Ngành cà phê thích ứng với quy định chống phá rừng của EU
Mỗi năm Việt Nam thu hàng tỷ USD từ việc xuất khẩu cà phê vào Liên minh châu Âu (EU). Song quy định chống phá rừng của EU được Nghị viện châu Âu thông qua ngày 29-6-2023 và áp dụng từ ngày 30-12-2024 nhằm ngăn chặn việc nhập khẩu các mặt hàng gây mất rừng và suy thoái rừng đang đặt ra những yêu cầu mới với ngành cà phê Việt Nam.
Phạm vi hàng hóa sản xuất chịu áp dụng trong quy định chống phá rừng của EU gồm: Gia súc, ca cao, cà phê, dầu cọ, cao su, đậu nành, gỗ và một số sản phẩm có nguồn gốc từ chúng, chẳng hạn như da, sô cô la, lốp xe, đồ nội thất.
Theo quy định, bất kỳ nhà khai thác hoặc thương nhân nào đưa các mặt hàng này vào thị trường EU hoặc xuất khẩu từ thị trường này có khả năng phải chứng minh rằng các sản phẩm không có nguồn gốc từ đất rừng bị phá gần đây hoặc góp phần làm suy thoái rừng. Quy định nhằm góp phần giải quyết nạn phá rừng, suy thoái rừng và bảo tồn rừng để giảm lượng khí thải carbon và mất đa dạng sinh học.
Quy định chống phá rừng của EU đặt ra những yêu cầu mới với ngành cà phê. Ảnh minh họa: chinhphu.vn |
Do vậy, đối với ngành cà phê, các nhà xuất khẩu phải bảo đảm họ không lấy nguồn cà phê từ đất bị phá rừng hoặc suy thoái. Chỉ khi đó, họ mới có thể xuất khẩu cà phê sang EU. Theo số liệu thống kê từ Trung tâm thương mại quốc tế, EU hiện là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất toàn cầu, chiếm 47,9% tổng trị giá nhập khẩu trên toàn thế giới. EU hiện cũng là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam.
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường này trong năm 2022 đạt 689.049 tấn, trị giá gần 1,5 tỷ USD, tăng 25,8% về lượng và tăng 45,4% về trị giá so với năm 2021. Quy định này sẽ tác động trực tiếp đến những tác nhân trong các chuỗi cung ứng ngành hàng trên.
Theo Hiệp hội Cà phê-Ca cao Việt Nam, thông tin việc truy xuất nguồn gốc khó khăn nhất là đối với các nông hộ. Thực tế, nhiều nông hộ có diện tích manh mún, phần lớn chỉ có từ 0,5ha trở xuống. Số diện tích này thực tế là hợp pháp nhưng việc chứng minh nguồn gốc không phải dễ, hơn nữa là vấn đề chi phí để thực hiện truy xuất nguồn gốc. Song, với các doanh nghiệp đã đầu tư bài bản thì việc đáp ứng các tiêu chuẩn xanh và bền vững cũng là cơ hội rất lớn để nâng cao giá trị và thương hiệu.
Theo các chuyên gia, việc tích hợp công nghệ kỹ thuật số là rất quan trọng để đáp ứng quy định về sản phẩm không phá rừng theo quy định. Theo đó, các nhà sản xuất có thể khai thác những ứng dụng GPS của thiết bị để vẽ tọa độ khi đi bộ hay sử dụng máy bay không người lái có thể lập bản đồ bằng cách chụp ảnh từ trên cao...