|
  • :
  • :

Hiệu quả từ mô hình trồng bí đỏ

Hiện nay, nông dân huyện Châu Đức đang thu hoạch bí đỏ. Nhờ đặc tính dễ trồng, chịu được hạn, thời gian sinh trưởng ngắn, ít sâu bệnh, không tốn nhiều công lao động, vụ đầu tiên bà con nông dân Châu Đức thu lãi 30-40 triệu đồng/ha. Sau hơn 3 tháng thực hiện, mô hình được đánh giá là hiệu quả, năng suất đạt cao, tiêu thụ thuận lợi, người dân rất phấn khởi.

Lãnh đạo Hội Nông dân huyện thăm vườn bí đỏ của hội viên Trần Văn Hiệp  (xã Suối Rao) trước khi thu hoạch.

Lãnh đạo Hội Nông dân huyện thăm vườn bí đỏ của hội viên Trần Văn Hiệp (xã Suối Rao) trước khi thu hoạch.

Bén duyên trên vùng đất Châu Đức từ cuối năm 2022, với 19 hộ tham gia canh tác diện tích 17,5ha, dự án trồng bí đỏ do Hội Nông dân huyện phối hợp với Công ty TNHH Linh Đan Ninh Thuận triển khai theo mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Với 7 sào đất triền dốc trồng bí đỏ, sau khoảng 100 ngày xuống giống, nông dân Trần Nhật Trường, ở xã Đá Bạc thu hoạch hơn 9 tấn bí đỏ. Bí được đóng bao vận chuyển ra lộ, doanh nghiệp đến cân thu mua tại chỗ với giá 4.000 đồng/kg. Sau khi trừ các khoản chi phí, ông Trường thu lợi nhuận hơn 20 triệu đồng. “Mưa lớn kéo dài nhiều ngày, ảnh hưởng đến hoa và trái. Nếu xuống giống sớm hơn, từ cuối tháng 11, tháng 12/2022, tránh gặp mưa to, 7 sào bí của tôi sẽ thu khoảng 12 tấn, lợi nhuận cao hơn”, ông Trường cho biết.

Tại xã Suối Rao, khoảng 10ha bí đỏ cũng đang vào vụ thu hoạch. Với 2ha trồng bí đỏ, ông Trần Văn Hiệp (ở thôn 1, xã Suối Rao) thu hoạch khoảng 20 tấn. Sau khi trừ chi phí, ông Hiệp thu lợi nhuận hơn 80 triệu đồng. “Thu hoạch bí đến đâu là DN đến thu mua hết đến đấy, bà con rất phấn khởi trước vụ bí được thử nghiệm thành công”, ông Hiệp vui vẻ nói.

Ông Thân Xuân Động, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Đức cho biết, vụ Đông Xuân 2022-2023, huyện ký kết với doanh nghiệp triển khai mô hình trồng bí đỏ tại các xã: Đá Bạc, Suối Rao, Bình Trung, Quảng Thành và Nghĩa Thành với tổng diện tích 17,5ha. Dự án trồng bí đỏ được huyện hỗ trợ 50% (300 triệu đồng) giống, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học.

Để nâng cao hiệu quả cây bí đỏ, Hội Nông dân huyện cũng đã phối hợp tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây bí đỏ; liên kết với các đơn vị thu mua, bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

“Thời gian tới, các cấp hội nông dân trong huyện sẽ mở rộng diện tích sản xuất lên khoảng 50ha, đáp ứng nhu cầu thu mua, xuất khẩu bí đỏ của Công ty TNHH Linh Đan Ninh Thuận. Việc đưa cây bí đỏ vào gieo trồng vụ Đông Xuân đã giải quyết bài toán lao động ở nông thôn, hạn chế tình trạng bỏ đất trống, từ đó hình hình các vùng sản xuất bí đỏ tập trung tại các địa phương, góp phần tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích đất canh tác”, ông Thân Xuân Động nhấn mạnh.

Nguồn: http://baobariavungtau.com.vn/kinh-te/202305/hieu-qua-tu-mo-hinh-trong-bi-do-979890/
Tin liên quan
Chưa có thông tin