|
  • :
  • :

Tăng cường phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi

Đang vào thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường, độ ẩm cao là môi trường thuận lợi cho các dịch bệnh bùng phát, lây lan trên đàn vật nuôi. Vì vậy, việc chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi trong thời điểm hiện nay đang được các ngành và người dân đặc biệt quan tâm.

Công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi đang được người dân thực hiện đồng bộ và hiệu quả.

Chủ động phòng ngừa từ xa, từ sớm

Là một trong những hộ có quy mô chăn nuôi lớn trên địa bàn xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, ngay từ đầu mùa mưa, gia đình anh Trần Văn Năng đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho đàn heo của mình. Anh Năng cho biết: “Nhận được sự hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp xã, gia đình tôi đã thực hiện nhiều biện pháp để giúp đàn heo được phát triển tốt và đạt năng suất, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình. Bên cạnh đó là bổ sung vitamin C vào nước uống nhằm tăng cường sức đề kháng cho đàn vật nuôi. Nhờ sự chủ động này, chất lượng đàn heo của tôi được bảo đảm”.

Tương tự, ông Ngô Văn Biểu, chủ trang trại chăn nuôi gà với 6.000 con, ở ấp Phú Lễ, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, cho biết: “Để phòng chống dịch bệnh hiệu quả, tôi tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch các loại vắc xin. Tôi cũng thực hiện vệ sinh, sát trùng định kỳ khu vực nuôi, đồng thời kiểm soát nguồn thức ăn và nước uống sạch sẽ cho đàn gà. Việc giám sát sức khỏe đàn gà thường xuyên giúp phát hiện sớm và xử lý kịp thời các dấu hiệu bệnh, đảm bảo đàn gà phát triển khỏe mạnh và an toàn”.

Thực tế, hiện nay đang là thời điểm giao mùa, thời tiết diễn biến phức tạp, lúc nắng lúc mưa, nhiệt độ về đêm và sáng sớm lạnh. Đó là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh tồn lưu trong môi trường, nguy cơ phát sinh dịch bệnh trên đàn vật nuôi rất cao. Kết quả giám sát dịch bệnh chủ động cũng cho thấy các loại mầm bệnh còn lưu hành với tỷ lệ tương đối cao ở ngoài môi trường và ở đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh. Trong khi đó, tổng đàn vật nuôi, nhất là đàn gia cầm tăng mạnh, đàn heo đang được tái đàn, tăng đàn. Đáng ngại, tỷ lệ chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh còn chiếm tỷ lệ khá cao (55% đối với chăn nuôi heo và 75,14% đối với chăn nuôi gia cầm), điều kiện áp dụng an toàn sinh học trong chăn nuôi chưa đảm bảo, đây là một trong những nguy cơ có thể bùng phát dịch bệnh trên đàn vật nuôi trong thời điểm hiện nay.

Tăng cường quản lý, ngăn chặn dịch bệnh

Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm trên vật nuôi phát sinh và lây lan, bảo đảm an toàn dịch bệnh cho phát triển chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi, Thú y - Thủy sản tỉnh đã chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như: Khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm vắc-xin phòng các bệnh, đặc biệt đối với các bệnh nguy hiểm trên vật nuôi như cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh, viêm da nổi cục, dại... tại các địa phương có nguy cơ cao, bảo đảm tỷ lệ đạt trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm vắc-xin. Đồng thời, chủ động giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng, gây ảnh hưởng cho người dân và cộng đồng.

Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc; chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, chế biến các sản phẩm không đảm bảo yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh; có biện pháp ngăn chặn các loài truyền bệnh xâm nhập vào chuồng nuôi, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt các loài truyền bệnh. Tổ chức triển khai thực hiện tốt Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt 1/2024.

Để thực hiện tốt việc phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi trong thời điểm giao mùa, Chi cục Chăn nuôi, Thú y - Thủy sản tỉnh khuyến cáo người chăn nuôi cần lưu ý một số vấn đề như: Chuồng nuôi phải xây dựng nơi cao ráo, thoáng mát, chắc chắn, cần chuẩn bị bạt, cây, cột để chằng chống, che chắn khi mưa. Nâng cao nền chuồng và khu nhốt riêng gia súc, gia cầm khi có ngập úng. Có hệ thống thoát nước trong khu vực nuôi, đặc biệt phải củng cố hệ thống thoát và nơi chứa chất thải để hạn chế ô nhiễm môi trường khi mưa to hoặc ngập lụt. Khu chứa chất thải phải xa chuồng nuôi, cuối hướng gió, vị trí thấp và xa nguồn nước ngầm…, nên có hố sát trùng trước cửa chuồng nuôi.

