|
  • :
  • :

Đưa máy móc hiện đại vào sản xuất nông nghiệp

Ngành nông nghiệp Bà Rịa-Vũng Tàu đã và đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, đẩy mạnh việc đưa máy móc vào phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó, đã giúp bà con nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tiết giảm chi phí đầu tư, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Vũ Ngọc Đăng (thứ hai từ trái vào), Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh tham quan mô hình nuôi hàu của HTX Thủy sản Như Ý Long Sơn.

Ông Vũ Ngọc Đăng (thứ hai từ trái vào), Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh tham quan mô hình nuôi hàu của HTX Thủy sản Như Ý Long Sơn.

Nâng cao giá trị sản phẩm

HTX Thủy sản Như Ý Long Sơn (TP.Vũng Tàu) vừa được Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh bàn giao, đưa vào hoạt động kho đông lạnh và hệ thống máy rửa hàu. Tổng kinh phí gần 14 tỷ đồng, trong đó vốn của HTX hơn 11 tỷ đồng, vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ hơn 2,5 tỷ đồng theo Quyết định số 3459/QĐ-UBND ngày 1/12/2023 của UBND tỉnh. Đây là mô hình liên kết điểm giữa HTX Thủy sản Như Ý Long Sơn với 17 hộ nông dân nuôi thủy sản trên sông Chà Và (diện tích lồng bè 15.835m2).

Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Bơ Việt vừa trang bị dây chuyền sơ chế, xử lý, đóng gói, bảo quản ngoài việc tăng giá bán sản phẩm thì sản lượng bơ hao hụt sau thu hoạch giảm chỉ còn từ 3-5%.

Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Bơ Việt vừa trang bị dây chuyền sơ chế, xử lý, đóng gói, bảo quản ngoài việc tăng giá bán sản phẩm thì sản lượng bơ hao hụt sau thu hoạch giảm chỉ còn từ 3-5%.

Ông Nguyễn Quý Trọng Bình, Giám đốc HTX Thủy sản Như Ý Long Sơn cho biết, việc áp dụng cơ giới hóa trong khâu sơ chế, chế biến sẽ giảm công sức lao động; vừa đảm bảo môi trường, vừa tạo ra sản phẩm hàu đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh trạnh thương hiệu “Hàu Minh Anh” trên thị trường. Bên cạnh đó, với hệ thống máy móc tự động không những kích thích HTX mở rộng quy mô nuôi hàu, mà còn mở ra hướng kết hợp với hoạt động du lịch trải nghiệm, giới thiệu các món ăn từ hải sản đặc trưng của địa phương.

Tại xã Láng Lớn (huyện Châu Đức), Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Bơ Việt cũng vừa được ngành nông nghiệp tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí trang bị hệ thống dây chuyền rửa, phân loại, đóng gói trái bơ với công suất từ 2 - 5 tấn/giờ. Tổng vốn đầu tư của dự án gần 10 tỷ đồng, trong đó vốn đối ứng của cơ sở chiếm khoảng 77% tổng vốn đầu tư dự án.

Hiện công ty đang canh tác 12,4ha bơ sáp Mã Dưỡng theo quy trình VietGAP, sản lượng đạt 40 tấn/năm, trong đó bơ loại 1 chiếm 67% phục vụ cho thị trường xuất khẩu. Công ty đang tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động, với mức thu nhập bình quân từ 8 triệu đồng/người/tháng.

Theo ông Nguyễn Đoàn Quốc Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Bơ Việt, việc thực hiện các công đoạn từ sau thu hoạch đến thành phẩm thông qua hệ thống liên hoàn, khép kín giúp giảm chi phí rất nhiều. Khi sử dụng dây chuyền rửa phân loại, đóng gói, trung bình 1ha bơ cho lợi nhuận khoảng 270 triệu đồng.

Hỗ trợ đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp

Thực hiện Nghị quyết số 21 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đến nay Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh đã bàn giao các thiết bị, vật tư cho 9 dự án sản xuất trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt 7 dự án thực hiện mô hình cơ giới hóa nông nghiệp và ứng dụng công nghệ sau thu hoạch, lĩnh vực trồng trọt, tập trung chủ yếu tại các huyện Long Điền, Châu Đức và TX.Phú Mỹ.

Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Châu Đức Đỗ Chí Khởi cho biết, có tiềm năng lợi thế về nguồn nước, thổ nhưỡng, thời gian qua huyện Châu Đức đã và đang dần hình thành các vùng sản xuất chuyên canh như hồ tiêu (xã Quảng Thành); sầu riêng, bơ (Láng Lớn, Xà Bang); thanh long (Sơn Bình); chuối (Kim Long); ca cao… với tổng diện tích khoảng 5.520ha cây ăn trái các loại.

“Nhằm thúc đẩy cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, thời gian tới Phòng NN-PTNT tiếp tục tham mưu với UBND huyện, các sở, ngành của tỉnh phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và tổ chức sản xuất nông nghiệp phù hợp máy móc, thiết bị cơ giới hóa; hỗ trợ xây dựng mã vùng trồng xuất khẩu, nâng cao sức cạnh tranh của nông sản địa phương”, ông Đỗ Chí Khởi cho biết thêm.

Theo Chi cục Phát triển nông thôn, ngoài hiệu quả kinh tế, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp còn giải quyết bài toán nhân công khi lao động nông thôn trên địa bàn dịch chuyển đến các KCN trong và ngoài tỉnh. Thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp còn nâng cao chất lượng lao động nông thôn, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, nguồn nước, lao động và nguồn vốn, nâng cao thu nhập và đời sống cho nông dân.

Nguồn: http://baobariavungtau.com.vn/kinh-te/202405/dua-may-moc-hien-dai-vao-san-xuat-nong-nghiep-1011514/