|
  • :
  • :

Nhận diện và đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn trong xây dựng nông thôn mới

Theo đánh giá của Văn phòng điều phối các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh, bên cạnh nhiều kết quả nổi bật đạt được thì quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh, hiện còn gặp không ít những mặt hạn chế, khó khăn cần sớm có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Ngành chức năng khuyến cáo người dân đẩy mạnh liên kết sản xuất để tạo ra giá trị hàng hoá lớn và đầu ra ổn định, từ đó góp phần nâng cao nguồn thu nhập.

Cụ thể, các bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025 yêu cầu cao hơn thời điểm trước đó, trong khi nguồn vốn phân bổ hạn chế dẫn đến một số xã khó hoàn thành theo kế hoạch tỉnh giao. Bên cạnh đó, một số địa phương sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao còn có tư tưởng thỏa mãn nên thiếu quan tâm, duy trì nâng chất các tiêu chí; việc đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp còn chậm, chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn ít; công tác tuyên truyền ở một số nơi chưa được thường xuyên; một bộ phận cán bộ lãnh đạo địa phương chưa thật sự vào cuộc, thiếu sự năng động, sáng tạo, có tâm lý trông chờ. Ngoài ra, việc xã hội hóa nguồn lực xây dựng NTM ở một số địa phương còn khó khăn do thu nhập người dân nông thôn còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, vốn huy động từ các doanh nghiệp hạn chế, đặc biệt khó khăn ở các huyện vùng sâu…

Từ việc nhận diện nhiều mặt còn hạn chế, khó khăn như trên, Văn phòng điều phối các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh đề xuất một số giải pháp tháo gỡ. Đó là, tập trung hoàn thiện các cơ chế, chính sách, văn bản về quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh theo quy định; đồng thời lãnh đạo các địa phương cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc các cấp trực thuộc để nắm bắt tình hình, phát hiện các khó khăn, vướng mắc, từ đó có giải pháp xử lý, tháo gỡ kịp thời. Bên cạnh đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chương trình xây dựng NTM, từ đó giúp nâng cao trách nhiệm, sự tâm huyết của cán bộ và người dân trong thực hiện. Đặc biệt là tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi tư duy cho các tổ chức kinh tế khu vực nông thôn để chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết sản xuất; đồng thời khuyến khích, hỗ trợ xây dựng các gói combo quà tặng, quà lưu niệm sản phẩm OCOP của tỉnh gắn với lịch sử văn hóa, dân tộc và địa phương, qua đây nhằm tạo đầu ra ổn định cho các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh, góp phần nâng cao nguồn thu nhập cho người dân…

Nguồn: http://baohaugiang.com.vn/nong-nghiep-nong-thon/nhan-dien-va-de-xuat-giai-phap-thao-go-kho-khan-trong-xay-dung-nong-thon-moi-134717.html