|
  • :
  • :

Trồng sen lấy gương - Mô hình triển vọng

Trên địa bàn xã Trường Long Tây (huyện Châu Thành A), đang phát triển mô hình trồng sen lấy gương, mang lại hiệu quả kinh tế, có triển vọng nhân rộng.

Mô hình trồng sen lấy gương đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân ở xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A.

Xã Trường Long Tây có lúa là cây trồng chủ lực. Ngoài ra, còn có một số loại cây ăn trái như sầu riêng, chanh không hạt, mít siêu sớm, nhãn Ido,… Từ cuối năm 2022, mô hình trồng sen lấy gương được một số hộ dân ở ấp Trường Phước A thử nghiệm và mang lại hiệu quả kinh tế cao, từ đó nhân rộng trên địa bàn xã.

Sen giống được người dân lấy từ tỉnh Đồng Tháp và trồng trên nền đất lúa. Khoảng 2 tháng 20 ngày sau khi xuống giống, cây sen bắt đầu cho những chiếc gương đầu tiên. Cứ khoảng 3 ngày thì thu hoạch 1 lần, kéo dài trong 2 tháng thì hết gương. Lúc này, người dân tiếp tục chăm sóc đến khi sen cho gương thêm một đợt nữa. Từ ngày trồng đến khi thu hoạch xong 2 đợt mất từ 6 đến 7 tháng.

Sau gần 2 năm, cây sen dần thích nghi và phát triển tốt tại xã Trường Long Tây. Từ một vài hộ dân ban đầu, đến nay, trên địa bàn xã đã có 27 hộ trồng sen, với tổng diện tích 36,7ha, tập trung chủ yếu ở các ấp Trường Phước A, Trường Thọ, Trường Thọ A,… Qua đó, góp phần giúp địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả.

Nếu canh tác thuận lợi, 1ha đất trồng sen có thể đạt năng suất từ 7-8 tấn gương. Sau thu hoạch, gương sen được thương lái đến tận nơi thu mua. Với giá bán khoảng 20.000 đồng/kg, có thời điểm lên đến 40.000 - 50.000 đồng/kg, trung bình mỗi héc-ta đất trồng sen, người dân thu lợi nhuận từ 70-80 triệu đồng/vụ. Trong khi đó, mỗi héc-ta đất trồng lúa chỉ cho lợi nhuận khoảng 50-60 triệu đồng/năm. Ngoài ra, tùy nhu cầu thị trường, người dân còn có thể lấy lá hoặc củ sen để bán thêm.

Bước lên từ ruộng sen gần 1,3ha của mình, ông Trần Văn Lâm, ở ấp Trường Phước A, xã Trường Long Tây, gỡ giỏ xách đầy ắp gương sen trên vai xuống. Đây là vụ sen đầu tiên mà ông trồng. Qua 5 tháng, đã thu hoạch được hơn 4 tấn, với thu nhập khoảng 50 triệu đồng. “Trồng sen này nếu nắm được kỹ thuật, cây giống lên tốt thì cho thu nhập cao hơn lúa. Do đó, tôi cũng cố gắng trau dồi kỹ thuật để đến mùa khô thì tiếp tục trồng sen lại”, ông Lâm chia sẻ.

Theo bà Bùi Thị Kim Tiền, Khuyến nông viên xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A: “Tuy có giá trị kinh tế cao nhưng cây sen vẫn còn bị ảnh hưởng bởi mầm bệnh thối thân, thối ngó. Do đó, chúng tôi tuyên truyền, khuyến cáo người dân nên trồng luân canh giữa sen với lúa để tránh mầm bệnh phát sinh làm ảnh hưởng năng suất. Ngoài ra, địa phương cũng đang có hướng thành lập hợp tác xã trồng sen kết hợp thu mua sản phẩm, tạo đầu ra ổn định cho người dân”.

Ông Đỗ Văn Hải, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Châu Thành A, cho biết: “Chúng tôi tiếp tục tìm hiểu về tình hình dịch bệnh và thị trường của sen lấy gương để có định hướng phù hợp đối với loại cây này trên địa bàn. Kỳ vọng trong thời gian tới, mô hình trồng sen lấy gương sẽ phát triển bền vững, đem lại giá trị kinh tế cao và góp phần tô điểm cho bức tranh du lịch nông thôn, du lịch sinh thái tại địa phương”.

Nguồn: http://baohaugiang.com.vn/nong-nghiep-nong-thon/trong-sen-lay-guong-mo-hinh-trien-vong-135485.html