|
  • :
  • :

Đồng Nai: Người chăn nuôi dồn sức tăng đàn vụ cuối năm

Huyện Cẩm Mỹ là một trong 3 địa phương chăn nuôi lớn của tỉnh. Thời điểm này, các trang trại chăn nuôi đang tăng đàn, tái đàn cho vụ cuối năm. Năm nay, mặc dù giá cả thức ăn chăn nuôi, thuốc phòng bệnh cho vật nuôi… tăng cao nhưng đầu ra thuận lợi, giá tốt nên người nuôi phấn khởi.

Huyện cũng đã tổ chức phun khử trùng diện rộng, tập huấn chăn nuôi an toàn sinh học và phòng bệnh nhằm giúp hoạt động chăn nuôi đạt hiệu quả.

Nuôi dê vỗ béo tại HTX Chăn nuôi gà Tâm Việt, xã Lâm San. Ảnh: H.Lộc

* Tính toán để tăng đàn hợp lý

 

HTX Chăn nuôi gà Tâm Việt (xã Lâm San) là đơn vị chăn nuôi lớn ở H.Cẩm Mỹ. Thời điểm này, nhiều xã viên phấn khởi tăng đàn, tái đàn phục vụ thị trường cuối năm.

 

Giám đốc điều hành HTX Tâm Việt Lê Đình Ngoãn cho biết, HTX có 9 thành viên, chăn nuôi quy mô khoảng 100 ngàn con gà, 30 ngàn con heo và trên 10 ngàn con dê. Hiện nhiều trại đã và đang chuẩn bị tăng đàn phục vụ cho thị trường cuối năm. “Từ khoảng tháng 9-10 âm lịch, nhu cầu nguyên liệu thịt để chế biến các sản phẩm: giò chả, xúc xích, lạp xưởng, làm bánh đã bắt đầu tăng cao nên người nuôi không ngại tăng đàn lúc này” – ông Ngoãn chia sẻ.

 

Theo ông Ngoãn, thời gian qua, mặc dù giá cám, thuốc ở mức cao nhưng đầu ra thuận lợi, giá tốt nên người nuôi vẫn có lời. Cụ thể, lợi nhuận trung bình với gà hơn 10 ngàn đồng/con, dê khoảng 1-1,5 triệu đồng/con, heo khoảng 2 triệu đồng/con. Ngoài ra, để hỗ trợ xã viên có mức giá đầu vào tốt, HTX ký hợp đồng trực tiếp với các công ty sản xuất cám, thuốc.

 

Thống kê của Phòng NN-PTNT H.Cẩm Mỹ, hiện trên địa bàn huyện phát triển được khoảng 1,2 triệu con gia cầm; 292 ngàn con gia súc. Trong đó, chăn nuôi trang trại quy mô lớn và vừa chiếm khoảng 70%. Huyện đã hình thành được vùng khuyến khích chăn nuôi tại các xã: Xuân Đông, Xuân Tây, Lâm San, Thừa Đức.

 

Ông Trần Văn Hùng, hộ nuôi dê tại xã Sông Ray, chia sẻ 2 năm trước người nuôi lỗ nặng do dịch bệnh Covid-19 không xuất hàng sang thị trường Trung Quốc được. Giá bán dưới giá thành sản xuất, nhiều hộ phải “kêu cứu”. Nhưng từ đầu năm đến nay, giá dê ổn định ở mức 80-110 ngàn đồng/kg nên người nuôi có thể lời 1,5 triệu đồng/con. “Thường cuối năm tiệc tùng, đám cưới nhiều nên nhu cầu sử dụng thịt dê tăng. Tôi không ngại tăng đàn lúc này” – ông Hùng cho hay.

 

Ông Bùi Duy Nguyện, hộ chăn nuôi heo rừng tại xã Xuân Tây, cũng không ngại tăng đàn từ 300 lên 500 con để phục vụ thị trường cuối năm. Theo tính toán của ông Nguyện, với mức giá hiện tại 110 ngàn đồng/kg heo hơi, ông có thể lời khoảng 2-3 triệu đồng/con.

 

Cán bộ phụ trách chăn nuôi Phòng NN-PTNT H.Cẩm Mỹ Trương Thị Kim Nương cho rằng, chăn nuôi trên địa bàn huyện đang tăng trưởng tốt. Tổng đàn gia súc, gia cầm đều tăng so với đầu năm và cùng kỳ năm 2021. Để hỗ trợ hoạt động chăn nuôi đạt hiệu quả, Phòng Tham mưu huyện mua 1 ngàn lít thuốc khử trùng phun tại các khu vực chăn nuôi tập trung, 30 tấn vôi bột rải ở các tuyến đường vận chuyển nông sản huyết mạch. Đồng thời, Phòng NN-PTNT tổ chức các lớp tập huấn chăn nuôi an toàn sinh học, phòng dịch vật nuôi cho người dân.

 

Vẫn chưa có đầu ra bền vững

 

Ông Lê Đình Tuấn Kiệt, thành viên HTX Chăn nuôi gà Tâm Việt cho rằng khó khăn nhất hiện nay vẫn là đầu ra. HTX mặc dù là đơn vị chăn nuôi lớn nhưng chưa kết nối được với các cơ sở thu mua, chế biến, phân phối. “Thời gian qua, chúng tôi đã đi chào hàng một số hệ thống siêu thị lớn tại TP.HCM, nhưng điều kiện cung ứng sản phẩm vào đây rất khó. Vì không có kết nối đầu ra nên HTX bị động trong sản xuất, lệ thuộc vào thương lái nhỏ và biến động giá thị trường” – ông Kiệt thông tin.

 

Tương tự, ông Bùi Văn Quang, chủ đại lý cung ứng giống, thức ăn chăn nuôi tại xã Sông Ray cho hay tâm lý chung của nông dân là khi nào giá cao thì đẩy mạnh sản xuất. Tuy nhiên, phải 4-5 tháng sau mới đến kỳ thu hoạch, khi đó thương lái báo giá cao thì nông dân hưởng lợi, còn thương lái ép giá nông dân phải chịu.

 

Đại diện Phòng NN-PTNN H.Cẩm Mỹ cho rằng, vấn đề kết nối đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn đang gặp nhiều khó khăn. Đa số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, HTX đều bán sản phẩm cho thương lái địa phương. Chỉ có trang trại chăn nuôi gia công được cung ứng con giống, thức ăn, thuốc…, sau đó bán sản phẩm lại cho công ty. Địa phương đang triển khai dự án cụm công nghiệp chế biến nông sản. Hy vọng cụm công nghiệp này đi vào hoạt động sẽ thu hút được các cơ sở giết mổ, chế biến về đây. Bên cạnh đó, tới đây Phòng NN-PTNT huyện sẽ triển khai cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của địa phương.

 

Đối với vấn đề tăng đàn, bà Trương Thị Kim Nương cho rằng, huyện khuyến cáo các hộ chăn nuôi không nên tăng đàn ồ ạt vì thời điểm này giá nguyên liệu đầu vào vẫn cao, dịch bệnh tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Để đảm bảo hiệu quả kinh tế, người nuôi chỉ tái đàn, tăng đàn khi đảm bảo đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất. Trong quá trình nuôi cần thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn; phải thực hiện kê khai tổng đàn qua Te-food.

 

Hoàng Lộc

Nguồn: Báo Đồng Nai

 
Nguồn: https://nhachannuoi.vn/dong-nai-nguoi-chan-nuoi-don-suc-tang-dan-vu-cuoi-nam/