Chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh động vật, Chủ tịch UBND tỉnh có văn bản đề nghị các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ giải pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh động vật.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT rà soát, điều chỉnh kế hoạch phòng, chống dịch, bệnh gia súc, gia cầm năm 2024 phù hợp với tình hình thực tế; triển khai kịp thời, có hiệu quả các chương trình, kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật đã được UBND tỉnh ban hành; hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng nghiêm các biện pháp vệ sinh sát trùng bằng vôi bột, hoá chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh; tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ động vật; đặc biệt tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép.
Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở NN&PTNT, các cơ quan liên quan tăng cường thông tin, tuyên truyền đối với chủ vật nuôi và cộng đồng về nguy cơ, tác hại của dịch bệnh nguy hiểm trên vật nuôi; hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh phòng bệnh cho đàn vật nuôi; lợi ích của việc tiêm vaccine và xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
Ngành chức năng tiêm phòng bệnh cho đàn vật nuôi.
Các sở, ban, ngành có liên quan phối hợp chặt chẽ với lực lượng thú y và chính quyền địa phương triển khai đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi.
Chủ tịch UBND tỉnh giao UBND các huyện, thị xã, thành phố thống kê chính xác tổng đàn vật nuôi, đồng thời, rà soát tiêm phòng nhắc lại, tiêm phòng bổ sung đối với đàn vật nuôi mới phát sinh hoặc đã được tiêm vaccine nhưng đã hết hoặc sắp hết thời gian miễn dịch, trong đó, tập trung, ưu tiên tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi cho đàn lợn thịt, cúm gia cầm, dại, lở mồm long móng, viêm da nổi cục.
Tăng cường công tác giám sát chủ động phát hiện dịch bệnh trên đàn vật nuôi để kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện ở phạm vi nhỏ lẻ; xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ động vật mắc bệnh, động vật nghi mắc bệnh, vứt xác động vật nhiễm bệnh ra môi trường dẫn đến lây lan dịch bệnh.
Ngành chức năng vệ sinh sát trùng khu vực chăn nuôi.
Các địa phương tuyên truyền đến người chăn nuôi thực hiện đúng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định như: đàn vật nuôi bị bệnh, chết do bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phải tiêu hủy bắt buộc, thực hiện đầy đủ việc sát trùng, vệ sinh, tiêu độc để tiêu diệt mầm bệnh, không để phát tán làm lây lan dịch bệnh...