|
  • :
  • :

Ứng dụng tiến bộ khoa học trong chẩn đoán mang thai sớm trên bò sinh sản

Trong chăn nuôi bò sữa và bò cái sinh sản, năng suất sinh sản là chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật đặc biệt quan trọng, liên quan chặt chẽ tới hiệu quả kinh tế của người chăn nuôi. Năng suất sinh sản được đánh giá bằng độ dài của khoảng cách lứa đẻ, hay số con sinh ra/đời bò.

Về mặt lý thuyết, độ dài khoảng cách lứa đẻ được tính bằng tổng thời gian của thời gian mang thai (280 ngày), thời gian mang thai trở lại sau đẻ (tính đến lần phối giống có thai sau đẻ). Tuy nhiên, thực tế sản xuất cho thấy, thời gian bò cái mang thai trờ lại sau đẻ thường biến động rất lớn, từ 2 tháng đến 1 năm tùy thuộc vào trình độ chăn nuôi và quản lý của trang trại. Có hai nguyên nhân chính làm cho thời gian mang thai trở lại sau đẻ kéo dài là Thời gian động dục trở lại sau đẻ kéo dài và tình trạng chết phối thai sau khi phối giống. Trong những thập kỷ qua, sự cải tiến con giống theo hướng nâng cao năng suất sản xuất sữa ở bò sữa đã kéo theo sự gia tăng của tỷ lệ chết phôi, sảy thai của bò sữa sau phối giống, lên tới 57% ở bò dạ và 40% ở bò tơ (Szenci 2021). Phần lớn, phần lớn tình trạng chết phôi ở bò sữa diễn ra ở giai đoạn từ 0-16 ngày sau phối giống. Chết phôi muộn trong giai đoạn từ 16-42 ngày chỉ chiếm từ 5-10% số bò phối giống và rất hiếm xảy ra ở giai đoạn từ 42-90 ngày sau phối. Một số thống kê khác cho thấy, tỷ lệ chết phôi diễn ra chủ yếu ở tháng đầu tiên của quá trình mang thai, chiếm khoảng 3.0-43% số ca phối giống (Szenci 2021) (Bảng 1). Vì vậy, việc phát hiện bò cái không mang thai ở giai đoạn 30 ngày sau phối giống đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao năng suất sinh sản của bò cái. Sớm phát hiện bò không mang thai cho phép nhanh chóng chuyển trạng thái của bò cái, nhanh chóng can thiệp để bò động dục và phối giống trở lại, rút ngắn khoảng cách lứa đẻ và nâng cao năng suất sinh sản ở bò cái. Gây động dục đối với bò cái không mang thai bằng Gonadotropin-releasing hormone (GnRH) ở thời điểm 32 ngày sau phối giống, và khi thể vàng còn tồn tại làm tăng tỷ lệ đậu thai so với việc điều trị bằng GnRH ở bò không mang thai không còn thể vàng (Fricke et al. 2016). Đối với bò sữa, việc rút ngắn khoảng cách lứa đẻ cho phép gia tăng số lứa đẻ trên mỗi đời bò, từ đó tăng sản lượng sữa/bò và trong đàn bò của trang trại. Các nghiên cứu đã cho thấy, rút ngắn khoảng cách lứa đẻ trên bò sữa làm tăng hiệu quả kinh tế từ 0,57 – 0,70 €/ngày, tương đương từ 16 -20 nghìn đồng/ngày (Inchaisri et al. 2010).

Bảng 1. Các sự kiện quan trọng và chết phôi trong quá trình mang thai ở bò sữa

 

Xuất phát từ nhu cầu phân loại bò mang thai và không mang thai từ giai đoạn rất sớm, nhiều kỹ thuật chẩn đoán đã được các nhà khoa học phát triển. Để có cái nhìn tổng thể các kỹ thuật chẩn đoán mang thai sớm ở bò, bài viết tập trung phân tích từng ưu nhược điểm của từng phương pháp.

1. Phương pháp siêu âm qua trực tràng

Sử dụng máy siêu âm chuyên dụng với đầu dò đưa qua trực tràng có thể phát hiện mang thai ở bò giai đoạn từ 28-35 ngày sau phối giống. Trong điều kiện trang trại, có thể phát hiện bò mang thai bằng phương pháp siêu âm qua trực tràng từ ngày thứ 21 sau phối, nhưng tỷ lệ phát hiện chính xác chỉ đạt 44,8% (Balhara et al. 2013). Tỷ lệ phát hiện mang thai bằng siêu âm tăng lên 82,3% và 97,7% tại ngày 25 ngày và 26-33 ngày sau phối giống. Mặc dù, tỷ lệ phát hiện chính xác bò mang thai và không mang thai không tăng lên khi khám muộn hơn 35 ngày sau phối, nhưng căn cứ vào quá trình phát triển của phôi thai trong tử cung, thời gian khám thai bằng siêu âm thích hợp nhất là ở giai đoạn 39-42 ngày sau phối giống. Sử dụng máy siêu âm ở dải sóng 6.5-10 MHz cho tỷ lệ chẩn đoán chính xác cao hơn so với máy siêu âm cao tần ở bước sóng 5 MHz (Balhara et al. 2013).

