Lãnh đạo huyện Phụng Hiệp luôn đi sâu, đi sát hỗ trợ bà con nông dân trong phát triển sản xuất.
Nông nghiệp theo chiều sâu
Ấp Phương Thạnh, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, những ngày này luôn hối hả, nhưng rộn rã tiếng cười bởi bà con đang vào vụ thu hoạch khóm MD2. Ngay khi cắt xong, toàn bộ khóm được chất lên xe rồi vận chuyển về nhà máy của Công ty Cổ phần chế biến thực phẩm xuất khẩu Miền Tây (WestFood) - đơn vị bao tiêu khóm của địa phương.
Từ ngày Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Bửu Long liên kết với WestFood, những rẫy mía kém hiệu quả đã thay bằng màu xanh cây khóm MD2. Doanh nghiệp này cung ứng giống, phân, thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn kỹ thuật; ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm khi thu hoạch với giá loại 1 là 5.800 đồng/kg, loại 2 là 5.500 đồng/kg, loại 3 là 2.800 đồng/kg và thu mua cả chồi khóm giống.
Ông Lâm Văn Lam, Giám đốc HTX Bửu Long, cho biết: “HTX hiện có 43 thành viên, diện tích khoảng 90ha. Trung bình 1 vụ, từ 15-18 tháng khóm sẽ cho thu hoạch, tùy vào con giống công ty đưa xuống lớn hay nhỏ. Trồng khóm MD2 hơi cực nhưng hiệu quả cao hơn so với cây mía, khóm MD2 đã đạt chứng chỉ GlobalGAP. Quy trình và kỹ thuật canh tác được đội ngũ cán bộ của WestFood luôn theo sát, hướng dẫn để sản phẩm làm ra đạt chất lượng tốt nhất, theo đúng các yêu cầu”.
Bên cạnh việc bao tiêu đầu ra, người làm nông ở Phụng Hiệp giờ đây còn mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ vậy, sản phẩm làm ra không chỉ đẹp về mẫu mã còn cạnh tranh về giá cả. Tại HTX dưa lưới Thuận Phát, ở xã Bình Thành có khoảng 30 hộ, diện tích khoảng 4ha, cung cấp mỗi năm cho thị trường từ 250-280 tấn trái. Trung bình 1.000m2 thu hoạch khoảng 2,5 tấn, với giá này sau khi trừ chi phí người dân lãi khoảng 10%.
Ông Võ Văn Trưng, Giám đốc HTX dưa lưới Thuận Phát, cho hay: “Quá trình sinh trưởng và phát triển của vườn dưa lưới được quản lý qua điện thoại nên rất tiện lợi. Đồng thời, thực hiện ghi chép nhật ký và truy xuất nguồn gốc nông sản trên trang Nông sản Hậu Giang. Nhờ trồng xoay vòng trong xã viên nên dưa lưới cung cho các đơn vị bao tiêu ổn định, chất lượng được đồng đều. Nếu hộ nào săn sóc kỹ thì doanh thu mỗi năm 1.000m2 cũng gần 200 triệu đồng”.
Ông Trần Trung Tính, Trạm Khuyến nông huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: “Về truy xuất nguồn gốc, cấp mã số vùng trồng được lãnh đạo huyện rất quan tâm, đặc biệt là đối với các HTX và các tổ hợp tác và cả những hộ có diện tích lớn trồng các loại cây, nông sản chủ lực trên địa bàn huyện. Cán bộ chuyên môn xuống hỗ trợ tối đa về mã vùng trồng và truy xuất nguồn gốc trên các sản phẩm để đưa ra thị trường đạt chất lượng cũng như cho người tiêu dùng an tâm”.
Đạt nhiều kết quả quan trọng
Năm 2023, huyện Phụng Hiệp đề ra 17 chỉ tiêu chủ yếu. Tính đến quý I, có 1 chỉ tiêu đạt 100%; 3 chỉ tiêu đạt từ 70-90%; 4 chỉ tiêu đạt từ 19-40%; 9 chỉ tiêu còn lại được tính vào cuối năm.
Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên luôn được quan tâm, việc tổ chức sơ, tổng kết và quán triệt, triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy kịp thời, nội dung đảm bảo yêu cầu, có đổi mới, chất lượng ngày càng nâng lên. Công tác cán bộ được quan tâm kiện toàn, sắp xếp, bố trí theo yêu cầu nhiệm vụ, đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo đồng tình thống nhất cao, tạo đồng thuận trong cán bộ, đảng viên.
Sản xuất nông nghiệp tiếp tục được quan tâm, vận dụng tốt nhiều cơ chế chính sách của Trung ương, tỉnh hỗ trợ tích cực tạo điều kiện phát triển. Qua thống kê, toàn huyện hiện có 1.026 tổ chức, hộ gia đình xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả (tăng 55 mô hình so năm 2020), trừ chi phí cho thu nhập từ 100-500 triệu đồng/ha/năm. Trong đó, có 139 mô hình ứng dụng công nghệ cao điển hình nhân rộng.
Ông Nguyễn Văn Vui, Bí thư Huyện ủy Phụng Hiệp, cho biết, huyện sẽ tiếp tục làm công tác tuyên truyền, để người dân thấy được việc áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp giảm được sức lao động rất lớn, giảm chi phí trong sản xuất, đưa giá thành sản phẩm lên rất cao, hàng hóa làm ra tiêu thụ rất dễ dàng. Chúng ta sản xuất theo các tiêu chuẩn theo quy định VietGAP, GlobalGAP xa hơn nữa là tiến tới hữu cơ cho đây là việc làm rất tốt, các cấp chính quyền, đặc biệt là tại huyện Phụng Hiệp, tiềm năng rất lớn.
“Tập trung thực hiện 3 khâu đột phá đó là về công tác tổ chức cán bộ, đoàn kết, thống nhất trong Đảng; đột phá về mô hình chuyển đổi trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt giảm dần tỷ trọng khu vực I, nâng cao giá trị khu vực II và III bằng các mô hình chuyển đổi; tập trung giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm trên địa bàn huyện bao gồm của tỉnh và huyện. Cùng với đó là đẩy mạnh cải cách hành chính, tất cả cùng phấn đấu thực hiện để cải thiện thứ hạng”, ông Nguyễn Văn Vui, chia sẻ.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, đề nghị Đảng bộ huyện Phụng Hiệp quan tâm giữ gìn đoàn kết, thống nhất trong cấp ủy, chính quyền các cấp; trong lãnh đạo, chỉ đạo cần đề cao tinh thần “Đổi mới, đột phá, quyết tâm và khát vọng”. Tập trung khai thác tối đa tiềm năng của huyện. Cụ thể, trong lĩnh vực nông nghiệp, cần có phân vùng sản xuất trên từng cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế; triển khai có hiệu quả định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đảm bảo mang lại hiệu quả cao; tăng cường mô hình liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản; khuyến khích phát triển hợp tác xã, nhất là hợp tác xã nông nghiệp. |