|
  • :
  • :

Chống ngập cho Vũng Tàu là yêu cầu cấp bách

Tình trạng ngập sâu trên diện rộng sau những trận mưa lớn gần đây đã xảy ra tại TP.Vũng Tàu. Do đó, việc triển khai các giải pháp chống ngập là yêu cầu cấp bách đối với thành phố hiện nay.

Đường 30/4 ngập nặng trong trận mưa đêm 18/6.

Đường 30/4 ngập nặng trong trận mưa đêm 18/6.

Sau mưa, phố biến thành... sông

Chỉ diễn ra trong vòng chưa đầy 1 tiếng (từ khoảng 18 giờ đến 18 giờ 50 ngày 19/6) nhưng các tuyến đường Lê Hồng Phong, Lê Lợi, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Huyền Trân Công Chúa, Hoàng Hoa Thám, Võ Thị Sáu, Thi Sách, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hoàng Văn Thụ… trên địa bàn TP.Vũng Tàu đã ngập sâu 30-40cm. Khu vực ngập nặng nhất là đường 30/4 đoạn từ cảng Vietsovpetro đến ngã ba cảng PTSC, nước ngập hơn 50cm. Hàng loạt phương tiện tham gia giao thông bị chết máy trên đường. Nhiều chủ xe ô tô phải gọi cứu hộ do xe bị thủy kích.

Trước thực trạng trên, ngày 2/7, UBND TP.Vũng Tàu đã tổ chức cuộc họp với sự tham dự của Sở Xây dựng, Công ty CP Khoa học - Công nghệ Việt Nam (Busadco) để mổ xẻ nguyên nhân và bàn giải pháp cả trước mắt lẫn lâu dài để phòng, chống ngập úng cho thành phố.

Báo cáo về hiện trạng hệ thống thoát nước (HTTN), ông Nguyễn Văn Huynh, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Vũng Tàu cho biết, TP.Vũng Tàu (trừ xã Long Sơn) có 7 hồ điều hòa trong HTTN với diện tích tổng cộng là 107,42ha. Tuy nhiên, thực tế chỉ có 4 hồ bảo đảm chức năng thoát nước với diện tích 32,68ha, chưa đủ dung tích chứa, điều hòa thoát nước. Trước đây, tại các vị trí dự kiến xây dựng hồ điều hòa có nhiều ao, ruộng trũng có thể chứa nước mưa, nay đã bị san lấp.

Đường Võ Nguyên Giáp, phường 12, TP.Vũng Tàu ngập sâu trong mưa.

Đường Võ Nguyên Giáp, phường 12, TP.Vũng Tàu ngập sâu trong mưa.

Các cơ quan chức năng cũng nhận diện rõ, tình trạng ngập úng xảy ra ở hầu khắp các tuyến đường và cả trong khu dân cư khi mưa lớn trên địa bàn TP.Vũng Tàu. Điều đáng nói là mùa mưa 2024 chỉ mới bắt đầu, chưa có trận mưa lớn nào kéo dài nhưng nhiều khu vực đã bị ngập sâu. Trong đó, 6 khu vực ngập úng nghiêm trọng gồm: lưu vực Bãi Trước, lưu vực hồ Võ Thị Sáu - Á Châu, lưu vực hồ Bàu Sen, lưu vực kênh Bến Đình, lưu vực hồ Bàu Trũng, lưu vực hồ Rạch Bà - Cửa Lấp với 12 tuyến điểm ngập sâu như: đường 30/4, 3/2, Thi Sách, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Bỉnh Khiêm…

Theo ông Hoàng Đức Thảo, Tổng Giám đốc Busadco, tình trạng ngập úng trên địa bàn TP.Vũng Tàu về khách quan là do ảnh hưởng của thủy triều và tốc độ đô thị hóa nhanh khiến bề mặt đô thị chuyển từ mặt đất tự nhiên bị san lấp, sang các loại mặt phủ nhân tạo nên nước mưa không thể tự thấm xuống đất.

Nguyên nhân chủ quan là do hệ thống tuyến kênh thoát nước chính của thành phố thời gian qua chưa được nạo vét. Bùn đất, cỏ cây hai bên mương nhiều làm cản trở dòng chảy, chậm tiêu thoát nước gây ngập úng cục bộ các tuyến đường, khu dân cư. “Tình trạng xây dựng lấn chiếm làm co hẹp dòng chảy, làm giảm khả năng tiêu thoát nước, đặc biệt tuyến kênh chính rất đáng lo ngại”, ông Thảo nói.

