|
  • :
  • :

Xuất khẩu gạo kỷ lục, nông dân vẫn chưa giàu: Vì sao ?

Xuất khẩu gạo của cả nước từ đầu năm đến nay tăng trưởng ấn tượng về số lượng lẫn giá cả, nhờ đó mà nông dân các tỉnh ĐBSCL bán lúa dễ dàng và được giá cao. Song, điều nghịch lý tồn tại nhiều năm qua khi nước ta được xem là một trong những cường quốc về xuất khẩu gạo, tuy nhiên nông dân làm ra hạt lúa vẫn chưa giàu, vì sao ?

Sản xuất lúa trong mô hình cánh đồng lớn giảm được chi phí, cho lợi nhuận cao hơn nhiều so với sản xuất tự do. Ảnh: H.THU

Sản xuất nhỏ - khó trăm bề

Giữa trưa, nắng nóng gay gắt nhưng vợ chồng chị Lâm Thị Thơm và anh Phạm Văn Pha, ở xã Đông Bình, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ, vẫn bám đồng lúa để bón cho xong đợt phân thứ 3 khi lúa Hè thu được hơn 45 ngày tuổi. Chị Thơm cho biết, khu vực này là vùng nông thôn, đa phần bà con sinh sống bằng nghề nông, mỗi năm canh tác 3 vụ lúa (Đông xuân, Hè thu và Thu đông). “Từ đầu năm 2023 đến nay, giá lúa ở mức cao (từ 6.000-8.000 đồng/kg, tùy loại) nên nông dân tích cực chăm sóc và tăng cường đầu tư cho cây lúa. Tuy nhiên, cái khó là thời tiết nắng quá nóng khiến năng suất có thể giảm nhẹ, bởi ảnh hưởng một số dịch bệnh…”, chị Thơm cho hay.

Sản xuất lúa nhiều nơi ở ĐBSCL vẫn còn phân tán, manh mún, nhỏ lẻ nên nông dân chưa thể làm giàu được; vấn đề này cần khắc phục… Ảnh: H.TÂN

Chỉ ruộng lúa hơn 10 công của gia đình đang canh tác, anh Phạm Văn Pha bộc bạch: “Vợ chồng tôi dù ở nông thôn nhưng do điều kiện khó khăn nên không có đất đai canh tác. 10 công lúa này là do vợ chồng đi thuê của người khác với giá 4 triệu đồng/công/năm để sản xuất 3 vụ. Theo đó, vụ Đông xuân là chủ lực, bởi cho năng suất cao nhất khoảng 1.000kg lúa/công, nếu bán được giá trên 6.000 đồng/kg thì lời khoảng 4 triệu đồng/công, xem như đủ trả tiền thuê đất. Còn lại vụ Hè thu và Thu đông năng suất lúa thấp hơn, bình quân chỉ 700-800 kg/công nên lời chỉ 2 triệu đồng/công/vụ…”. Cũng theo anh Pha, hiện nay giá vật tư nông nghiệp liên tục tăng, có loại phân bón như DAP tới 1 triệu đồng/bao (50kg), vì vậy các khoản chi phí đầu vào khá cao. Để giảm chi phí, vợ chồng phải bỏ công chăm sóc lúa từ gieo sạ đến thu hoạch, mới có thể “lấy công làm lời”.

Cùng cảnh ngộ trên, anh Lâm Văn Hiệp, ở xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, cho hay: “Tôi cũng như nhiều gia đình khác ở nông thôn có chưa đầy 5 công ruộng. Với diện tích đất lúa ít ỏi, nếu canh tác cả 3 vụ mỗi năm mà trúng mùa trúng giá thì lời chỉ được khoảng 40 triệu đồng (vụ Đông xuân lời 4 triệu đồng, vụ Hè thu lời 2 triệu đồng và vụ Thu đông lời 2 triệu đồng/công). 40 triệu đồng mà chia ra cho 4 người trong nhà (vợ chồng và 2 con), cộng với chi phí đi đám tiệc, học hành, chữa bệnh… không cách nào đủ được”.

Cũng do túng thiếu nên con trai lớn của anh Hiệp học tới lớp 12 rồi nghỉ và tham gia nghĩa vụ quân sự ở địa phương, còn con gái út đang học THPT. “Mấy năm nay, vợ chồng tôi phải đi thuê đất lúa khoảng 20-30 công để làm thêm. Tuy vất vả nhưng cũng có thêm nguồn thu nhập, lo cuộc sống…”, anh Hiệp bộc bạch.

