|
  • :
  • :

Đề xuất nhiều giải pháp nhằm quản lý bền vững sức khỏe đất sản xuất nông nghiệp

Bộ NN&PTNT cho biết, tình trạng thoái hóa đất sản xuất nông nghiệp đang trở nên đáng báo động cả với loại hình thoái hóa tự nhiên (đất khô cằn, nhiễm mặn, nhiễm phèn…) và thoái hóa do tác động của con người (thâm canh, tăng vụ…). Không chỉ vậy, việc sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học cũng đã góp phần tiêu diệt hệ sinh vật có ích trong đất, làm giảm độ tơi xốp, giảm khả năng hấp thu dinh dưỡng của cây trồng, từ đó làm ảnh hưởng đến sức khỏe đất và cây trồng.

Việc tăng cường thâm canh, tăng vụ và lạm dụng thuốc hoá học vào sản xuất nông nghiệp đang làm thoái hóa và mất sức khỏe cho đất.

Trước tình trạng trên, nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp đề ra không ít những giải pháp nhằm quản lý bền vững sức khỏe đất sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới. Điển hình là khuyến khích người dân áp dụng các mô hình sản xuất bền vững, trong đó thúc đẩy canh tác thông minh góp phần giảm nhẹ, thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời gắn việc sản xuất với cải tạo đất và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, cần xem xét đến bản đồ đất, bản đồ chất lượng đất và bản đồ thoái hóa đất để tránh việc bố trí những cây trồng, vật nuôi làm cho đất dễ bị thoái hóa. Ngoài ra, khuyến khích người dân sử dụng các thiết bị điện tử hiện đại, ứng dụng công nghệ cao để chuyển giao công nghệ về quản lý sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng như: chẩn đoán thiếu hụt dinh dưỡng bằng các thiết bị cầm tay, test nhanh, hướng dẫn bón phân và cải tạo đất,… cho cây trồng của nông hộ.

Song song với các giải pháp trên là thực hiện rà soát, hoàn thiện các nội dung, chương trình, tài liệu tập huấn chuyên sâu cho từng nhóm đối tượng nhà quản lý, doanh nghiệp, nông dân về thiết lập, quản lý và giám sát sức khỏe đất, vùng trồng theo các quy định hiện hành; trong đó chú ý đến ảnh hưởng của suy thoái đất, biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn… Đồng thời, xây dựng mô hình mạng lưới cán bộ kỹ thuật phục vụ công tác nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng với sự tham gia, phối hợp, hỗ trợ của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà sản xuất và cơ quan chuyên môn từ Trung ương đến địa phương.

Nguồn: http://baohaugiang.com.vn/nong-nghiep-nong-thon/de-xuat-nhieu-giai-phap-nham-quan-ly-ben-vung-suc-khoe-dat-san-xuat-nong-nghiep-133270.html