Lâm Đồng căng sức chống hạn
Tình trạng khô hạn nghiêm trọng tại tỉnh Lâm Đồng khiến sinh hoạt của người dân tại nhiều nơi bị đảo lộn, hàng nghìn héc-ta cây trồng khô héo vì thiếu nước tưới. Chống hạn trở thành nhiệm vụ cấp bách hàng đầu và đặt ra yêu cầu cần có giải pháp dài hạn đối với chính quyền và người dân nơi đây.
Cây khô, người khát
Đi dọc vùng đất Nam Tây Nguyên giữa hạ tuần tháng 3, chúng tôi cảm nhận rõ cảnh vật và con người nơi đây như đang oằn mình dưới nắng nóng và bị cơn khát hành hạ. Nắng oi ả, hầm hập kèm gió thốc bụi mù khiến nhiều ao hồ, sông suối cạn phơi đáy, nhiều vườn cà phê, sầu riêng héo rũ vì thiếu nước. Khắp nơi rền rĩ tiếng máy bơm, máy khoan như nỗ lực hòng tìm kiếm những giọt nước hiếm hoi trong lòng đất nhằm giải tỏa cơn khát đang tăng lên từng ngày. Cạnh vũng nước còn sót lại trên con suối cạn ở thôn Nao Sẻ, xã Gia Bắc, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, ông K’Thọ đang lắp chiếc máy bơm dầu, kéo 15 cuộn ống tưới nước để cứu 1,5ha cà phê héo rũ. “Cả thôn chỉ còn mỗi chỗ này là có nước, bà con phải chia nhau. Tôi chờ mấy ngày rồi mới đến lượt bơm nhưng gắng lắm cũng chỉ đủ nước tưới khoảng 3 sào (3.000m2-PV) cây cà phê, diện tích còn lại đành chờ trời thương cho cơn mưa sớm”, ông K’Thọ than thở.
Người dân Lâm Đồng kéo ống tìm nước tưới chống hạn cho cây trồng. |
Khô hạn kéo dài cũng khiến nguồn nước đáp ứng sinh hoạt trở thành vấn đề nan giải. Nước sinh hoạt của người dân ở xã Gia Bắc chủ yếu dựa vào giếng đào và công trình nước sinh hoạt tự chảy. Nắng hạn kéo dài nhiều tháng làm hầu hết giếng đào ở các thôn trong xã cạn kiệt nước. Xã Gia Bắc có 816 hộ dân, với hơn 3.240 nhân khẩu thì có hơn 350 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Trước tình thế cấp bách, UBND xã Gia Bắc phải mở thêm các vòi cấp nước từ các công trình nước tự chảy phục vụ người dân. Xã Đại Lào, TP Bảo Lộc có khoảng 300 hộ dân, do thiếu nước sinh hoạt buộc nhiều hộ phải mua nước từ xa chở tới với giá 100.000-120.000 đồng/m3. Nắng nóng kéo dài cũng khiến 50% hộ dân ở xã Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm thiếu nước sinh hoạt...
Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng mới đây cho thấy, lượng mưa trung bình trên địa bàn đạt thấp, chỉ bằng khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước. Số ngày nắng nóng tăng, biên độ nhiệt thay đổi lớn giữa ngày và đêm. Mực nước sông, suối đang giảm dần. Toàn tỉnh hiện có khoảng 2.100ha cây trồng bị ảnh hưởng do khô hạn, tập trung nhiều ở các huyện: Lâm Hà, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Bảo Lâm, Di Linh.
Ứng phó và "sống chung" với hạn
Những năm gần đây, biến đổi khí hậu khiến tần suất xuất hiện những năm hạn nghiêm trọng ở Tây Nguyên vượt 20%, tức cứ khoảng 5 năm lại có 1 năm hạn nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Cùng với công tác chống hạn thì bài toán “sống chung” lâu dài với hạn đặt ra những yêu cầu mới đối với phương thức sản xuất cũng như việc khai thác, sử dụng nguồn nước.