Còn chị Lê Thị Cẩm Đào, ở xã Vĩnh Bình (huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ), nhìn nhận: “Đất ruộng bây giờ giá khá cao từ 150-200 triệu đồng/công nên những gia đình thuộc diện khó khăn không thể mua nổi. Vợ chồng tôi khi ra ở riêng, được cha mẹ cho 3 công lúa sản xuất 3 vụ nhưng vẫn thiếu trước hụt sau nên phải đi làm thuê kiếm sống. Cũng do cuộc sống chật vật, thiếu vốn sản xuất; vì vậy mỗi khi gieo sạ lúa được 2-4 tuần là nhiều hộ bán sớm cho thương lái nhằm có tiền để tái đầu tư…”. Theo đó, nhiều thương lái ở Kiên Giang, An Giang, thành phố Cần Thơ… đang mua lúa Hè thu vừa xuống giống vài tuần với giá khoảng 6.000 đồng/kg (thấp hơn thị trường 10-20%), đến thời điểm thu hoạch nếu giá lên cao thì thương lái hưởng lợi, bởi họ đã đưa tiền trước.

Liên kết, hình thành vùng sản xuất lớn

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh ĐBSCL cho biết, bình quân mỗi hộ gia đình ở nông thôn canh tác khoảng 5 công ruộng, cộng với tình trạng sản xuất nhiều nơi vẫn còn ở dạng nhỏ lẻ, manh mún; mỗi khi đến vụ mùa thì nông dân tự gieo sạ, sau đó tự tìm thương lái để bán, trong khi thiếu sự liên kết chặt chẽ từ đầu vào vật tư đến đầu ra sản phẩm, vì vậy lợi nhuận mà nông dân thu về không cao. Giải quyết bài toán này, việc quy tụ nông dân vào các hợp tác xã để sản xuất quy mô lớn, có liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ ổn định, lâu dài là rất cần thiết.

Ông Nguyễn Văn Đời, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Bình Thành (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp), cho hay: “Để nông dân khá lên từ cây lúa thì hợp tác xã là mô hình lý tưởng nhất, bởi khi vào đó các xã viên sẽ được hưởng lợi từ nhiều dịch vụ như bơm tát nước chung với tập thể, gieo sạ đồng loạt, phun thuốc đồng loạt, thu hoạch bằng máy cắt cũng đồng loạt… Ngoài ra, còn được hỗ trợ vật tư nông nghiệp với chi phí thấp, đầu ra hạt lúa lúc thu hoạch đã được doanh nghiệp bao tiêu nên nông dân không lo bị thương lái ép giá. Tóm lại, cái lợi của hợp tác xã là sản xuất tập trung quy mô lớn và làm đồng loạt nên chi phí giảm ở tất cả các khâu, năng suất và chất lượng lúa được tăng lên nhờ ứng dụng tốt khoa học kỹ thuật; đặc biệt tiêu thụ ổn định, giá cao hơn bên ngoài, bởi có hợp đồng liên kết…”.

Ông Đời cũng cho rằng, mặc dù có nhiều cái lợi, nhưng để quy tụ được nông dân tham gia hợp tác xã cũng không dễ dàng bởi vẫn còn ảnh hưởng tâm lý “cha chung không ai khóc”, “của chung không ai lo…”. Vì vậy, việc đầu tiên để phát triển hợp tác xã vững mạnh, có sức lan tỏa thu hút nhiều thành viên tham gia thì phải xây dựng một ban giám đốc là những người tâm huyết, nhiệt thành, có trình độ, nhanh nhạy với thị trường; bên cạnh đó, cần có sự quan tâm của chính quyền địa phương và sự hỗ trợ tích cực của các ngành chức năng… “Thật ra, ban đầu chúng tôi cũng gặp khó khăn, nhưng sau nhiều năm tìm hướng đi mới, đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ để tăng doanh thu, cùng sự chung sức của tập thể…, đến nay Bình Thành là hợp tác xã có 100% hộ dân địa phương tham gia (khoảng 1.814 hộ); được đầu tư hoàn thiện 100% hệ thống bơm tưới bằng điện trên diện tích 1.180ha; đồng thời liên kết chặt với nhiều doanh nghiệp lớn về xuất khẩu gạo nhằm đảm bảo đầu ra hạt lúa. Chính cách làm bài bản đó, nên lợi nhuận của các xã viên luôn đảm bảo”, ông Nguyễn Văn Đời cho hay.

