Trồng cây sa nhân dưới tán rừng cho hiệu quả cao
Mấy năm trở lại đây, nhiều mô hình phát triển kinh tế dưới tán rừng ở huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên đã phát huy hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định cho người dân, góp phần bảo vệ rừng.
Có thể kể đến mô hình trồng sa nhân dưới tán rừng của gia đình bà Mùa Thị Mỷ ở bản Mường Toong 1, xã Mường Toong. Cách đây hơn 6 năm, gia đình bà tìm hiểu và quyết định trồng gần 1,5ha sa nhân tím dưới tán rừng.
Người dân xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé chăm sóc cây sa nhân tím. |
Sau hai năm, cây sa nhân bắt đầu cho thu hoạch. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình bà Mỷ thu nhập khoảng 50 triệu đồng từ diện tích trồng sa nhân này. Bà Mùa Thị Mỷ cho biết: “Cây sa nhân tím rất dễ trồng, dễ chăm sóc, tận dụng được diện tích đất dưới tán rừng. Chỉ sau 2-3 năm, cây bắt đầu cho thu hoạch liên tục trong vòng 10-12 năm. Rễ cây lan tới đâu, diện tích trồng sa nhân mở rộng tới đó nên tiết kiệm được cả tiền đầu tư cây giống”.
Không riêng ở xã Mường Toong, mô hình trồng cây sa nhân dưới tán rừng cũng phát triển ở nhiều địa phương của huyện Mường Nhé. Tại xã Sín Thầu, diện tích trồng sa nhân đã phát triển lên gần 50ha, trong đó hơn 60% diện tích đang cho thu hoạch. Ông Pờ Chinh Phạ, Chủ tịch UBND xã Sín Thầu cho biết: “Đây là một trong những hướng đi giúp xóa đói giảm nghèo ở địa phương, vừa giữ rừng tốt, vừa tận dụng được tối đa đất lâm nghiệp. Chúng tôi đang tích cực vận động, hỗ trợ bà con triển khai mô hình này”.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Nhé, toàn huyện hiện có khoảng 134ha cây sa nhân tím, tập trung chủ yếu ở các xã: Sín Thầu (50ha), Nậm Kè (26ha), Huổi Lếch (20ha), Pá Mỳ (12ha)... Nhiều diện tích đã cho thu hoạch, mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Ngoài cây sa nhân, để thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư theo chu trình khép kín, bền vững, tạo sản phẩm theo chuỗi có giá trị kinh tế cao nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng, huyện phấn đấu đến năm 2025 thu hút được hai dự án khai thác quỹ đất lâm nghiệp để trồng 13.500ha rừng phòng hộ, rừng sản xuất bằng cây trồng đa mục đích, như: Mắc ca, dổi, cây dược liệu, cây trồng khác có giá trị kinh tế cao.
Bài và ảnh: THU HƯỜNG