|
  • :
  • :

Nông nghiệp tuần hoàn: Xu hướng phát triển bền vững

Tiết kiệm chi phí, cải thiện thu nhập và giảm thiểu ô nhiễm môi trường là một trong nhiều lý do giúp mô hình tuần hoàn trong nông nghiệp được nhiều nông dân ở huyện Phụng Hiệp lựa chọn, áp dụng. Cách làm này bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.

 

Lãnh đạo tỉnh và huyện Phụng Hiệp đến thăm mô hình phát triển điện áp mái phía trên và nuôi cá bên dưới của Công ty TNHH Ngũ Thường Mekong.

Đến xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, hỏi thăm nông trại của Công ty TNHH Ngũ Thường Mekong hầu như bà con nào cũng biết. Cách đây 2 năm, những người làm nông nghiệp địa phương tò mò pha lẫn thích thú khi được tận mắt thấy hệ thống điện áp mái công suất 990kWp trong chuỗi sản xuất nông nghiệp theo dây chuyền khép kín. Với hệ thống này, việc sản xuất nông nghiệp tại địa phương vốn còn nhiều khó khăn đã bước sang trang mới. Hệ thống điện áp mái của nông trại có hiệu suất 4.000 kWh/ngày cho doanh thu hơn 200 triệu đồng mỗi tháng.

Dẫn chúng tôi đi tham quan nông trại của mình, bà Lữ Thị Nhật Hằng, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Ngũ Thường Mekong, phấn khởi cho biết: “Danh mục sản xuất của nông trại đăng ký là phát triển điện áp mái phía trên và sản xuất nông nghiệp phía dưới. Tận dụng khoảng trống phía dưới nông trại phát triển mô hình trồng nấm, nuôi trùn quế, trồng rau sạch và nuôi thủy sản”.

Chưa dừng lại ở đó, với mong muốn nâng tầm nông nghiệp địa phương, tối ưu hóa nguồn vốn và công năng sử dụng trên diện tích đất hiện có, đơn vị đã mạnh dạn xây dựng và đưa vào vận hành 10 nhà nấm với tổng diện tích 350m2, được chia làm 9 phòng nhỏ, mỗi phòng diện tích 33m2 và một phòng lớn 50m2. Mỗi ngày cho thu hoạch khoảng 30kg nấm, giá nấm được bán cho thương lái là 50.000 đồng/kg, mang về doanh thu khoảng 45 triệu đồng/tháng.

Thông thường, nếu sản xuất nấm rơm, phần bã rơm sau khi chất nấm sẽ được dùng làm phân bón cho cây trồng, thế nhưng khi sản xuất với quy mô lớn hơn, việc xử lý những phế phẩm này cũng đòi hỏi sự bài bản và chất lượng hơn. Tại Công ty TNHH Ngũ Thường Mekong, đơn vị tiếp tục ứng dụng triệt để mô hình nông nghiệp tuần hoàn. Bã rơm sau khi chất nấm mỗi vụ sẽ được xử lý men vi sinh để làm giá thể nuôi trùn quế và trồng rau sạch. Ngoài ra, phân bò cũng được ủ làm thức ăn nuôi trùn quế. Đến nay, nông trại đã xây dựng và đưa vào sản xuất 3 nhà trùn quế với diện tích 300m2, kế hoạch sẽ nâng lên tổng số 9 nhà trùn, tổng diện tích khoảng 1.000m2.

