|
  • :
  • :

Tiền Giang: Khống chế bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò

Tại tỉnh Tiền Giang, bệnh Viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò xuất hiện đầu tiên vào ngày 16/8/2021 ở xã Song Bình, huyện Chợ Gạo. Sau đó lây lan ra 10 huyện, thành, thị (trừ thị xã Gò Công) với 70 xã, 156 ấp, 371 hộ chăn nuôi bò ghi nhận xuất hiện bệnh VDNC trên đàn trâu, bò. Nhờ triển khai nhiều giải pháp quyết liệt và hiệu quả, đến nay, tỉnh Tiền Giang đã khống chế thành công bệnh VDNC, bảo vệ đàn trâu, bò trong tỉnh.

 

Chăm sóc bò tại xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho.

Nhận định chỉ có tiêm vắc-xin phòng bệnh VDNC kịp thời mới kiểm soát được dịch bệnh, để ứng phó, tỉnh Tiền Giang đã mua 95.000 liều vắc-xin, triển khai tiêm phòng bệnh VDNC cho đàn trâu, bò trong tỉnh. Nhờ vậy, đàn trâu, bò tại các vùng có nguy cơ cao; tại các cơ sở chăn nuôi nông hộ khu vực giáp ranh tỉnh bạn; tại các xã chăn nuôi trâu, bò trọng điểm có nguy cơ cao, xã có cơ sở giết mổ hoặc điểm thu gom trâu, bò… được tiêm phòng miễn phí nhưng chi phí tiêm phòng do chủ nuôi tự chi trả.

Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn kiện toàn mạng lưới thú y cơ sở, phối hợp cùng Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị từ đầu năm đến nay tổ chức 11 cuộc thông tin, truyền thông về bệnh VDNC trên trâu, bò và cách phòng, chống hiệu quả thông qua hình thức trực tuyến, thu hút 590 người dự. Qua đó, chuyển tải kịp thời những thông tin cần thiết liên quan bệnh VDNC đến mọi tầng lớp Nhân dân, nhất là hộ chăn nuôi về diễn biến dịch bệnh, hướng dẫn kỹ thuật chuyên môn về phòng, chống và xử trí ổ bệnh cho nhân viên thú y cơ sở, cách nhận biết bệnh VDNC trên trâu, bò; triển khai phác đồ điều trị nhiễm trùng thứ phát, hướng dẫn tiêu hủy động vật mắc bệnh nguy hiểm an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường…

Việc bao vây, khống chế ổ dịch, tránh lây lan bệnh cũng được hết sức chú trọng. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã cấp gần 200 lít thuốc sát trùng nhằm sát khuẩn, khử trùng ổ dịch… phục vụ công tác chống dịch.

Theo đánh giá của ngành chức năng, nhờ việc triển khai đồng bộ và quyết liệt các giải pháp phòng, chống, tỉnh cơ bản khống chế bệnh VDNC trên trâu bò; bảo vệ đàn trâu, bò nói riêng và ngành chăn nuôi tại địa phương nói chung. Hiện tại, chỉ còn 01 xã ghi nhận có trường hợp bò mắc bệnh VDNC. Từ đó, giúp nghề chăn nuôi bò tại địa phương khôi phục và phát triển sau đại dịch Covid-19, giúp tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống cho bà con. Đàn bò tại địa phương đang hồi phục mạnh mẽ. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có tổng đàn bò trên 124.000 con, tăng 3,4% so cùng kỳ năm trước.

Nguồn: http://nhachannuoi.vn/tien-giang-khong-che-benh-viem-da-noi-cuc-tren-trau-bo/
Tin liên quan
Chưa có thông tin