|
  • :
  • :

Phản biện xã hội Đề án tổng thể phát triển ngành nuôi trồng thủy sản

Ngày 26/6, tại phường Xuân Yên (TX Sông Cầu), Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Đề án tổng thể phát triển ngành nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2030. Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Hồ Hồng Nam và Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Đỗ Thị Như Tình chủ trì hội nghị, với sự tham dự của lãnh đạo các sở, ngành, địa phương và người dân 9 xã, phường ven biển TX Sông Cầu.

Phát biểu mở đầu hội nghị, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Hồ Hồng Nam, cho biết Phú Yên có bờ biển dài khoảng 189km, diện tích và vùng đặc quyền kinh tế trên 34.000km2 với nhiều vũng, vịnh, đầm phá, bãi, vùng bãi triều nước lợ, cửa sông...

Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, quy hoạch tổng thể phát triển NTTS của tỉnh được thực hiện từ năm 2005 và cập nhật, điều chỉnh, bổ sung thường xuyên. Tuy nhiên, qua thời gian thực hiện, còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức mà tỉnh đang phải đối mặt trong thời gian tới như: tình trạng ô nhiễm môi trường cục bộ diễn ra ở một số vùng NTTS tập trung, gây thiệt hại lớn về kinh tế và mất ổn định sản xuất...

Dự thảo Đề án phát triển ngành NTTS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 do Sở NN&PTNT chủ trì nhằm rà soát, đánh giá lại tổng thể tiềm năng, lợi thế phát triển NTTS của tỉnh; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, khắc phục những khó khăn, tồn tại và định hướng phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và sản xuất an toàn, bền vững.

Theo dự thảo đề án, diện tích NTTS của tỉnh sẽ giảm trung bình 8,51%/năm trong giai đoạn 2022-2030. Số lượng lồng bè cũng giảm trung bình 8,25%/năm trong giai đoạn 2022-2030. Nhiều khu vực nuôi lồng bè trên đầm, vịnh phải tháo dỡ, di chuyển ra phía ngoài để giao lại mặt nước cho các ngành kinh tế khác.

Tại hội nghị, các đại biểu đồng tình cao với việc rà soát, kiểm đếm, sắp xếp lại vùng NTTS phù hợp nhằm đảm bảo tính bền vững. Tuy nhiên việc sắp xếp, quy hoạch vùng NTTS cần gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý nguồn giống, bảo vệ môi trường. Việc giảm diện tích nuôi cần thực hiện theo lộ trình phù hợp và căn cứ cơ sở khoa học, cũng như cơ sở thực tiễn để vừa đáp ứng được yêu cầu phát triển vừa đảm bảo quyền lợi chính đáng của bà con nhân dân.

Các đại biểu cũng đề nghị các cơ quan chức năng rà soát điều kiện quy định để cấp chứng nhận cho các cơ sở hoạt động, kinh doanh giống thủy sản an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh… để hạn chế nguồn giống không rõ nguồn gốc xuất xứ trôi nổi ra thị trường - một trong những nguyên nhân gây ra dịch bệnh, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất.

Nguồn: http://baophuyen.vn/76/317869/phan-bien-xa-hoi-de-an-tong-the-phat-trien-nganh-nuoi-trong-thuy-san.html