất chậm và hiện tượng buôn bán, vận chuyển trái phép trâu, bò qua biên giới diễn ra khá phổ biến.
Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, 10 tháng đầu năm, Việt Nam đã chi 1,21 tỷ USD nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt (chủ yếu là thịt heo, bò, trâu đông lạnh) trong 10 tháng đầu năm. Song, những ngày gần đây, hàng lậu vẫn tuồn qua biên giới về Việt Nam.
Đầu ra cho trâu, bò của người dân và HTX đang rất khó khăn.
Trong văn bản gửi UBND một số tỉnh, thành phố mới đây, Bộ NN&PTNT nêu rõ thời gian qua, tình trạng hiện tượng buôn bán, vận chuyển trái phép trâu, bò qua biên giới diễn ra khá phổ biến, phức tạp, đặc biệt là biên giới với Lào, Campuchia. Điều này không chỉ tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh mà còn khiến việc tiêu thụ trâu bò của các HTX, người dân khó khăn hơn. Bởi trâu, bò nước ngoài nhập về luôn được đánh giá thịt đẹp, giá nhập về luôn rẻ hơn bò trong nước.
Còn theo thống kê của Bộ NN&PTNT, tổng số trâu của cả nước là 2,25 triệu con, tổng số bò là 6,41 triệu con. Với số lượng trâu bò như trên và với mức giá như hiện nay sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển kinh tế của người dân, HTX.
Giảm mối lo cho HTX
Nhiều HTX đã thực hiện cắt giảm nguồn thức ăn công nghiệp và tận dụng phế phụ phẩm trong nông nghiệp để đảm bảo cung cấp đủ nguồn thức ăn cho vật nuôi. Tuy nhiên, đây chỉ là những biện pháp tạm thời để chăn nuôi cầm chừng trong thời điểm hiện tại.
Ông Hoàng Văn Liêm, cho biết rất mong muốn các cấp, các ngành có cơ chế bình ổn giá trâu, bò trên thị trường và tạo điều kiện cho thành viên, người dân tìm được đầu ra ổn định.
Hơn nữa, để đầu tư nuôi trâu bò, dù là nuôi theo hình thức vỗ béo thì cũng cần nguồn vốn đầu tư lớn. Trong khi hầu hết các HTX hiện nay đều phải vay vốn từ ngân hàng để phát triển chăn nuôi trâu. Trước tình hình khó khăn hiện nay, các HTX mong rằng sẽ được kéo dài thời gian vay vốn có điều kiện sản xuất tốt hơn nhưng điều đó là rất khó.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân sâu xa của tình trạng trên là do giá trâu bò sản xuất trong nước vẫn còn khá cao so với các thị trường khác. Bên cạnh đó, nguồn cung thịt bò, trâu trong nước mới chỉ đáp ứng được 40 – 45% nhu cầu tiêu thụ. Điều này đang là nguyên nhân khiến tình trạng nhập khẩu thịt trâu bò và nhập lậu trâu bò ngày càng tăng.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, cho biết, chỉ tính riêng thịt bò hơi trong nước có giá khoảng 80.000-100.000 đồng/kg. Sau khi giết mổ, tỷ lệ thịt còn 55%-60%, vì vậy giá bán ra thị trường sau khi pha lóc cũng vào khoảng 200.000 đồng/kg. Còn một số loại thịt nhập khẩu như thịt trâu Ấn Độ có giá bán sỉ khá thấp, chỉ 90.000-100.000 đồng/kg… Giá rẻ cũng là nguyên nhân khiến tình trạng nhập thịt trâu bò và nhập lậu trâu bò gia tăng.
Trước thực trạng trên, các chuyên gia đề xuất trước mắt cần kiểm tra, kiểm soát và xử lý tình trạng trâu bò nhập lậu. Bên cạnh đó là giảm nhập khẩu thịt trâu bò đông lạnh để mở rộng đầu ra cho trâu, bò trong nước.
Các nhà phân phối, bán lẻ cần liên kết hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm từ trâu, bò hoặc thực hiện các chương trình giảm giá để kích cầu tiêu dùng. Việc tăng cường chế biến sâu sản phẩm thịt trâu bò, tạo nguồn dự trữ, đảm bảo đa dạng hóa sản phẩm cũng sẽ giúp bình ổn thị trường cũng như nâng cao giá trị gia tăng cho loại vật nuôi này.
Đồng thời các ngân hàng cần hỗ trợ tín dụng, giúp giảm khó khăn cho nông dân, HTX hoặc xem xét phương án phù hợp hỗ trợ người chăn nuôi trâu bò. Các bộ, ngành cũng cần tăng cường dự toán cung –cầu để các HTX, người dân chủ động chăn nuôi.