Nâng cấp hạ tầng, nâng cao chất lượng phục vụ
Theo UBND huyện Bình Tân, huyện có 8 chợ truyền thống chuyển đổi sang mô hình HTX, doanh nghiệp, khai thác, quản lý. Các chợ này đang hoạt động ổn định, trong đó chợ Tân Lược và chợ Tân Thành có quy mô và hoạt động hiệu quả.
Năm 2024, huyện Bình Tân đã đầu tư gần 600 triệu đồng để sửa chữa 3 chợ (từ nguồn vốn của các doanh nghiệp quản lý chợ). Thực hiện công trình nạo vét, nâng cấp hệ thống thoát nước, báo cháy tại chợ Tân Lược; cải tạo lối đi, thoát nước chợ Tân Quới; sửa chữa nhà lồng rau củ tại chợ Đình Thành Lợi.
Dự kiến trong năm nay, nhiều hạng mục tiếp tục được triển khai như sửa chữa khu vực ăn uống chợ Tân Lược, nâng cấp PCCC tại chợ Kinh Tư, thay mái tôn nhà lồng chợ Tân Thành, chỉnh trang hệ thống thoát nước chợ Nguyễn Văn Thảnh. Một số chợ như Mỹ Thuận, Trà Mách cũng được lợp lại mái, phục vụ tốt hơn trong mùa mưa lũ. Ước tổng kinh phí gần 500 triệu đồng.
Ông Trần Văn Sáu- Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết: Xác định phát triển chợ Tân Thành là 1 trong 3 trung tâm thương mại quan trọng của huyện. Địa phương đang tạo điều kiện để mở rộng các cơ sở sản xuất kinh doanh, tiểu thủ công nghiệp dọc tuyến ĐT908 và các tuyến liên ấp, liên xã. Nhờ đó, nhiều lao động nông thôn có việc làm ổn định. Hệ thống bán lẻ trong và ngoài chợ được mở rộng nhanh chóng, phục vụ tốt nhu cầu của người dân.
Chợ Tân Thành tọa lạc ở vị trí khá thuận lợi khi nằm cặp theo tuyến ĐT908 và giáp ranh với kênh 3 Tháng 2. Chính vị trí “trước lộ sau sông” này giúp việc vận chuyển, trao đổi hàng hóa ở chợ diễn ra thuận tiện, cả đường bộ lẫn đường thủy đều thông suốt. Chợ có diện tích 3.100m², do DNTN Minh Quang (xã Mỹ Thuận, huyện Bình Tân) khai thác, quản lý. Khuôn viên chợ được quy hoạch khá bài bản, gồm 72 tiểu thương buôn bán đa dạng ngành hàng, chia thành 3 khu vực chính: bách hóa, nông sản và thực phẩm tươi sống.
Ông Nguyễn Hữu Danh- Trưởng Ban quản lý chợ Tân Thành chia sẻ: “Chúng tôi thường xuyên nhắc nhở tiểu thương tuân thủ các quy định về vệ sinh môi trường, yêu cầu về an toàn thực phẩm, PCCC, niêm yết giá đúng và giữ gìn văn minh trong mua bán. Cuối năm 2024, hơn 90% tiểu thương đạt mức đánh giá tốt trong bảng xếp hạng người bán hàng văn minh”.
Xây dựng văn hóa chợ
Nếu ngày trước, chợ nông thôn thường gắn với hình ảnh lối đi chật hẹp, mặt nền lồi lõm, ẩm ướt vào mùa mưa, sạp hàng bày bán chen chúc nhau, thì vài năm trở lại đây, chợ Tân Thành đã có nhiều thay đổi tích cực, những dãy sạp được sắp xếp gọn gàng, khu vực buôn bán phân chia theo từng ngành hàng. Nền chợ sạch sẽ, thoáng đãng hơn, niêm yết và bán hàng đúng giá, tiểu thương mua bán vui vẻ, giao tiếp chuẩn mực…
Chị Nguyễn Thị Bé Năm (xã Tân Thành, huyện Bình Tân)- bán tạp hóa tại chợ hơn 10 năm, cho biết: “Đường sá vào chợ giờ thông thoáng, xe tải chở hàng vô ra dễ dàng. Các sạp hàng được bố trí đâu lưng lại với nhau, nên không có chuyện che chắn, lấn chiếm. Ban quản lý ở đây nghiêm lắm, ai buôn bán không lịch sự hay tranh giành khách là bị nhắc nhở ngay”.
Đang lựa rau tại chợ, chị Huỳnh Ngọc Trúc (xã Tân Bình, huyện Bình Tân), cũng nói: “Sáng nào tôi cũng đi chợ, vì thấy không khí mua bán gần gũi, mua miếng rau cũng được cho thêm trái ớt, cọng hành”.
![]() |
Hàng hóa tại chợ Tân Thành được trưng bày gọn gàng, từng bước xây dựng chợ văn minh, hiện đại. |
Tuy nhiên, chợ ở nông thôn vẫn còn không ít khó khăn. Ông Phùng Quang Tâm- Công chức địa chính UBND xã Tân Thành, cho rằng: “Hiện sức mua tại chợ giảm khoảng 30-40% do sự cạnh tranh từ cửa hàng tiện lợi, sàn thương mại điện tử. Nhớ những mùa khoai 4-5 năm trước, khoai có giá, chợ nhộn nhịp từ 3-4 giờ sáng, nay chỉ họp sung nhất từ 6-8 giờ. Mùa nước rong tháng 8 âm lịch, triều cường ngập các tuyến đường xung quanh, người bán người mua đều gặp khó”.
UBND xã Tân Thành đã kiến nghị cấp huyện sớm đầu tư nâng cấp một số hạng mục hạ tầng quan trọng trong chợ như đường nội bộ, vỉa hè, hệ thống thoát nước… nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc mua bán của người dân, nhất là trong mùa mưa. Song song đó, địa phương cũng đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hỗ trợ tiểu thương kết nối với các hội chợ thương mại, sàn giao dịch điện tử để mở rộng đầu ra cho hàng hóa địa phương.
Công tác tuyên truyền, nhắc nhở tiểu thương chấp hành nội quy, giữ gìn văn minh mua bán tiếp tục được duy trì. Mục tiêu lâu dài là nâng cao hiệu quả khai thác và quản lý chợ Tân Thành theo hướng ngày càng hiện đại, nhưng vẫn giữ được bản sắc thân thiện, gần gũi vốn có của một ngôi chợ vùng nông thôn miền Tây.
Bài, ảnh: THẢO TIÊN