Một trạm quan trắc môi trường tự động lắp đặt trên vịnh Xuân Đài. Ảnh: LỆ VĂN |
Tăng cường áp dụng khoa học - công nghệ
Thực hiện Nghị quyết 11 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển, ứng dụng KH-CN và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, Ban Thường vụ Thị ủy ban hành Kế hoạch 46 ngày 29/11/2021 để cụ thể hóa nghị quyết này trên địa bàn thị xã. Đến nay, TX Sông Cầu đã hình thành được chuỗi sản xuất tiêu thụ sản phẩm tôm thẻ chân trắng; tổ chức lại việc nuôi trồng thủy sản, khuyến khích phát triển các hình thức liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Thị xã đã thành lập HTX Dịch vụ tổng hợp tôm hùm Sông Cầu; phối hợp với chi cục thủy sản, Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản thực hiện nhiệm vụ cấp nhà nước: “Xây dựng mô hình liên kết trong sản xuất tiêu thụ tôm hùm”; đăng ký thành công chỉ dẫn địa lý tôm hùm bông; tiếp nhận hai hệ thống quan trắc môi trường tự động của Trường đại học Bách khoa Hà Nội và Trường đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh…
Việc áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến thủy sản đã giúp ngành Thủy sản Sông Cầu nâng cao năng suất, chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước, xuất khẩu. Thị xã đã tập trung đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, đa dạng hóa vật nuôi và sử dụng mặt nước có hiệu quả.
Trong giai đoạn 2018-2022, diện tích thả nuôi tôm sú tăng từ 115ha lên 276ha, sản lượng tăng từ 102 tấn lên 287 tấn. Diện tích thả nuôi tôm thẻ chân trắng tăng từ 245ha lên 264ha, sản lượng tăng từ 590 tấn lên 649 tấn. Sản lượng tôm hùm tăng từ 750 tấn lên 983 tấn.
Các loại thủy sản tôm sú, tôm thẻ chân trắng và tôm hùm trở thành sản phẩm đặc trưng của thị xã và là sản phẩm chủ lực của Phú Yên. Quá trình phát triển nuôi trồng thủy sản của TX Sông Cầu trong thời gian qua đã bám sát mục tiêu phát triển thành ngành sản xuất hàng hóa có thương hiệu, có sức cạnh tranh cao trên thị trường.
Địa phương đã tập trung tổ chức lại sản xuất thủy sản theo chuỗi từ khâu sản xuất, cung cấp nguyên liệu đầu vào đến nuôi trồng, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Ứng dụng KH-CN trong sản xuất đã góp phần giảm giá thành, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh và đảm bảo an toàn thực phẩm. Hoạt động KH-CN ngành Thủy sản từng bước khẳng định vai trò là đòn bẩy, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn thị xã thời gian qua.
Để nuôi trồng thủy sản bền vững
Mặc dù đem lại nhiều kết quả khả quan, song hoạt động KH-CN trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thị xã nhìn chung hiệu quả chưa cao. Số lượng sản phẩm liên quan đến khoa học ứng dụng cũng như các sản phẩm khoa học tạo ra từ nguồn ngân sách nhà nước được thương mại hóa còn ít, ứng dụng thực tiễn còn thấp... Các mô hình sản xuất thủy sản ứng dụng công nghệ cao ít.
Việc tiếp cận các nguồn vốn vay của người dân còn hạn chế, trong khi nhu cầu kinh phí ban đầu để đầu tư hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu ứng dụng KH-CN, công nghệ cao là rất lớn. Việc đầu tư vào lĩnh vực thủy sản còn nhiều rủi ro nên chưa khuyến khích được nhiều tổ chức, doanh nghiệp tham gia.
Bên cạnh đó, một số diện tích nuôi trồng thủy sản tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường. Quy mô nuôi của nhiều hộ dân còn manh mún, nhỏ lẻ, nhận thức, trình độ của người dân không đồng đều cũng là một rào cản trong việc tiếp cận với KH-CN…
Để tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng KH-CN ở lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, TX Sông Cầu xác định một số giải pháp, như: Xây dựng phương án phát triển tổng thể lĩnh vực nuôi trồng thủy sản trên địa bàn phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2045; tập trung đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, đa dạng hóa vật nuôi, thân thiện với môi trường và sử dụng mặt nước có hiệu quả; phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững gắn với phát triển du lịch; chuyển nuôi trồng thủy sản từ phương thức truyền thống, quảng canh sang nuôi thâm canh, siêu thâm canh; ứng dụng công nghệ cao phát triển nuôi trồng thủy sản xa bờ...
Mặt khác, TX Sông Cầu tổ chức lại việc nuôi trồng thủy sản theo chuỗi giá trị sản phẩm, khuyến khích phát triển các hình thức liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; quảng bá sản phẩm tôm hùm thông qua chỉ dẫn địa lý “Tôm hùm bông Phú Yên”; thành lập các HTX lĩnh vực thủy sản nhằm liên kết giữa người nuôi với các doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ; xây dựng thương hiệu (OCOP) cho các sản phẩm đặc sản; thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng và tổ chức sản xuất, kinh doanh tại các cụm công nghiệp ở thôn Trung Trinh xã Xuân Phương và Hòa Mỹ xã Xuân Cảnh.
Ngoài ra, địa phương xác định phát triển kinh tế biển gắn kết chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng - an ninh; phát triển du lịch biển trở thành ngành kinh tế chủ lực của thị xã theo hướng ưu tiên du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, ẩm thực; ưu tiên phát triển nuôi biển công nghiệp ở các xã Xuân Cảnh, Xuân Phương; áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao vào lĩnh vực phát triển nuôi trồng thủy sản, ưu tiên các dự án, đề tài nghiên cứu ứng dụng sản xuất trên biển ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo sự phát triển bền vững.
Hoạt động KH-CN ngành Thủy sản đã từng bước khẳng định vai trò là đòn bẩy, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn thị xã thời gian qua. |