Ngoài ra có thể kể đến một số nguyên nhân khác như: một bộ phận dân cư có hành vi xả rác, chất thải bữa bãi ra đường, chảy vào cống, hố thu, kênh, mương, cống bị bồi lấp bởi rác làm giảm hiệu quả thoát nước; cống bị lắng đọng không nạo vét kịp…

Về nguyên nhân tổng quan, ngập úng ngày càng diễn ra trên diện rộng và mức ngập sâu còn do các tuyến cống thoát nước của TP.Vũng Tàu được xây dựng từ những năm đầu thập niên 1990, cao độ đáy cống không thuận lợi do xuống cấp, sụt lún. Năm 2006, TP.Vũng Tàu đã có quy hoạch chung xây dựng và quy hoạch chuyên ngành thoát nước, trong đó HTTN đã được tính toán để bảo đảm tiêu thoát nước. Tuy nhiên, đến nay HTTN TP.Vũng Tàu chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ, chắp vá nên không đáp ứng được yêu cầu thoát nước.

Cần dự án chống ngập lâu dài

Với thực trạng và nguyên nhân trên, Phòng Quản lý đô thị đã đề xuất giải pháp trước mắt là tháo dỡ các công trình xây dựng lấn chiếm làm co hẹp dòng chảy các tuyến kênh thoát nước, đặc biệt là dọc kênh thoát nước chính đoạn từ đường Nguyễn An Ninh đến hồ Bàu Trũng thuộc phường Nguyễn An Ninh.

Xử lý dứt điểm tình trạng ngập úng là việc lớn và khó nhưng TP.Vũng Tàu sẽ quyết tâm thực hiện. Việc rà soát các công trình lấn chiếm HTTN sẽ được triển khai ngay trong đầu tháng 7.

Ngoài ra, thành phố sẽ đẩy nhanh tiến độ dự án cải tạo, chỉnh trang ao cá phường 2; dự án nạo vét, chỉnh trang hồ Bàu Sen; ưu tiên đầu tư xây dựng dãy hồ điều hòa (hồ Bàu Trũng, Rạch Bà, Cửa Lấp). Thành phố cũng xây dựng các tuyến cống hộp, tuyến kênh thoát nước chính thông dẫn đến các hồ điều hòa theo quy hoạch đã được phê duyệt, trong đó thay thế các cống qua kênh bằng cầu nhỏ, có khẩu độ bằng chiều rộng kênh...

(Ông Hoàng Vũ Thảnh, Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu)

Đồng thời, yêu cầu các đơn vị thi công các công trình giao thông, hạ tầng tháo dỡ ngay các phần đê bao che chắn gây cản trở dòng chảy. Song song đó, thành phố cần khẩn trương tổ chức nạo vét các tuyến kênh, mương thoát nước, đặc biệt là tuyến kênh thoát nước chính; nạo vét các tuyến cống thoát nước trên toàn thành phố nhằm tăng khả năng tiêu thoát nước trên địa bàn.

Ông Hoàng Đức Thảo đề xuất các nhóm giải pháp gồm: Xây dựng hệ thống thoát nước mưa; xây dựng và hoàn thiện hệ thống thoát nước thải; vận hành các hệ thống, kênh, mương, hồ điều hòa; xử lý hành vi lấn chiếm HTTN, kiểm soát cao độ và xây dựng hệ sinh thái tuần hoàn. Busadco đã cung cấp cho TP.Vũng Tàu danh sách 211 hộ dân, tổ chức lấn chiếm kênh thoát nước của thành phố. Trong đó, phường Rạch Dừa là nhiều nhất với 101 trường hợp.

Hệ thống kênh thoát nước chính của thành phố chưa được khơi thông, nạo vét làm bít dòng chảy.

Hệ thống kênh thoát nước chính của thành phố chưa được khơi thông, nạo vét làm bít dòng chảy.

Bên cạnh việc khơi thông, nạo vét, theo Busadco, để chống ngập TP.Vũng Tàu cần xây dựng 3 hồ điều hòa còn lại là hồ Bàu Trũng, hồ Rạch Bà và hồ Cửa Lấp. Đồng thời, cải tạo, nâng cấp mở rộng các cống ngăn triều; khôi phục chức năng thoát nước hồ Á Châu. “Nhìn xa hơn, TP.Vũng Tàu cần quy hoạch, đầu tư xây dựng diện tích giữ nước mưa bằng giải pháp tự thấm (hồ khô) dọc bờ biển, trên sườn Núi Lớn, Núi Nhỏ… nhằm chống xâm thực, xói mòn, cân bằng, ổn định hệ nước ngầm, bảo vệ các công trình ngầm”, ông Thảo hiến kế.

Ông Mai Trung Hưng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, sở sẽ phối hợp với TP.Vũng Tàu đẩy nhanh thủ tục để trước mắt là nạo vét kênh mương thoát nước. Song song đó là báo cáo hiện trạng, đề xuất chủ trương để xin kinh phí tỉnh thực hiện các dự án chống ngập lâu dài cho thành phố.

Nguồn: http://baobariavungtau.com.vn/kinh-te/202407/chong-ngap-cho-vung-tau-la-yeu-cau-cap-bach-1014732/