USDA cũng giảm dự báo sản lượng khô đậu tương của nước này trong niên vụ 2021/2022 xuống còn 52,05 triệu tấn ngắn, giảm 0,8% so với mức dự báo hồi tháng 7 vừa qua; trong khi đó, dự báo tồn trữ khô đậu tương cuối niên vụ vẫn được giữ ở mức 500.000 tấn ngắn.
Dự báo sản lượng, mức tiêu thụ, tồn kho cuối niên vụ của đậu tương và sản lượng ép dầu đậu tương tại Hoa Kỳ cũng như trên thế giới trong niên vụ 2021/2022 (Đồ hoạ: Công ty Cổ phần Saigon Futures)
Theo USDA, tổng lượng tồn trữ khô đậu tương cuối niên vụ 2021/2022 trên toàn cầu sẽ chỉ đạt 11,59 triệu tấn, giảm 4,7% so với mức dự báo hồi tháng 7. Nguyên nhân chủ yếu do lượng tồn trữ khô dầu đậu tương cuối niên vụ của Argentina được dự báo sẽ giảm mạnh 13,2% và tại Brazil giảm 3,1%.
USDA dự báo sản lượng khô đậu tương toàn cầu trong niên vụ 2021/2022 đạt 258,69 triệu tấn, giảm nhẹ khoảng 2 triệu tấn so với dự báo hồi tháng 7. Khô dầu đậu tương là phụ phẩm sau quá trình chiết xuất dầu từ hạt đậu tương, được sử dụng phổ biến để cung cấp chất đạm trong hoạt động chăn nuôi.
Đối với mặt hàng dầu đậu nành, USDA tiếp tục giữ dự báo giá dầu đậu nành trên thị trường nội địa nước này ở mức trung bình 65 cents/pound (0,454 kg) trong niên vụ 2021/2022 nhưng lại hạ dự báo sản lượng dầu đậu nành xuống mức 25,7 tỷ pound, giảm 1% so với mức dự báo hồi tháng 7. Hoa Kỳ hiện là quốc gia xuất khẩu đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành hàng đầu thế giới.
Tổng sản lượng dầu đậu nành toàn cầu trong niên vụ 2021/2022 cũng được điều chỉnh giảm xuống còn 61,93 triệu tấn, giảm nhẹ so mức 62,32 triệu tấn được dự báo trong tháng 7/2021. Trong nửa đầu năm 2021, Việt Nam đã nhập khẩu 2,46 tỷ USD thức ăn gia súc và nguyên liệu, tăng mạnh 35% so với cùng kỳ năm trước.