|
  • :
  • :

Vùng ĐBSCL có tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ở mức cao

Bộ NN&PTNT cho biết, vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có quy mô sản xuất lớn và tập trung so với các vùng khác trên cả nước, đồng thời với việc vào cuộc tích cực của các ngành chức năng từ Trung ương đến địa phương và sự đồng thuận của người dân nên nơi đây đang có mức độ áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất và chăn nuôi ở mức cao so với mặt bằng chung của cả nước.

 

Cùng với ĐBSCL, nông dân Hậu Giang đã và đang đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả canh tác.

Cụ thể, đối với cây lúa thì khâu làm đất đạt 100%, gieo sạ và cấy đạt 75%, chăm sóc và bảo vệ thực vật là 85%, thu hoạch là 95% và thu gom rơm, rạ là 90%. Về cây ăn trái thì khâu làm đất (vun luống, xẻ rãnh, xới đất) đạt tỷ lệ trên 90%, chăm sóc (tưới, thuốc bảo vệ thực vật) đạt 60-70%, thu hoạch chủ yếu làm thủ công. Đối với nuôi trồng thủy sản thì các máy móc cơ giới hóa đã ứng dụng gồm máy sục khí, máy kiểm tra nhiệt độ nước, máy thu hoạch, các máy móc cho cơ sở hạ tầng ao nuôi... Bên cạnh đó, một số địa phương trong vùng đã áp dụng hệ thống tưới tiêu thông minh phục vụ cho sản xuất lúa (mô hình 4.0 thích ứng với biến đổi khí hậu); đồng thời áp dụng thiết bị bay siêu nhẹ (máy bay không người lái) trong gieo hạt, phun phân, phun thuốc bảo vệ thực vật.

Ngoài ra, một số vườn trồng đã áp dụng công nghệ kéo dài thời vụ của nhiều loại trái cây, cũng như các biện pháp bảo quản tiên tiến, các phương pháp chiếu xạ, khử trùng bằng nước nóng để xuất khẩu tươi nhiều loại trái cây chủ lực như: thanh long, vải, xoài, nhãn, bưởi, chôm chôm... Mặt khác, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh máy móc, thiết bị, công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL chiếm trên 80% so với cả nước. Riêng tại tỉnh Hậu Giang, hiện tỷ lệ nông dân áp dụng cơ giới hóa trong khâu làm đất và thu hoạch lúa đạt 100%; trong gieo sạ bằng máy cấy, máy phun chiếm hơn 20% và đang đẩy mạnh áp dụng máy bay không lái trong bón phân, cũng như phun thuốc bảo vệ thực vật trên lúa, cây ăn trái.  

Chính việc đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất và chăn nuôi đã góp phần mang lại nhiều tín hiệu tích cực cho lĩnh vực nông nghiệp của vùng ĐBSCL. Điển hình như trong năm 2021 vừa qua, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp vùng ĐBSCL đạt 3,4%; giá trị gia tăng ngành nông nghiệp của vùng chiếm 32,2% GRDP toàn vùng và chiếm 31,37% GDP ngành nông nghiệp cả nước. ĐBSCL luôn đứng đầu cả nước về sản lượng gạo, tôm nước lợ, cá tra và trái cây khi có 24,51 triệu tấn lúa (chiếm 55,4% tổng sản lượng cả nước), 0,78 triệu tấn tôm (83,51%), 1,472 triệu tấn cá tra (chiếm 98%) và 4,3 triệu tấn trái cây (chiếm 60%)…

Tin, ảnh: HỮU PHƯỚC

Nguồn: http://baohaugiang.com.vn/kinh-te/vung-dbscl-co-ty-le-ap-dung-co-gioi-hoa-trong-san-xuat-nong-nghiep-o-muc-cao-113977.html