|
  • :
  • :

Vụ Hè thu nông dân khó kiếm lời

Lúa Hè thu đang vào vụ thu hoạch rộ, tuy nhiên do ảnh hưởng mưa lớn những ngày qua làm cho nhiều diện tích lúa bị đổ ngã, ngập úng. Lúa không chỉ giảm năng suất mà hiện nay bà con còn phải gánh thêm chi phí thuê mướn máy gặt đập liên hợp tăng cao, làm cho thu nhập của người trồng lúa tiếp tục bị giảm.

 

Các khoản chi phí đều tăng nên nông dân trồng lúa Hè thu ít lợi nhuận.  Ảnh: T.TRÚC

Canh tác hơn 20 công lúa Hè thu, nhưng có đến 6 công bị sập hoàn toàn do mưa những ngày qua. Anh Đoàn Văn Vũ Phương, ở xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp cho biết tùy tình hình thực tế khi máy lên đồng mới cho giá, nhưng sẽ không thấp hơn 400.000 đồng/công.

Anh Phương cho hay: “Mấy vụ lúa gần đây, nông dân trồng lúa đã phải gánh chịu chi phí phân bón tăng cao thì hiện nay lại tiếp tục gánh thêm chi phí máy cắt tiếp tục tăng. Lẽ ra khi chi phí nhiên liệu giảm xuống thì chủ máy gặt cũng phải chia sẻ với nông dân nhưng đằng này không giảm giá thu hoạch. Chưa kể hiện nay lúa sập, chủ máy không cho giá trước, khi tới ngày thu hoạch nếu nông dân không thống nhất giá của chủ máy đưa ra thì họ rút máy đi, lúa càng bị thất thoát về năng suất”.

Cũng theo anh Phương, hiện nay máy cắt và thương lái ở các địa phương khác muốn vào địa bàn cắt và mua được lúa của nông dân phải qua người dẫn đường hay còn gọi là “cò máy gặt” và “cò lúa”. Mà thông thường ở đây “cò máy gặt” và “cò lúa” chỉ có một nên khi giá máy cắt được đội lên cao nông dân không thống nhất thì coi như cũng không bán được lúa.

Chị Nguyễn Thanh Thủy, ở xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp, cho biết thêm: “Vụ lúa vừa rồi, gia đình làm được 2ha lúa, hợp đồng với chủ máy gặt là 350.000 đồng/công nhưng tới ngày cắt lúa bị sập chủ máy đòi giá 600.000 đồng/công, nếu gia đình không chịu sẽ cho rút máy đi không cắt. Do lúa bị sập và vùi trong nước gần 20 ngày nên gia đình đành chấp nhận. Thu hoạch xong, hạch toán lại các khoản chi phí thì vụ lúa vừa rồi gia đình không có lãi”.

Theo ngành nông nghiệp huyện Phụng Hiệp, toàn huyện hiện có 50 máy gặt đập liên hợp, trong đó có 27 máy là người địa phương, 23 máy ở địa bàn khác sang. Những năm qua số máy này đảm bảo thu hoạch hết diện tích lúa của bà con trong huyện với giá dao động từ 250.000-300.000 đồng/công, nhưng thời gian gần đây có tình trạng giá máy cắt được thổi lên cao, có lúc lên đến 600.000 đồng/công. Nguyên nhân một phần do tác động của giá nhiên liệu tăng cao và phần còn lại là chủ máy phải chi hoa hồng cho “cò máy gặt” ở địa phương.

Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp,  cho biết thêm: “Qua rà soát thực tế thì máy gặt đập liên hợp trên địa bàn hiện vẫn còn thừa nên sẽ đảm bảo việc thu hoạch cho nông dân khi vào vụ thu hoạch rộ. Tuy nhiên, những ngày qua do ảnh hưởng bởi mưa, nhiều diện tích lúa bị sập, các chủ máy dựa vào đó làm giá với nông dân. Hiện tại ngành nông nghiệp huyện cũng đã chỉ đạo cho cán bộ kỹ thuật ở địa phương trong huyện làm việc với các chủ máy gặt, đồng thời cho họ cam kết thu hoạch lúa đúng giá. Nếu phát hiện những trường hợp làm giá với nông dân sẽ báo với chính quyền địa phương kiên quyết xử lý.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết nhiều cánh đồng lúa Hè thu trên địa bàn tỉnh đang vào vụ thu hoạch rộ, tuy nhiên do ảnh hưởng của mưa dầm trong những ngày qua làm cho máy cắt không thể vào ruộng thu hoạch nên tiến độ cắt lúa rất chậm.

Song song đó, giá phân bón, nhiên liệu tăng cao cùng với tác động của thời tiết cực đoan, nông dân luôn là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất. Đó là lý do vì sao người trồng lúa mãi loay hoay với bài toán lợi nhuận. Chi phí nặng nhất là tiền mua phân bón ở mức cao, khi giá phân DAP và urê dao động từ 800.000 đồng đến hơn 1,1 triệu đồng/bao, tăng từ 200.000-300.000 đồng/bao (tùy loại) so với cùng kỳ, còn thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng từ 10-20%. Nếu giá thành sản xuất một công lúa ở những năm trước thường dao động từ 1,8-2,1 triệu đồng/công thì nay tăng lên hơn 2,5 triệu đồng/công do giá vật tư nông nghiệp tăng. Như vậy, với năng suất lúa 600kg/công, giá bán như hiện nay thì sau khi trừ các khoản chi phí nông dân thu hoạch lúa lúc này có được nguồn lợi nhuận chưa đến 1 triệu đồng/công, giảm gần phân nửa so với cùng kỳ; riêng nông dân nào có lúa đạt năng suất chỉ 400-500kg/công thì coi như huề vốn, thậm chí thua lỗ.

Đến thời điểm này, nông dân trên địa bàn tỉnh đã thu hoạch được hơn 37.000ha lúa Hè thu trong tổng số gần 76.400ha đã xuống giống, với năng suất bình quân đạt 6,35 tấn/ha. Hiện thương lái cân lúa tươi tại ruộng dao động từ 5.700-6.000 đồng/kg. Do năng suất lúa thấp, cộng với chi phí đầu tư ở mức cao nên sau khi bán lúa xong thì đa phần người dân chỉ huề vốn hoặc lợi nhuận thấp.

 

T.TRÚC - D.KHÁNH

Nguồn: http://baohaugiang.com.vn/nong-nghiep-nong-thon/vu-he-thu-nong-dan-kho-kiem-loi-113469.html