Về ưu điểm, phương pháp siêu âm thai qua trực tràng có thể chẩn đoán mang thai sớm nhanh, chính xác và ít xâm lấn hơn so với phương pháp sờ nắn bằng tay qua trực tràng. Tỷ lệ chẩn đoán chính xác mang thai và không mang thai ở giai đoạn 35-40 ngày sau phối đạt lần lượt là 97% và 93%.

Hình 1. Hình ảnh phôi thai bò qua siêu âm ở các thời điểm khác nhau (Lamb and Fricke 2004)

Về hạn chế, phương pháp này cần có sự đầu tư lớn về máy móc, trang thiết bị. Kỹ thuật viên hoặc bác sĩ thú y tiến hành chẩn đoán cũng cần được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm sử dụng thiết bị. Thực tế cho thấy, tỷ lệ chẩn đoán sai lệch của các bác sĩ thú y có thể lên tới 32%, chủ yếu liên quan tới kinh nghiệm thực hành sử dụng máy siêu âm (Fricke et al. 2016). Ngoài ra, sự can thiệp vào tử cung của bò ở giai đoạn làm tổ của phôi thai có thể làm gia tăng tỷ lệ chết phôi giai đoạn muộn hoặc sảy thai giai đoạn sớm ở bò. Tỷ lệ bò mất thai sau khi được chẩn đoán mang thai bằng siêu âm ở 29 ngày giao động từ 9-16% (Fricke et al. 2016).

2. Phương pháp thử nồng độ Progesterone

Xác định nồng độ progesterone trong máu hoặc trong sữa ở bò 18 ngày sau khi phối giống cho phép xác định tình trạng mang thai hoặc không mang thai. Hàm lượng progesterone trong máu và sữa bò cao nhất ở ngày 13-14 sau khi phối giống (Balhara et al. 2013). Hàm lượng này tiếp tục tăng lên cho tới 21 ngày sau khi phối giống và duy trì nồng độ đó nếu bò mang thai. Sự sụt giảm nồng độ progesterol trong máu ở giai đoạn từ 18-24 ngày sau khi phối giống cho phép xác định tình trạng không mang thai của bò.

Về ưu điểm, phương pháp chẩn đoán mang thai bằng việc xác định nông độ progesterol trong máu hoặc sữa khá đơn giản, ít xâm lấn.

Hình 2. Sự thay đổi nồng dộ progesterol trong máu bò mang thai và không mang thai (Larson, 1986)

Về hạn chế, phương pháp này có tính đặc hiệu không cao. Kết quả chẩn đoán chỉ chính xác nếu xác định chính xác thời điểm phối giống của bò, không cho phép chẩn đoán ngẫu nhiên trong đàn. Nồng độ progesterol trong máu cao ở bò có thể gây nhầm lẫn giữa tình trạng bò mang thai và sự tồn tại của thể vàng của bò không mang thai. Để tăng tỉ lệ chẩn đoán chính xác thì cần tăng tần xuất lặp lại việc kiểm tra nồng độ protegesterone. Tuy nhiên, phương pháp này làm gia tăng chi phí xét nghiệm và không có khả thi trong điều kiện sản xuất.

3. Xác định sự có mặt của GlycoProtein liên kết bào thai (Pregnancy Associated Glycoproteins, PAGs)

Glycoproteins liên kết bào thai (PAGs) thuộc một họ protein gồm nhiều loại khác nhau được phân tách từ mảng phôi thai bò. Các protein này sao đó đi vào tuần hoàn cơ thể mẹ thông qua sự tiếp nhập của các tế bào niêm mạc tử cung từ ngày thứ 20-28 ngày sau phối giống (Balhara et al. 2013). Các PAGs sau đó có thể được phát hiện trong sữa hoặc máu của bò mang thai ở 26-30 ngày sau phối giống bằng các kit Elisa chuyên biệt (Fricke et al. 2016). Khả năng chẩn đoán chính xác tình trạng mang thai và không mang thai của phương pháp này trên bò rất cao, lần lượt từ 99-100% và 98-100%.

