|
  • :
  • :

Nỗ lực phát triển sản phẩm OCOP

Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), xã Tân Phú, thị xã Long Mỹ, đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt và hỗ trợ, tư vấn người dân, hộ sản xuất những kiến thức cần thiết. Từ đó, giá trị sản phẩm nâng tầm, thị trường tiêu thụ rộng mở, điều này góp phần tăng thu nhập cho người dân.

 

Sản phẩm bánh kẹp dừa của ông Lê Hùng Tuấn, ở ấp Tân Trị 2, xã Tân Phú, đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Nhận thấy đây là cơ hội thuận lợi để nâng giá trị hàng hóa, ông Lê Hùng Tuấn, ở ấp Tân Trị 2, xã Tân Phú, đã quan tâm, tuân thủ việc thực hiện các tiêu chuẩn mà một sản phẩm OCOP cần có. Gia đình ông làm bánh kẹp và bánh bò thủ công hơn chục năm nay, thường chỉ bán cho đám cưới, đám giỗ ở quê và các xã lân cận. Có khi thì giao cho các mối quen để bán lại nhưng với số lượng không nhiều. Tuy sản phẩm được người tiêu dùng đánh giá cao nhưng chỉ ở quy mô nhỏ, số lượng tiêu thụ ít. Đôi lúc ông cũng muốn mở rộng thị trường, tăng sản lượng tiêu thụ nhưng không biết làm cách nào.

Ông Tuấn bộc bạch: “Tôi cũng muốn mở rộng thị trường, vào siêu thị, ra toàn quốc và thế giới nhưng không biết quảng bá như thế nào. Sau khi được cán bộ chuyên môn thị xã hướng dẫn, định hướng tham gia chương trình OCOP, tôi nhận thấy đây là cơ hội để quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường như mong muốn của mình. Tôi đã tham gia và được hỗ trợ nhiều mặt thủ tục, giấy tờ, kiểm nghiệm… Đến nay, sản phẩm bánh kẹp dừa của tôi đã được đã được Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm tỉnh công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao. Hy vọng sau khi được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP, sản phẩm bánh kẹp dừa của tôi sẽ có mặt trên tất cả các kênh thương mại, chợ, siêu thị”.

Ông Tuấn chia sẻ thêm: “Khi tham gia vào chương trình OCOP, gia đình tôi được ngành chuyên môn hướng dẫn thiết kế lại mẫu mã, bao bì, gắn nhãn truy xuất nguồn gốc và thực hiện tất cả các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, quy trình khép kín đều được cơ sở tuân thủ một cách kỹ lưỡng. Phát triển được thương hiệu bánh kẹp là điều mà gia đình tôi mong mỏi từ lâu. Có được nhãn hiệu xây dựng sản phẩm OCOP thì mình có thể bỏ mối cho các tiệm tạp hóa lớn, có điều kiện để phát triển kinh tế gia đình. Hiện nay, gia đình tôi cũng phát triển thêm sản phẩm nước màu dừa”.

Đang ngồi nướng mẻ bánh kẹp mới để kịp giao cho khách, bà Điệp (vợ ông Tuấn), cho biết: “Lần đầu tiên tham gia Chương trình OCOP, vợ chồng tôi còn lúng túng trong việc thực hiện các thủ tục, hồ sơ, nhưng nhờ được Phòng Kinh tế thị xã Long Mỹ quan tâm, hỗ trợ, đến nay bản thân cũng đã có kinh nghiệm hơn trong việc làm hồ sơ sản phẩm của cơ sở lần này nên hiện giờ đã gần như đầy đủ. Tham gia Chương trình OCOP, ngoài hỗ trợ về mặt thủ tục, hồ sơ, các sản phẩm của cơ sở tôi còn được hỗ trợ tham gia các hoạt động quảng bá, giới thiệu, kết nối thị trường, tiêu thụ sản phẩm. Hiện các sản phẩm OCOP của gia đình đã được đưa lên sàn thương mại điện tử. Nhờ áp dụng quy trình kỹ thuật, đảm bảo an toàn vệ sinh nên sản phẩm được nhiều người tin dùng. Riêng dịp Tết Nguyên đán Quý Mão vừa qua, gia đình tôi bán hơn 1 tấn bánh với giá 80.000 đồng/kg. Còn với sản phẩm nước màu dừa, hiện các hồ sơ, thủ tục hoàn thành và chờ Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP thị xã Long Mỹ đánh giá trong năm nay. Tôi mong muốn sản phẩm của gia đình được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh để tiếp tục tiêu thụ rộng rãi trên thị trường và các thế hệ con, cháu có động lực để gìn giữ, phát huy nghề truyền thống của gia đình”.

Ông Nguyễn Văn Đúng, cán bộ Tuyên giáo Dân vận xã Tân Phú, cho rằng: Hiệu quả rõ nhất của Chương trình mỗi xã một sản phẩm tại xã là mang lại lợi ích cho cộng đồng, góp phần thay đổi tư duy về kinh tế nông thôn… Thông qua chương trình, những hộ sản xuất nhỏ không chỉ có điều kiện tiếp cận thị trường, đưa sản phẩm đến người tiêu dùng, tạo giá trị tăng thêm mà còn hướng đến việc tạo ra các sản phẩm mới, chất lượng, qua đó nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập của người dân địa phương một cách thiết thực, hiệu quả, góp phần thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng bền vững và gia tăng giá trị.

Hiện xã Tân Phú, thị xã Long Mỹ đã có được sản phẩm đạt 3 sao theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm, đồng thời tiếp tục nâng chất và đầu tư thêm một số mặt hàng chủ lực của địa phương để có sản phẩm OCOP tiếp theo. Trong đó, phát huy những mặt hàng truyền thống, thế mạnh của địa phương đưa vào xây dựng theo tiêu chuẩn OCOP. Đối với các sản phẩm đã được công nhận cố gắng duy trì, phát huy, cải tiến thêm về mẫu mã và chất lượng từng bước thăng hạng cho sản phẩm.

Nguồn: http://baohaugiang.com.vn/nong-nghiep-nong-thon/no-luc-phat-trien-san-pham-ocop-122970.html