|
  • :
  • :

Vị Thủy đẩy mạnh sản xuất lúa chất lượng cao

Nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và thị trường xuất khẩu, ngành chức năng cùng người dân trên địa bàn huyện Vị Thủy đã và đang đẩy mạnh sản xuất lúa theo hướng chất lượng cao.

 

Từ cánh đồng lớn, huyện Vị Thủy tiến tới sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc GlobalGAP với sản lượng lớn đồng đều, bảo đảm chất lượng.

Nhiều kết quả ấn tượng

Huyện Vị Thủy có lợi thế về tiềm năng và điều kiện sản xuất nông nghiệp, trong đó lúa đang là cây trồng chủ lực với diện tích gần 17.200ha trong tổng số gần 20.500ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện. Những năm gần đây, trước nhu cầu ngày càng cao về nguồn lúa gạo sạch, an toàn thực phẩm của người tiêu dùng trong nước và thị trường xuất khẩu, đồng thời nhằm tăng tính liên kết trong sản xuất cho hộ dân để tạo ra sản lượng hàng hóa lớn thì ngành chức năng huyện đã tập trung đầu tư nhiều vùng lúa chất lượng cao (hiện chiếm trên 95% diện tích lúa toàn huyện) và mô hình cánh đồng lớn. Trong đó, nổi bật là mô hình sản xuất gạo sạch tại hợp tác xã (HTX) Tân Long của xã Vĩnh Tường (hiện có thương hiệu “Gạo sạch Vị Thủy” và đạt chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh), với diện tích hơn 150ha và trên 200ha sản xuất lúa giống xác nhận ở các xã Vị Thủy, Vĩnh Thuận Tây, Vị Thắng và Vĩnh Tường.

Ông Trương Văn Trí, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vị Thủy, cho biết: Thời gian qua, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Huyện ủy, UBND huyện trong triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để xây dựng vùng lúa chất lượng cao, mô hình cánh đồng lớn trên cơ sở liên kết 4 nhà; nhờ vậy, tình hình sản xuất lúa của nông dân trong huyện có nhiều bước tiến khởi sắc theo mô hình nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Điều mà ngành nông nghiệp huyện rất phấn khởi là khi triển khai các mô hình sản xuất lúa chất lượng cao và mô hình cánh đồng lớn thì đều nhận được sự đồng tình và tham gia tích cực từ người dân. Cụ thể, mô hình cánh đồng lớn trong canh tác lúa được Vị Thủy triển khai thí điểm ban đầu vào vụ Đông xuân 2013-2014 với diện tích 394ha tại 10 tiểu vùng thì đến nay, mô hình được mở rộng ra khoảng 10.000ha, trong đó có khoảng 30% diện tích đang được nông dân áp dụng mô hình sử dụng phân bón hữu cơ trong canh tác lúa. 

Để giúp người dân sản xuất lúa đạt hiệu quả, nhất là tại các vùng lúa chất lượng cao và trong cánh đồng lớn thì thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện Vị Thủy đã thực hiện nhiều giải pháp trọng tâm. Trước tiên về giống lúa, thông qua công tác tuyên truyền, vận động nên đa phần bà con trong huyện đều chọn gieo sạ giống lúa từ cấp xác nhận trở lên, đặc biệt là nông dân dần bỏ những giống lúa có phẩm chất gạo thấp sang trồng những giống lúa chất lượng cao. Điển hình như ở vụ lúa Đông xuân 2021-2022 vừa qua, tỷ lệ giống lúa thuộc nhóm ST, RVT và OM 18 được nông dân gieo sạ trên các cánh đồng của huyện Vị Thủy chiếm khoảng 60%.

Ông Danh Dương, ở ấp 4, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, thông tin: “Việc canh tác giống lúa chất lượng cao trong nhiều vụ lúa qua không chỉ giúp tôi và bà con ở cánh đồng này gặp thuận lợi trong tiêu thụ mà giá bán cũng ở mức cao hơn so với những hộ trồng giống lúa khác, từ đó nâng cao nguồn lợi nhuận. Cụ thể, ở vụ lúa Đông xuân vừa qua, giống lúa thuộc nhóm ST và RVT được thương lái cân lúa tươi tại ruộng với giá từ 7.000-7.200 đồng/kg, còn các giống lúa khác chỉ dao động 5.300-5.900 đồng/kg”.