Về ưu điểm, chẩn đoán hàm lượng PAGs trong máu/sữa bò là phương pháp không xâm lấn, cho kết quả chẩn đoán sớm và chính xác. Khác với chẩn đoán progesterol, chẩn đoán PAGs bằng kit Elisa không  nhầm lẫn với tình trạng bò không mang thai. Hơn nữa, chẩn đoán bằng PAGs không yêu cầu có thông tin chính xác về thời gian phối giống, có thể xác định ngẫu nhiên bò trong đàn. Phương pháp chẩn đoán bằng PAGs trên mẫu máu cho phép chẩn đoán mang thai trên bò phối giống lần đầu. Tỷ lệ chết phôi thai ở bò được chẩn đoán mang thai bằng xét nghiệm PAGs thấp hơn so với phương pháp siêu âm qua trực tràng.

Về hạn chế, phương pháp chẩn đoán mang thai bằng kit Elisa đối với các PAGs hiện còn khá mới mẻ, chưa có nhiều sản phẩm thương mại trên thị trường.

Hình 3. Hàm lượng PAGs trong máu bò sữa từ 25-102 ngày sau phối giống (Fricke et al. 2016)

Việc chẩn đoán mang thai sớm trên bò sinh sản, đặc biệt là bò sữa hiện đang được ứng dụng ngày càng rộng rãi trên thế giới và đã được chứng minh đem lại hiệu quả rõ rệt trong nâng cao năng suất sinh sản và hiệu quả chăn nuôi. Sau khi chẩn đoán mang thai sớm, bò được phân loại không mang thai sẽ ngay lập tức được chuyển trạng thái, điều trị chậm sinh và gây động dục để sớm phối giống trở lại, tốt nhất là trước 32 ngày sau phối giống. Đối với bò được chẩn đoán mang thai, các phương pháp không xâm lấn như sử dụng kit Elisa xác định PGAs trong máu bò làm giảm tỷ lệ chết phôi thai ở giai đoạn phôi muộn và tiền thai. Bò được chẩn đoán mang thai cần được khám lại ở 74-90 ngày để loại trừ các bò bị chết phôi trong giai đoạn này.

TS. Đặng Hoàng Lâm

Giảng viên Đại học Hùng Vương

Email: hoanglam.anufe@gmail.com

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Balhara, A. K., M. Gupta, S. Singh, A. K. Mohanty and I. Singh, (2013). Early pregnancy diagnosis in bovines: current status and future directions. ScientificWorldJournal 2013: 958540.

Fricke, P. M., A. Ricci, J. O. Giordano and P. D. Carvalho, (2016). Methods for and Implementation of Pregnancy Diagnosis in Dairy Cows. Vet Clin North Am Food Anim Pract 32(1): 165-180.

Inchaisri, C., R. Jorritsma, P. L. A. M. Vos, G. C. van der Weijden and H. Hogeveen, (2010). Economic consequences of reproductive performance in dairy cattle. Theriogenology 74(5): 835-846.

Lamb, G. and P. Fricke, (2004). ULTRASOUND – EARLY PREGNANCY DIAGNOSIS AND FETAL SEXING. Proceedings of Applied Reproductive Strategies in Beef Cattle.

Larson, L.L, (1986). G86-818 How to use the milk progesterone tests. Historical material from University of Nebraska-Lincoln Extension. 527. https://digitalcommons.unl.edu/extensionhist/527

Szenci, O., (2021). Recent Possibilities for the Diagnosis of Early Pregnancy and Embryonic Mortality in Dairy Cows. Animals (Basel) 11(6).

BOVINE PREGNANCY RAPIT TEST KIT

KIT CHẨN ĐOÁN MANG THAI SỚM CHO BÒ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ PAGs

Sản phẩm Bovine Pregnancy Rapit Test Kit là một kit Elisa phát hiện sự có mặt PAGs trong máu bò mang thai.

  • Thời gian chẩn đoán: Từ 28 ngày sau khi phối giống

  • Độ đặc hiệu phát hiện mang thai: 99,2%

  • Độ nhạy phát hiện không mang thai: 99,3%

  • Thời gian cho kết quả: 10 phút.

Lợi ích:

+ Tăng tỷ lệ đẻ và giảm khoảng cách lứa đẻ

+ Tăng sản lượng sữa toàn đàn

+ Giảm chi phí chăn nuôi

+ Tăng số lứa đẻ toàn đàn

+ Giảm tỷ lệ chết phôi thai

Sản phẩm được nhập khẩu và phân phối bởi:

CÔNG TY CỔ PHẦN THÚ Y MEGAVET VIỆT NAM

Địa chỉ: 136 Kim Ngưu, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024 6293 5233        Fax: 024 3627 6500

Nguồn: https://nhachannuoi.vn/ung-dung-tien-bo-khoa-hoc-trong-chan-doan-mang-thai-som-tren-bo-sinh-san/
Tin liên quan
Chưa có thông tin