Ống hành trong thân cây lúa.
Anh Lê Văn Tâm, ngụ ấp Bến Cừ, xã Ninh Điền cho biết, vụ Đông Xuân năm nay, anh gieo sạ khoảng 0,4 ha lúa, đến nay lúa được hơn 40 ngày tuổi.
"Khi lúa gần 1 tháng tuổi, tôi phát hiện lúa bị muỗi hành gây hại trên diện tích nhỏ, nên đã phun thuốc phòng trị ngay. Tuy nhiên, lúa không khỏi bệnh, ngược lại diện tích nhiễm bệnh ngày càng tăng. Không biết đến khi thu hoạch sẽ được bao nhiêu lúa!” - anh Tâm lo lắng.
Triệu chứng điển hình khi lúa nhiễm muỗi hành là cây lúa bị lùn, đâm rất nhiều chồi, phần thân hơi cứng, sự tăng trưởng của ấu trùng nằm bên trong làm cho chiều ngang thân cây lúa nở to dần, lá lúa xanh thẫm, ngắn, dựng đứng và có nhiều cọng lúa giống như cọng hành lẫn trong bụi lúa. Thời kỳ lúa ở giai đoạn mạ, cây lúa bị tấn công thường kéo dài đến cuối đẻ nhánh, số nhánh bị giảm, nhánh bị hại không thể làm đòng.
Cây lúa bị muỗi hành khó phát triển.
Anh Bùi Hữu Nhân (ngụ ấp Bến Cừ) cho biết, do triều cường sau mùa lũ dâng cao nên toàn bộ diện tích 5 ha lúa của gia đình anh phải gieo sạ lại, muộn hơn so với lịch thời vụ từ 15-30 ngày, hiện lúa của anh chỉ hơn 30 ngày tuổi. Trong quá trình thăm đồng, anh Nhân phát hiện nhiều cây lúa chậm phát triển, có cọng lúa giống như cọng hành lẫn trong bụi lúa, tỷ lệ bệnh lên đến gần 50% diện tích.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Tây Ninh, đơn vị đang chỉ đạo các trạm phối hợp với các địa phương nắm tình hình bệnh hại thực tế để có khuyến cáo hợp lý.
Đối với các trường hợp lúa non, đang giai đoạn đẻ nhánh, nông dân cần tích cực chăm sóc, bón thêm phân, giúp cây lúa đẻ nhánh mới. Còn đối với những trà lúa đã đến giai đoạn làm đòng sẽ rất khó để khắc phục.
Muỗi hành hay còn gọi là sâu năn hại lúa là dịch hại xảy ra cục bộ, thường xuất hiện trong vụ Đông Xuân và Hè Thu. Muỗi hành tấn công cây lúa ở giai đoạn từ mạ đến đẻ nhánh, thậm chí ngay cả sau khi lúa có đòng và đến trổ, gây hại nặng đến năng suất.