Cùng với việc chuyển biến về cơ cấu giống thì nông dân trồng lúa trên địa bàn huyện Vị Thủy còn được chuyển giao nhiều tiến bộ kỹ thuật trong canh tác để nâng cao hiệu quả sản xuất. Đặc biệt, trước tình hình giá vật tư nông nghiệp tăng cao thì việc sử dụng công cụ sạ hàng kết hợp đồng bộ biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM để làm giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lúa đang được nông dân trong huyện áp dụng mạnh mẽ. Theo đó, toàn huyện hiện có nhiều diện tích đất lúa được nông dân áp dụng mô hình canh tác “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” và mô hình công nghệ sinh thái; trong đó có 135ha sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP kết hợp xây dựng thành công mã số vùng trồng nhằm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu gạo sạch sang các nước châu Âu.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc HTX Nông nghiệp Vị Thanh, ở ấp 1, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, chia sẻ: Ngoài nâng cao tay nghề trong canh tác lúa thì bà con tại cánh đồng lớn nơi đây còn được đầu tư đê bao khép kín gắn với trạm bơm điện tập trung, từ đó giúp nông dân sản xuất được thuận lợi và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mặt khác, bà con trong cánh đồng lớn còn được liên kết với doanh nghiệp trong việc ký kết hợp đồng bao tiêu và thu mua lúa ở từng vụ sản xuất, nhờ vậy đã an tâm về đầu ra sản phẩm cho nông dân. Hiện tại, HTX có tổng diện tích sản xuất lúa khoảng 500ha, trong đó có hơn 200ha nằm trong mô hình cánh đồng lớn.

Tiếp tục phát triển lúa gạo chất lượng cao

Theo chia sẻ của lãnh đạo ngành nông nghiệp huyện Vị Thủy, để tiếp tục phát triển sản phẩm lúa gạo chất lượng cao theo hướng bền vững, đồng thời đưa ngành lúa gạo của huyện nhà hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu thì điều tiên quyết phải làm là cần tổ chức lại sản xuất, mở rộng hạn điền, hình thành cánh đồng lớn, liên kết hộ nông dân; cũng như tổ chức mô hình HTX kiểu mới để mang lại thu nhập tốt nhất cho người trồng lúa. Đặc biệt, việc đẩy mạnh nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong thời buổi công nghệ 4.0 như hiện nay trong canh tác lúa là một trong những giải pháp then chốt nhằm tổ chức sản xuất để thích ứng với biến đổi khí hậu, cũng như là vấn đề về phát triển thị trường mới.

Từ những mục tiêu, định hướng trọng tâm trong phát triển lĩnh vực lúa gạo chất lượng cao đã đề ra thì tới đây ngành chức năng có liên quan của huyện Vị Thủy đã đề ra nhiều nhiệm vụ đột phá. Trong đó, ngành nông nghiệp huyện sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn trong việc tập trung nghiên cứu chọn tạo và phát triển những giống lúa chất lượng cao, lúa thơm có giá trị và khả năng cạnh tranh cao, cũng như chống chịu tốt với sâu bệnh. Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh công tác tập huấn cho nông dân để nâng cao tỷ lệ áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất về giống xác nhận; sản xuất lúa theo quy trình GAP, hữu cơ; đồng thời khuyến khích người dân đẩy nhanh việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa nhằm giảm thất thoát sau thu hoạch, tăng hiệu quả sản xuất, giảm giá thành và tăng thu nhập.

Mặt khác, các ngành có liên quan của huyện sẽ khuyến khích và hỗ trợ phát triển các HTX kiểu mới sản xuất kinh doanh lúa gạo nhằm tập hợp nông dân sản xuất theo quy mô lớn. Trong đó, HTX đóng vai trò đại diện cho nông dân ký hợp đồng, liên kết với doanh nghiệp; tổ chức các dịch vụ chung như cung ứng vật tư nông nghiệp, dịch vụ bảo vệ thực vật, sấy, bảo quản, tạm trữ và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm...

Ông Trương Văn Trí, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vị Thủy, cho biết thêm: Song song với các giải pháp trên thì tới đây địa phương sẽ tiếp tục thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu theo mô hình cánh đồng lớn trong sản xuất lúa và tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo. Từ cánh đồng lớn, tiến tới vùng chuyên canh, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc GlobalGAP với sản lượng lớn đồng đều, bảo đảm chất lượng, tăng giá trị hàng hóa và tăng thu nhập, nghiên cứu xây dựng thương hiệu lúa gạo giúp nông dân sản xuất hướng đến thị trường. Cụ thể là trên cơ sở đạt được của HTX Tân Long với thương hiệu “Gạo sạch Vị Thủy” thì địa phương từng bước đầu tư nhân rộng đến tất cả các HTX trên địa bàn nhằm hình thành các vùng nguyên liệu gắn xây dựng thương hiệu gạo sạch của địa phương kết hợp xây dựng mã số vùng trồng trên từng cánh đồng để tạo điều kiện thuận tiện cho xuất khẩu đối với các nước khó tính trên thế giới. Trước tiên là trong năm nay, huyện Vị Thủy phấn đấu xây dựng thành công thêm một thương hiệu gạo chất lượng cao.

Thực hiện liên kết tiêu thụ theo chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao, từ năm 2017 đến nay, huyện Vị Thủy đã có 31 công ty, doanh nghiệp và 4 HTX tổ chức đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu gắn liên kết bao tiêu đạt diện tích gần 60.800ha tại tất cả các xã, thị trấn với giống lúa chất lượng cao và lúa thơm chiếm 100%.

 

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Nguồn: http://baohaugiang.com.vn/nong-nghiep-nong-thon/vi-thuy-day-manh-san-xuat-lua-chat-luong-cao-113185.html