Trùn quế khi được thu hoạch, lượng phân trùn thải ra sẽ được thu gom và dùng để làm vườn, rải cho trồng rau là một nguồn phân hữu cơ sạch và dinh dưỡng. Lượng phân còn lại sẽ được bán cho các hộ có nhu cầu. Riêng phần thịt trùn sẽ được làm thức ăn nuôi thủy sản, gà, vịt và bán cho các hộ lân cận. Chất thải của gà tiếp tục làm đầu vào để nuôi trùn quế, quy trình này hạn chế chất thải chăn nuôi ra môi trường, nguồn nguyên liệu tự sản xuất nên tạo ra thực phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe. Cứ như vậy, với quy trình khép kín này, nông trại đã khai thác triệt để diện tích và không gian 7.000m2 đất sản xuất và đặc biệt là hạn chế tối đa chi phí đầu vào. Tính riêng đàn gà hơn 1.000 con và 700m2 nuôi các loại cá, bà Hằng thu nhập mỗi năm hơn 100 triệu đồng.

Ngoài ra, trại cũng tận dụng các quỹ đất để trồng thêm mảng rau xanh, rau sạch, cỏ voi cho bò ăn. Sử dụng hoàn toàn là phân hữu cơ như phân trùn quế, phân gà ủ hoai mục, mô rơm thải ra từ trồng nấm đã qua xử lý. Và cứ như thế, từng khâu khớp theo quy trình, cứ theo chuỗi thức ăn, thứ đứng trước là thức ăn của thứ đứng sau, chặt chẽ và khoa học.

Bà Lữ Thị Nhật Hằng, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Ngũ Thường Mekong, chia sẻ: “Tuần hoàn có nghĩa là chạy theo một vòng từ nguyên liệu đầu vào, đầu ra là khi đã thành phẩm là những vật nuôi, rau sạch. Để có được như hôm nay, ban đầu tôi đi học trồng nấm rơm, nuôi trùn, nuôi gà, nuôi bò và tiến hành nuôi trồng. Nói chung là phải va chạm, làm hết. Mấy anh em trong nghề và các bác nông dân chỉ nhiệt tình lắm”.

Mô hình nuôi trùn quế của Công ty TNHH Ngũ Thường Mekong.

Khép kín, tuần hoàn và không gây ô nhiễm môi trường là những gì dễ cảm nhận khi đến thăm mô hình của Công ty TNHH Ngũ Thường Mekong. Thông qua các ứng dụng công nghệ, kỹ thuật, xử lý các chất thải, phế phụ phẩm sẽ được tái chế, quay lại làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình nuôi trồng, chế biến nông sản. Tạo ra sản phẩm an toàn, giảm lãng phí, giảm tối đa lượng chất thải ra môi trường. Chi phí đầu tư cho mô hình hơn 1 tỉ đồng, các quy trình sản xuất được tính toán hợp lý, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế. Hướng tới mục tiêu lợi nhuận trên 1 tỉ đồng/năm.

Đánh giá những hiệu quả về tính ứng dụng và khả năng nhân rộng của mô hình tại địa phương, ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, cho rằng: Mô hình kinh tế tuần hoàn hiện đang là quan điểm chỉ đạo của tỉnh và huyện, đây là mô hình khép kín, liên kết giữa đầu vào và đầu ra. Phụ phẩm, phế phẩm của quy trình sản xuất này làm đầu vào cho quy trình sản xuất khác là xu hướng phát triển bền vững. Hướng tới huyện sẽ mở rộng rất nhiều, trong đó ứng dụng khoa học công nghệ cao, địa phương vừa hỗ trợ khoa học kỹ thuật, vừa hỗ trợ một phần vốn để kích thích bà con phát triển mô hình.

Ông Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đánh giá: Sản xuất manh mún như xưa giờ sẽ không phát triển được. Nông nghiệp bây giờ phải tuần hoàn, nông nghiệp giờ phải là nông nghiệp công nghệ cao, tăng giá trị chứ không phải theo hướng tăng sản lượng nữa. Chất lượng, giá trị mới quan trọng. Làm sao huyện Phụng Hiệp có nhiều mô hình tuần hoàn như thế này, chứ không phải một mà là nhiều mô hình, 1-2 công đất thôi mà tuần hoàn cũng là giá trị hơn rồi. 

Nguồn: http://baohaugiang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-tuan-hoan-xu-huong-phat-trien-ben-vung-105141.html