Cùng với đó, chăm sóc và nuôi dưỡng đàn vật nuôi được xem là một trong những biện pháp rất quan trọng để gia súc, gia cầm nâng cao sức đề kháng chống lại các tác động bất lợi của thời tiết và hạn chế dịch bệnh phát sinh, thức ăn đầy đủ về số lượng và trong thành phần thức ăn phải đầy đủ các chất dinh dưỡng. Thức ăn cần bảo quản ở những nơi khô ráo, sạch sẽ để tránh ẩm mốc. Trong khẩu phần ăn bổ sung các loại vitamin, khoáng chất, men tiêu hóa và kháng sinh vào thức ăn khi thời tiết thay đổi để tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi. Cung cấp nguồn nước uống sạch cho gia súc, gia cầm. Đối với nguồn nước bị ô nhiễm thì sử dụng Cloramin-B, T để khử trùng nhằm đảm bảo nước uống sạch sẽ cho đàn vật nuôi.

Thường xuyên quét dọn, vệ sinh sạch sẽ chuồng trại chăn nuôi, máng ăn, máng uống, các dụng cụ chăn nuôi. Định kỳ phun thuốc sát trùng tẩy uế chuồng trại và khu vực xung quanh chuồng nuôi 1-2 lần/tuần để tiêu diệt mầm bệnh bằng các loại thuốc sát trùng. Tại các khu vực chăn nuôi bị ngập, úng thì sau khi nước rút cần khẩn trương, tổ chức tổng vệ sinh cọ rửa, quét dọn chuồng trại, môi trường chăn nuôi, thu gom chất thải, rắc vôi bột… sau đó tiến hành phun khử trùng tiêu độc bằng các chất sát trùng để tiêu diệt mầm bệnh ngoài môi trường.

Và điều quan trọng khi chăm sóc đàn vật nuôi là phải thực hiện tiêm phòng vắc-xin, đây là biện pháp hiệu quả và kinh tế nhất để chủ động phòng, chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi. Cần phải tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch các loại vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra sức khỏe đàn gia súc, gia cầm, nhằm phát hiện sớm, để nuôi cách ly, điều trị kịp thời. Trường hợp gia súc, gia cầm nghi mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm hoặc chết nhiều không rõ nguyên nhân phải báo ngay với thú y xã, phường, thị trấn hoặc trưởng ấp, khu vực và chính quyền địa phương nơi gần nhất để xử lý kịp thời.

Ông Bùi Văn Lực, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y - Thủy sản tỉnh, cho biết: Trong năm 2023, Chi cục Chăn nuôi, Thú y - Thủy sản đã thực hiện hỗ trợ 262 con heo cái sinh sản hậu bị và 28 con heo đực giống sinh sản hậu bị, tiếp theo năm 2024 sẽ thực hiện hỗ trợ 365 con heo cái sinh sản hậu bị và 8 con heo đực giống sinh sản hậu bị (ngân sách nhà nước hỗ trợ 50%, vốn dân đối ứng 50%) cho các cơ sở/trang trại sản xuất, kinh doanh heo giống trên địa bàn tỉnh đã góp phần phát triển đàn heo theo hướng trang trại công nghiệp với các giống cao sản từng bước hình thành các vùng khuyến khích chăn nuôi tập trung quy mô công nghiệp. Theo định hướng phát triển ngành chăn nuôi tỉnh thời kỳ 2021-2030 sẽ có tốc độ tăng bình quân giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đạt trên 7%/năm; tỷ trọng giá trị sản xuất chăn nuôi trong nông nghiệp chiếm 12-14%. Với các dự án ưu tiên đầu tư như: Dự án phát triển hệ thống sản xuất giống gia súc, gia cầm chất lượng cao; Dự án đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung tỉnh Hậu Giang; Dự án chuyển giao khoa học và công nghệ lĩnh vực chăn nuôi, thú y và thủy sản tỉnh Hậu Giang đến năm 2030.

Nguồn: http://baohaugiang.com.vn/nong-nghiep-nong-thon/tang-cuong-phong-chong-dich-benh-cho-dan-vat-nuoi-133301.html