Đưa chúng tôi ra thăm cánh đồng rộng hơn 512ha của hợp tác xã đang xanh rì chạy ngút ngàn, ông Lê Minh Hải, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Hưng (xã Giục Tượng, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang), cho biết, đã mất nhiều năm để xây dựng hợp tác xã này trở thành hình mẫu của tỉnh. Theo ông Hải, địa phương có khoảng 95% là đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, với tập quán làm nông tự phát, mỗi người sản xuất một giống, gieo sạ riêng lẻ không tập trung nên thường gặp khó trong thu hoạch và tiêu thụ. Trước đây có vụ khi thu hoạch xong thì tiền bán lúa không đủ chi phí phân thuốc, lúa giống, nhân công… vì vậy bà con không khá được. Sau khi hợp tác xã thành lập đã giải quyết hàng loạt hạn chế trên. Cụ thể, như khâu bơm tát, hợp tác xã đứng ra nhận làm hết cho bà con chỉ 1-2 ngày là xong với chi phí thấp hơn 400.000 đồng/ha so bên ngoài; khâu cày xới đất cũng làm đồng loạt với chi phí thấp hơn 300.000 đồng/ha; rồi khâu xuống giống bằng máy và đến khi thu hoạch cùng lúc cũng bằng máy, giúp bà con giảm chi phí hơn 500.000 đồng/ha so với mạnh ai nấy làm…

“Chính sự tổ chức sản xuất lại một cách bài bản, mỗi công đoạn được thực hiện đồng loạt không quá hai ngày, giúp chi phí đầu tư giảm; trong khi năng suất và chất lượng lúa tăng lên; nhờ đó lợi nhuận của các thành viên cao hơn 2,5-3 triệu đồng/ha/vụ so với canh tác kiểu tự do. Thay đổi tư duy sản xuất nên đến nay 95% đồng bào dân tộc Khmer trong hợp tác xã đã thoát nghèo, hơn 50% là hộ khá, hộ giàu; các thành viên được chia lãi hàng năm từ 65% trở lên theo mức độ sử dụng dịch vụ và vốn góp…”, ông Hải chia sẻ.

Thực tế cho thấy, khi quy tụ nông dân vào hợp tác xã đã cộng hưởng được nhiều dịch vụ giúp giảm chi phí, tăng giá trị hạt lúa; từ đó mới có lợi nhuận nhiều hơn. Đối với những nông dân có diện tích đất ít thì có thể cho thuê, sau đó tham gia làm dịch vụ tại hợp tác xã sẽ có thu nhập cao hơn. Đây cũng là cách “dồn đất lại” nhằm hình thành cánh đồng sản xuất quy mô lớn.

Diện tích gieo trồng lúa của tỉnh khoảng 174.000ha, sản lượng đạt trên 1 triệu tấn/năm. Theo ngành nông nghiệp Hậu Giang, các vụ lúa hàng năm, ngành và các địa phương đều có liên kết với công ty, doanh nghiệp, HTX ký hợp đồng bao tiêu lúa cho nông dân. Ngoài ra, hệ thống thương lái còn liên kết với người trồng lúa để thu mua với sản lượng khá lớn lúa hàng hóa của người nông dân trong tỉnh. Trong định hướng tới đây của tỉnh sẽ sản xuất lúa theo hướng hình thành các vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung quy mô lớn, thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng lúa. Sử dụng các giống lúa tốt, vừa có chất lượng gạo ngon, phù hợp với yêu cầu xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, thời gian sinh trưởng phù hợp với cơ cấu của từng mùa vụ trên từng tiểu vùng sinh thái, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu. Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong canh tác, tăng cường cơ giới hóa trong sản xuất. Bên cạnh đó rà soát, đề xuất các chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tại địa phương. Tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, thúc đẩy quá trình liên kết sản xuất, dần hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung…

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng gạo xuất khẩu tháng 5-2023 ước đạt 1 triệu tấn với giá trị 489 triệu USD. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2023, cả nước đã xuất khẩu gần 3,9 triệu tấn gạo, đạt giá trị 2,02 tỉ USD, tăng 40,8% về khối lượng và 49% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Kết quả tích cực trên là nhờ giá gạo tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2022, bình quân ở mức 517 USD/tấn.

Cũng theo nhận định, trong 3 năm gần đây, thị trường xuất khẩu gạo thuận lợi nên sản lượng đều tăng. Cụ thể, năm 2020, sản lượng gạo xuất khẩu đạt 6,15 triệu tấn; năm 2021 tăng lên 6,2 triệu tấn; năm 2022 tăng vọt lên 7,1 triệu tấn và 5 tháng đầu năm 2023 đã xuất khẩu gần 3,9 triệu tấn. Với chiều hướng này dự kiến cả năm 2023 xuất khẩu gạo ước đạt hơn 7 triệu tấn, với kim ngạch ước khoảng 4 tỉ USD.

Nguồn: http://baohaugiang.com.vn/kinh-te/xuat-khau-gao-ky-luc-nong-dan-van-chua-giau-vi-sao--122375.html