Phó Chủ tịch Thường trực BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam- Phan Như Nguyện (thứ 2 từ phải qua), cùng lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long tham quan gian hàng đặc sản của tỉnh Vĩnh Long. |
Nhiều hoạt động xúc tiến thương mại
Vĩnh Long được biết đến là một trong những tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp và được khẳng định qua các sản phẩm nông nghiệp chủ lực nổi tiếng, tạo nên vị thế thương hiệu riêng cho tỉnh như: bưởi năm roi Bình Minh, cam sành Tam Bình, sầu riêng ri 6, chôm chôm Bình Hòa Phước, khoai lang Bình Tân… Đồng thời ngày càng đa dạng các mặt hàng nông sản và sản phẩm chế biến từ nông sản.
Trong khuôn khổ festival, UBND tỉnh phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức “Hội chợ đặc sản vùng miền khu vực ĐBSCL- Vĩnh Long năm 2024”, trên 100 đơn vị đăng ký 250 gian hàng. Ông Nguyễn Văn Liệt- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết, đến nay tỉnh đã công nhận 159 sản phẩm OCOP. Trong đó có 100 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao, 59 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao. Bên cạnh đó, còn có 178 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Trong đó có 145 sản phẩm đạt cấp tỉnh, 27 sản phẩm cấp khu vực và 6 sản phẩm cấp quốc gia đã được công nhận trong thời gian qua.
“Các sản phẩm này đã cho thấy chất lượng cũng như thương hiệu ngày càng đứng vững trên thị trường, qua đó góp phần nâng cao giá trị cho sản phẩm chủ lực của địa phương. Tỉnh Vĩnh Long cũng xác định mục tiêu tập trung vào thị trường nội địa, đây là thị trường hết sức quan trọng với lợi thế 100 triệu dân sẽ là những người tiêu dùng thông thái, góp phần quan trọng trong việc tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của DN, người nông dân, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, thủy sản chủ lực của tỉnh”- ông Nguyễn Văn Liệt cho biết.
Trong khi đó, Sở Công Thương cũng tổ chức “Hội chợ, triển lãm trực tuyến sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP tỉnh Vĩnh Long năm 2024” với sự tham gia của 50 đơn vị là DN, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh trong và ngoài tỉnh với trên 150 sản phẩm trưng bày đặc trưng gồm các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP.
Theo ông Trương Thanh Sử- Phó Giám đốc Sở Công Thương, hoạt động này là một trong những nhiệm vụ, chỉ tiêu chuyển đổi số của tỉnh, nhằm mục đích hỗ trợ kết nối DN với thị trường trực tuyến, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của DN trên nền tảng sàn thương mại điện tử. Đồng thời tạo điều kiện cho các cơ sở, DN trong và ngoài tỉnh tiếp cận được thị trường trực tuyến đầy tiềm năng và rộng lớn. Qua đó tạo môi trường cho người tiêu dùng có những trải nghiệm mua sắm trực tuyến với những sản phẩm hàng Việt Nam đảm bảo chất lượng…
“Đây cũng là dịp để tỉnh Vĩnh Long giới thiệu, quảng bá những sản phẩm tiềm năng, đặc trưng thông qua nền tảng số đến người dân, các tỉnh, thành trong cả nước để thực hiện xúc tiến thương mại qua môi trường mạng, giúp DN dễ dàng tiếp cận, tìm kiếm khách hàng, tăng doanh số, góp phần phát triển kinh tế- xã hội”- ông Sử cho biết thêm.
Mở ra cơ hội giao thương, kết nối
Hòa cùng không khí của Festival Gạch gốm đỏ- Kinh tế xanh, UBND TP Vĩnh Long cũng tổ chức Hội nghị Xúc tiến thương mại, lễ vinh danh sản phẩm OCOP 4 sao và trao chứng nhận OCOP 3 sao năm 2024. Đồng thời chứng kiến nghi thức ký kết các hợp đồng ghi nhớ giữa các DN trong việc đẩy mạnh liên kết tiêu thụ sản phẩm, tăng cường kết nối xúc tiến thương mại.
Theo Chủ tịch UBND TP Vĩnh Long Đặng Văn Lượng, thời gian qua, công tác xúc tiến thương mại được thành phố đẩy mạnh thực hiện, nhiều sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của thành phố vào hệ thống siêu thị Co.opMart, Winmart, cửa hàng OCOP trong và ngoài tỉnh.
Ngoài ra, hơn 90% các sản phẩm đã lên sàn thương mại điện tử uy tín như: Postmart, Shopee, sàn giao dịch thương mại điện tử ngành công thương, sàn giao dịch nông sản Vĩnh Long và dự kiến trong năm 2025, thành phố sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử sản phẩm đặc trưng. Đồng thời tiếp tục đồng hành cùng DN, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh trong công tác xúc tiến thương mại và kết nối cung cầu…
Công tác xúc tiến thương mại là cơ hội để các doanh nghiệp đẩy mạnh công tác tiếp thị, quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng. |
Theo ông Nguyễn Văn Liệt, thời gian qua, chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại đã được UBND các tỉnh, thành vùng ĐBSCL luân phiên đăng cai tổ chức, tạo nên sức mạnh tổng hợp, liên kết giữa các địa phương trong giải quyết đầu ra cho các sản phẩm của vùng với cả nước, góp phần phát triển thị trường hàng hóa nội địa bền vững, từng bước tham gia sâu vào thị trường quốc tế.
Công tác xúc tiến thương mại không chỉ làm tốt vai trò là nhịp cầu kết nối tại tỉnh Vĩnh Long với các tỉnh, thành của đồng bằng nói riêng và các tỉnh, thành trên phạm vi cả nước nói chung, mà còn là cơ hội để giới thiệu, quảng bá những thành tựu, tiềm năng, thế mạnh trên các lĩnh vực về kinh tế, văn hóa, xã hội. Đặc biệt là cơ hội để các DN đẩy mạnh công tác tiếp thị quảng bá hình ảnh các sản phẩm đến người tiêu dùng, tăng cường liên kết, hợp tác đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế, thương hiệu sản phẩm của các địa phương trên thị trường trong và ngoài nước.
Bài, ảnh: KHÁNH DUY