Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết: Năm 2023 đánh dấu 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam và Nhật Bản. Ngành nông nghiệp Việt Nam luôn coi Nhật Bản là một mô hình mẫu mực để học tập. Hai bên sẽ tiếp tục triển khai cam kết mở cửa thị trường cho sản phẩm quả nho của Nhật Bản và quả bưởi của Việt Nam.
Ông Nikai Toshihiro, Chủ tịch Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản – Việt Nam mong muốn xuất khẩu quả nho của Nhật Bản sang Việt Nam và hai nước cùng nhau hỗ trợ, bảo đảm an ninh lương thực, nhất là trong bối cảnh xung đột Nga – Ucraina gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực toàn cầu.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan tặng quà kỷ niệm cho Nghị sỹ Hạ viện, Chủ tịch Liên minh Nghị sỹ hữu nghị Nhật – Việt Ông Nikai Toshihiro.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề xuất hai bên tiếp tục tạo điều kiện mở cửa thị trường nông sản của nhau. Sau cặp sản phẩm nho và bưởi, Bộ trưởng đề xuất các cặp sản phẩm tiếp theo như đào của Nhật Bản – chôm chôm của Việt Nam.
Về sản phẩm chăn nuôi, Bộ trưởng đề nghị Nhật Bản tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thịt gà sang Nhật và xem xét mở cửa thị trường thịt lợn của Việt Nam.
Về đào tạo nguồn nhân lực, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị Nhật Bản hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó tập trung vào giới trẻ, để phục vụ chiến lược phát triển nông nghiệp của Việt Nam trong giai đoạn tới, đồng thời Việt Nam cung cấp nguồn lao động nông nghiệp chất lượng cao hỗ trợ Nhật Bản.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng đề nghị Nhật Bản tăng hỗ trợ nguồn vốn ODA cho ngành nông nghiệp để triển khai các nội dung hợp tác giữa hai nước trong “Tầm nhìn trung và dài hạn về hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam – Nhật Bản”.
Toàn cảnh buổi làm việc
Bộ trưởng Lê Minh Hoan tin tưởng rằng hai bên sẽ ngày càng gắn kết, tiếp tục hỗ trợ lẫn nhau phát triển kinh tế xã hội, trong đó có nông nghiệp – nông dân – nông thôn. Trong thời gian tới, Bộ trưởng mong muốn Nhật Bản sẽ phối hợp và hỗ trợ Việt Nam giải quyết các thách thức toàn cầu mà cả hai nước cùng quan tâm và tích cực triển khai như an ninh lương thực, ứng phó với thiên tai trong điều kiện biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, giảm phát thải, phát triển bền vững trong nông nghiệp.