|
  • :
  • :

Chế biến nông sản sau thu hoạch: Cần những giải pháp căn cơ, bền vững

Sản xuất nông nghiệp mang tính nhỏ lẻ; sản phẩm thu hoạch chủ yếu bán thô… sẽ giảm khả năng tiêu thụ nông sản, nhất là khi thị trường gặp biến động do thiên tai, dịch bệnh như hiện nay. Việc liên kết hợp tác, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào khâu bảo quản, chế biến là những giải pháp giúp nâng cao giá trị nông sản, giảm áp lực mùa vụ.

Cùng với việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, khâu bảo quản, chế biến nông sản bắt đầu được các địa phương và người dân quan tâm, góp phần tạo ra những sản phẩm đa dạng, giá trị kinh tế. Tuy nhiên, để công nghệ sau thu hoạch được áp dụng rộng rãi cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng đẩy mạnh liên kết sản xuất.

 

Tránh mạnh ai nấy làm

 

Giữ thói quen canh tác nhỏ lẻ và phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm nên thời gian gần đây, các vùng chuyên sản xuất rau, quả trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn khi thị trường biến động vì dịch bệnh. Ở huyện Sơn Hòa, ông Dương Văn Nghi (thị trấn Củng Sơn) phải chịu bán mè giá rẻ khi vào vụ thu hoạch. Ông Nghi chia sẻ: “Mọi năm giá mè thương phẩm luôn ổn định và đầu ra tốt với giá bán khoảng 40.000 đồng/kg. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, thị trường tiêu thụ kém nên mè giảm nửa giá chỉ còn 20.000 đồng. Nếu để mè qua mùa mưa sẽ dễ bị ẩm mốc, hư hỏng và cũng vì cần tiền để trang trải chi phí đầu tư, gia đình tôi đành bán mè giá rẻ, chịu lỗ bởi giá mè giống mua vào đã 50.000 đồng/kg”.

 

Ông Trần Tấn Khoa, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp An Nghiệp cho rằng, không phải chỉ khi dịch COVID-19 tác động đến đời sống kinh tế - xã hội nông sản mới đối mặt với tình trạng giá cả bấp bênh mà nguyên nhân cốt lõi là do sản xuất chưa được quản lý theo chuỗi, chưa gắn với thị trường. Hiện nay, muốn sản xuất hiệu quả, người nông dân cần phải thay đổi tư duy sản xuất cũ “mạnh ai nấy làm” sang hình thức tổ, nhóm, HTX để sản xuất với quy mô hợp lý. Thời gian qua, dưới sự điều hành của HTX Dịch vụ nông nghiệp An Nghiệp, sản phẩm gạo Hoa Vàng khi được sản xuất ra đã đồng nhất về chất lượng, mẫu mã; sản phẩm cung ứng ra thị trường đáp ứng nhu cầu của nhà phân phối, tạo thu nhập ổn định cho người dân.

 

Đẩy mạnh áp dụng công nghệ

 

Ông Nguyễn Trọng Lực, Trưởng Phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ (Sở KH-CN) cho rằng, với xu thế hội nhập và phát triển như hiện nay, việc tăng cường áp dụng công nghệ sau thu hoạch là giải pháp giúp người dân có thể chế biến và lưu kho bảo quản qua vụ cao điểm hoặc bán ra khi nông sản có giá phù hợp, giảm áp lực mùa vụ và nâng cao đời sống, tăng hiệu quả kinh tế cho người làm nông nghiệp.

 

Góp phần vào những thành tựu chung của nền nông nghiệp tỉnh nhà, những năm gần đây, lĩnh vực bảo quản, chế biến nông sản đã thu hút được một số doanh nghiệp lớn đầu tư, gia tăng hàm lượng chế biến tinh, sâu, từng bước tạo ra nhiều sản phẩn có sức cạnh tranh cao. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Bảo Long, Trưởng Phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công thương, hiện nay Phú Yên chưa có nhiều doanh nghiệp có quy trình sản xuất khép kín tự động, bán tự động. Trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh, hải sản vẫn chiếm tỉ trọng lớn (trên 25%) trong kim ngạch xuất khẩu, tập trung chủ yếu là sản phẩm cá ngừ đại dương (trên 80%) và tôm (trên 10%). Sản phẩm nông nghiệp chế biến mạnh nhất cũng chỉ có cây mía và sắn.

 

Ngoài việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp và cá nhân đầu tư phát triển công nghệ bảo quản, chế biến để gia tăng giá trị nông sản, thời gian qua, chính quyền địa phương cũng đặc biệt chú trọng hỗ trợ các thiết bị, máy móc vào chế biến sâu các sản phẩm OCOP nhằm nâng cao giá trị cạnh tranh trên thị trường. Vừa qua, Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ đã tiến hành khảo sát nhu cầu công nghệ đối với các chủ thể OCOP. Qua đó, cơ sở sản xuất nước mắm Tân Lập (phường Xuân Đài, TX Sông Cầu) được xem xét hỗ trợ áp dụng công nghệ ủ mắm mới, mang lại hiệu quả; Công ty CP Vinacafe Sơn Thành (xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa) được hướng dẫn tiếp cận công nghệ sản xuất tiêu trắng theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm; HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Phong (huyện Tây Hòa) được hướng dẫn thay đổi mẫu mã, bao bì cho sản phẩm rượu tằm…

 

Xác định đầu tư công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch là giải pháp căn cơ và bền vững giúp giảm áp lực về tiêu thụ nông sản khi vào vụ thu hoạch cao điểm, ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết về lâu dài, người dân nên chuyển đổi dần từ canh tác truyền thống nhỏ lẻ sang tham gia sản xuất theo các mô hình tiên tiến (HACCP, VietGAP hoặc hữu cơ); tham gia các tổ kinh tế hợp tác nhằm đảm bảo quyền lợi về giá, thị trường tiêu thụ và sức cạnh tranh của sản phẩm vùng miền. Đồng hành cùng người dân, ngành Nông nghiệp tiếp tục hướng dẫn người dân về các quy trình công nghệ trong chuỗi sản xuất sản phẩm từ thu mua, sấy, bảo quản các sản phẩm nông sản; xây dựng các HTX làm cầu nối giữa doanh nghiệp chế biến với các hộ sản xuất; tăng cường kết nối, hỗ trợ các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm gắn với chuỗi giá trị và phát triển bền vững…

 

Nghị quyết HĐND tỉnh khóa VII, Kỳ họp thứ 17 (tháng 7/2020) quy định mức hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn Phú Yên. Cụ thể, các dự án liên kết được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% vốn đầu tư máy móc, trang thiết bị; xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết bao gồm: Nhà xưởng, bến bãi, kho tàng phục vụ sản xuất, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp…
Nguồn: http://baophuyen.com.vn/79/263940/che-bien-nong-san-sau-thu-hoach--can-nhung-giai-phap-can-co-ben-vung.html