Ngày 21-3 vừa qua, UBND tỉnh Lâm Đồng có Văn bản số 2227/UB-TL về việc chỉ đạo thực hiện công tác chống hạn. UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương trong tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tình hình khí tượng thủy văn; nạo vét khơi thông dòng chảy, nâng cấp hồ, đập để khắc phục tình trạng khô hạn, thiếu nước; chủ động linh hoạt trong tổ chức lấy nước khi nguồn nước cạn kiệt. Sử dụng xe téc, xe bồn cấp nước sinh hoạt cho người dân. Chủ động điều chỉnh cơ cấu cây trồng sang loại cây ít dùng nước, thích ứng với hạn; thay đổi lịch thời vụ, tuyên truyền vận động người dân sử dụng các nguồn cấp nước khác ngoài công trình thủy lợi, tiết kiệm nguồn nước; điều tiết bổ sung nước giữa các công trình; hỗ trợ người dân thực hiện các công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng; phối hợp cùng các nhà máy thủy điện ở thượng lưu xác định lưu lượng, thời gian xả để lấy nước cho các trạm bơm trên sông hợp lý...
Lãnh đạo UBND TP Bảo Lộc cho biết, trước tình trạng nắng hạn gay gắt, TP Bảo Lộc đã huy động xe cứu hỏa, xe bồn của Công ty cổ phần Công trình đô thị Bảo Lộc cấp nước sạch miễn phí cho hàng trăm hộ ở hai xã Đại Lào và Lộc Châu. Công ty cổ phần Cấp thoát nước và Xây dựng Bảo Lộc tiến hành đấu nối tạm thời và tăng áp bơm nước qua đường ống của dự án nước sạch nông thôn (dự án này chưa bàn giao) giúp bà con hai xã Đại Lào và Lộc Châu có nguồn nước sử dụng. Với các vùng thiếu nước sinh hoạt khác như: Sơn Điền, Gia Bắc (Di Linh), Lộc Bảo, Lộc Bắc (Bảo Lâm), Tam Bố (Di Linh), Ninh Gia (Đức Trọng), chính quyền địa phương mở thêm các vòi nước của các hệ thống nước tự chảy do Nhà nước đầu tư phục vụ người dân; huy động cán bộ, đoàn thanh niên giúp dân nạo vét giếng, ao, hồ để lấy nước tưới tiêu, sinh hoạt.
Ông Trần Văn Tuận, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng cho rằng, nhằm hạn chế thiệt hại do hạn hán, bên cạnh giải pháp cấp bách thì về lâu dài cần đẩy mạnh chuyển đổi phương thức sản xuất, hạn chế lãng phí nước trong tưới tiêu, sinh hoạt. Đối với cây lúa, do sử dụng lượng nước tưới khá lớn, cần áp dụng phương pháp tưới “ngập, khô xen kẽ” theo giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây. Đối với cây ăn trái, cây công nghiệp dài ngày, cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật như: Tăng cường bón phân hữu cơ, tưới thấm theo gốc, phủ gốc bằng rơm rạ, cỏ khô, trồng cây che bóng, cây chắn gió...
Cũng theo ông Trần Văn Tuận, để giảm bớt tác hại do hạn hán, bà con nông dân cần quan tâm thực hiện các biện pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Những vùng thường xuyên bị hạn không nên trồng lúa nước, nên chuyển đổi các loại cây trồng cạn như bắp, cây họ đậu...; tăng cường áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước như tưới phun sương, tưới nhỏ giọt...
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Lâm Đồng, từ nay đến hết tháng 4-2024, El Nino tiếp tục duy trì với xác suất hơn 90%, mùa mưa đến muộn hơn so với mọi năm. Vì vậy, công tác chống hạn vẫn là ưu tiên hàng đầu của cấp ủy, chính quyền và người dân nhằm giảm thiệt hại do thiên tai gây ra.