|
  • :
  • :

Giá lúa cao, nông dân khấp khởi mừng

So tuần qua, giá lúa ít biến động, hiện ở mức từ 155.000-160.000 đ/giạ lúa tươi. Nông dân rất mừng, vì đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay.

Người làm lúa phấn khởi vì giá lúa cao.

Người làm lúa phấn khởi vì giá lúa cao.

Do đó, nếu như trước đây thương lái thường đến đặt cọc mua khi lúa trổ đòng hoặc trước khi thu hoạch khoảng 10 ngày, gọi là lúa “đỏ đuôi”, thì theo ghi nhận của chúng tôi, mùa này, nhiều nơi thương lái đến hỏi mua ngay khi lúa mới giai đoạn mạ. Nông dân nhận cọc sớm nên có tình trạng người nhận cọc trước bán giá thấp hơn người nhận sau.

Nhà làm 8 công lúa vụ 3 sạ giống OM5451, bà Phạm Thị Ba (ở xã Thạnh Quới, huyện Long Hồ), cho biết, đã nhận cọc khi lúa sạ được 1 tháng với giá 148.000 đ/giạ.

Gắn bó với cây lúa mấy mươi năm, theo bà Ba, đây là mức giá cao nhất từ trước tới nay nên… mừng lắm.

Hiện còn hơn 1 tháng sẽ đến ngày thu hoạch, anh Đặng Văn Tuấn- con bà Ba, cho biết, chi phí mùa này tăng do giá nhiều loại phân thuốc tăng, trong đó, có loại phân tăng tới vài trăm ngàn đồng mỗi bao.

Anh Tuấn tính toán “tiền giống và phân thuốc mỗi công lúa khoảng 2 triệu đồng. Nếu đây tới cắt thời tiết thuận lợi, năng suất cỡ 30 giạ/công như năm rồi thì lời nhiều hơn nhờ lúa bán có giá”.

Cũng ở xã Thạnh Quới, bà Đặng Thị Ba cho biết, 3 công ruộng sạ được 2 tháng, đã nhận cọc khoảng 1 tháng trước với giá 148.000 đ/giạ.

“Từ khi tui làm ruộng tới giờ thì đây là mức giá cao nhất”. Tuy nhiên, bà Ba cũng tiếc vì “hiện đã lên mức 160.000 đ/giạ, mình nhận cọc sớm nên thấp hơn tới 12.000 đ/giạ”.

Chị Út Bầu (ở ấp Hòa Bình, xã Nguyễn Văn Thảnh, huyện Bình Tân) cho hay, chị có 4 công ruộng, mọi lần có khi lúa trổ đều mới có lái đến hỏi giá, thường là đặt cọc 200.000 đ/công, giờ lên tới 500.000 đ/công.

Tuy đặt cọc giá cao so với thời điểm lúa mới 30 ngày, chốt giá 135.000 đ/giạ, nhưng thời điểm này giá đã lên rất cao.

Nông dân cho hay vụ này chăm sóc kỹ lưỡng hơn để lúa đạt năng suất.

Nông dân cho hay vụ này chăm sóc kỹ lưỡng hơn để lúa đạt năng suất.

Còn ở cánh đồng bên cạnh, chú Hai Mỹ (ở ấp Hòa Thới, xã Nguyễn Văn Thảnh, huyện Bình Tân) cũng cho hay, 5 công vừa lấy cọc xong, giá 150.000 đ/giạ thấy đã cao hơn so với vụ Đông Xuân và Hè Thu (giá 130.000 đ/giạ), tuy nhiên, hiện giá đã lên 160.000 đ/giạ.

“Mùa này nghe giá cao ai cũng mừng. Tuy nhiên, mình cũng chưa lấy cọc trước, cứ để từ từ, gần tới mình lấy, giá nhiêu lấy nhiêu”- chú Nguyễn Thanh Sang (ở ấp Hòa Bình, xã Nguyễn Văn Thảnh, huyện Bình Tân) nói vậy và giải thích: “Theo ý kiến cá nhân, tôi thấy mấy năm qua một số bà con nông dân lấy cọc sớm hay dao động lắm. Nên tôi sợ lấy cọc trước rồi lúa lên thì mình lỗ, mình tiếc, nên tôi để gần tới mới bán là chắc ăn nhất”.

Tương tự anh Nguyễn Văn Hải (ở Ấp 2, xã Hòa Lộc, huyện Tam Bình), cho biết, hôm rồi, lúa sạ chưa đầy tháng là thương lái đến hỏi mua với giá 160.000 đ/giạ.

Tuy nhiên, đến thời điểm này lúa OM5451 hơn 55 ngày nhưng anh Hải và bà con ở đây vẫn khẳng định chắc nịch là “không nhận cọc sớm mà đợi đến lúa đỏ đuôi mới bán”.

Ghi nhận của phóng viên, từ khi chuyển qua lúa tươi tại ruộng là phải bán tập trung, mà phải bán qua “cò lúa”. Trong cánh đồng sẽ chọn người đại diện rồi lãnh chịu trách nhiệm một khu đất.

Chú Sang nói: “Theo tôi, bán lúa thì rất dễ, cái khó là làm sao thương lượng giá cả hợp lý. Nên mình phải nghe ngóng bà con lân cận để theo giá đó là bán”.

Nhiều nông dân cho hay, thông thường vụ 3 sẽ lời ít hơn vụ Đông Xuân do năng suất không cao. Tuy nhiên năm nay, theo nhẩm tính của nông dân, với giá 155.000-160.000 đ/giạ, dù năng suất đạt trung bình 30 giạ/công thì nông dân còn lời khoảng 2 triệu đồng, không thua các vụ trước.

Nguồn: https://baovinhlong.com.vn/kinh-te/202309/gia-lua-cao-nong-dan-khap-khoi-mung-3175037/