|
  • :
  • :

Nhiều điểm sáng trong phát triển nông nghiệp

Năm 2022, ngành nông nghiệp huyện Long Mỹ triển khai đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp, từ đó đạt được nhiều kết quả khá toàn diện.

Huyện Long Mỹ hiện có 42 hợp tác xã, 73 tổ hợp tác đang hoạt động tốt.

Trong năm 2022, công tác chỉ đạo sản xuất nông nghiệp được quán triệt và tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp của ngành đến các trạm, hạt và địa phương nên đạt được nhiều kết quả khá toàn diện. Một số lĩnh vực sản xuất nông nghiệp cơ bản đạt và vượt chỉ tiêu theo kịch bản tăng trưởng đề ra. Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả kém sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện của tỉnh như lúa chất lượng cao, cây ăn trái, rau an toàn,... gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển sản xuất và bảo vệ môi trường.

Trên lĩnh vực nông nghiệp, giá trị sản xuất khu vực I đạt 2.641/2.504 tỉ đồng, tăng 75 tỉ đồng so với cùng kỳ, đạt 105,47% kế hoạch. Tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt 92,98%, đạt 111,1% kế hoạch. Xã Thuận Hưng được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Điển hình trên lĩnh vực trồng trọt, tổng diện tích lúa cả năm trên địa bàn huyện đã xuống giống được trên 39.300ha, đạt 100,1% kế hoạch. Diện tích rau màu toàn huyện xuống giống trên 5.000ha. Tổng diện tích cây ăn trái đạt gần 4.000ha (đạt trên 100% kế hoạch), sản lượng ước đạt trên 63.000 tấn, đạt 150% kế hoạch. Trên cây ăn trái và rau màu, các đối tượng sâu, bệnh xuất hiện và gây hại ở mức độ không đáng kể.

Trong năm, toàn huyện xây dựng mới được 7 hợp tác xã, đạt 175% kế hoạch, nâng tổng số hợp tác xã hiện có trên địa bàn huyện là 42 hợp tác xã. Trong đó, 38 hợp tác xã nông nghiệp và 3 hợp tác xã phi nông nghiệp. Hiện có 73 tổ hợp tác đang hoạt động, tăng 2,8% so với cùng kỳ. Trong đó, có 3 hợp tác xã được chọn tham gia Đề án phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, là Hợp tác xã nuôi lươn Thuận Phát, ở xã Vĩnh Viễn A, Hợp tác xã nông nghiệp Thuận Lợi, ở xã Thuận Hưng và Hợp tác xã nông nghiệp Phúc Thịnh, ở xã Vĩnh Viễn A.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Mãng cầu xiêm Thuận Hòa, huyện Long Mỹ, chia sẻ: Được sự quan tâm và hỗ trợ từ Nhà nước, xã viên tiếp cận với các kỹ thuật tiên tiến, đảm bảo quy trình sản xuất chất lượng cao tạo ra trái mãng cầu đạt chuẩn GlobalGAP; xây dựng mã số vùng trồng, tạo dựng nên thương hiệu “Trái mãng cầu xiêm Thuận Hòa” phát triển mở rộng thị trường, góp phần vào sự phát triển kinh tế địa phương.

Năm 2023, ngành nông nghiệp tiếp tục mục tiêu phấn đấu xây dựng và phát triển bền vững với quy mô sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng cao thông qua các mô hình hợp tác xã nông nghiệp, từng bước hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, chế biến, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại theo hướng chủ động, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo an toàn trước thiên tai; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người đạt cao hơn, góp phần hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Cơ cấu lại nông nghiệp của huyện hướng đến phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững; tăng giá trị sản xuất nông nghiệp. Phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2023.

Theo ông Lê Hồng Việt, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Mỹ, để hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, ngành nông nghiệp sẽ tập trung xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, giá trị tăng cao. Tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với địa phương theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tập trung phát triển các hợp tác xã, gắn sản xuất với chuỗi cung ứng. Đồng thời, phát triển nông nghiệp đảm bảo an toàn chất lượng, tăng cường hướng dẫn, cấp chứng nhận mã số vùng trồng; khuyến khích nông nghiệp hữu cơ. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Phát triển đàn gia súc, gia cầm theo hướng trang trại, tập trung quy mô lớn. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, nâng cao giá trị sản xuất ngành chăn nuôi trong tổng giá trị theo giá trị hiện hành. Trên lĩnh vực thủy sản, phát huy lợi thế về nuôi trồng thủy sản nước ngọt, tạo động lực thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu sản xuất thủy sản. Nhân rộng mô hình nuôi lươn không bùn hướng tới sản phẩm an toàn theo chuỗi giá trị. Tiếp tục hỗ trợ xây dựng dự án lươn VietGAP của HTX nuôi Lươn Thuận Phát theo Đề án thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, vận động người dân cải tạo diện tích vườn tạp, diện tích đất bị nhiễm phèn chuyển sang trồng cây lâm nghiệp lấy gỗ. Tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch trồng cây xanh phân tán và trồng rừng huyện giai đoạn 2021-2025, phân kỳ năm 2023 theo kế hoạch được duyệt. Tăng cường các biện pháp chủ động phòng ngừa, kiểm soát an toàn thiên tai, kịp thời ứng phó, khắc phục hậu quả nhằm giảm nhẹ thiệt hại. Tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện và xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu song song với phát triển đô thị. Quan tâm nâng chất các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và tiến tới nông thôn mới kiểu mẫu đảm bảo đến cuối năm 2023 xây dựng đạt thêm 6 tiêu chí nông thôn mới nâng cao ở 3 xã (Lương Tâm, Vĩnh Thuận Đông và Thuận Hòa) mỗi xã 2 tiêu chí; các xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới phấn đấu đạt từ 3 tiêu chí trở lên. Riêng xã Vĩnh Viễn A phấn đấu đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới.

Nguồn: http://baohaugiang.com.vn/nong-nghiep-nong-thon/nhieu-diem-sang-trong-phat-trien-nong-nghiep-118494.html