Chương trình cũng đã tạo ra nhiều sản phẩm khoa học thiết thực, nhiều mô hình chuyển giao và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp có tính lan tỏa cao. Với 97 quy trình sản xuất và công nghệ mới được chuyển giao, 208 mô hình trình diễn có hiệu quả cùng hàng nghìn trang thiết bị hỗ trợ của các dự án, Chương trình đã góp phần cải thiện năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất, hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung…
Trong chăn nuôi, một số giống cho năng suất và chất lượng tốt được đưa vào sử dụng. Các giống lợn lai có khả năng thích nghi tốt, cho năng suất, chất lượng cao. Một số giống bò thịt lai 1/2 hoặc 3/4 máu ngoại giúp tăng năng suất và hiệu quả. Ứng dụng rộng rãi các giống gà thả vườn gà đồi, nuôi vịt siêu trứng, vịt siêu thịt, ngan pháp… Bên cạnh đó, các yếu tố tiêu biểu làm tăng hiệu quả kinh tế với các mức độ khác nhau đã đóng góp vào tổng năng suất tăng thêm như chuyển đổi cơ cấu cây trồng đóng góp 12,1%; quản lý dịch bệnh tổng hợp (IPM) đóng góp 15,0%; thủy lợi đóng góp 35 – 40%; giống cây mới đóng góp 25 – 30%; giống vật nuôi mới đóng góp 16,8%; phân bón và các biện pháp kỹ thuật khác đóng góp 25 – 30%; quy trình VietGAP đóng góp 12,5%; sản xuất hướng hữu cơ đóng góp 8,7%; công nghệ xử lý chất thải đóng góp 13,0%; sử dụng chế phẩm sinh học đóng góp 6,8%; chế biến (dược liệu) đóng góp 18,8%…