Các nhà khoa học thuộc Trung tâm Phát triển công nghệ cao, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã nghiên cứu thành công chế phẩm Nano – PGPR có tác dụng trị bệnh nấm vàng (bệnh giả sương mai) và một số bệnh do nấm khác trên cây dưa lưới. Đây là kết quả của đề tài “Nghiên cứu ứng dụng chế phẩm Nano – vi khuẩn PGPR nhằm phòng trừ bệnh giả sương mai trên cây dưa lưới” do PGS. TS Lê Đăng Quang làm chủ nhiệm.
Dưa lưới là loại quả có giá trị kinh tế cao với thời gian trồng ngắn. Để bảo vệ cây trước côn trùng và một số bệnh, trong đó có bệnh nấm vàng, nhiều nhà vườn thường sử dụng phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật hóa học gốc đồng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, cùng với xu hướng tiêu dùng “xanh”, phương pháp trên dần được thay thế bằng các biện pháp phòng trừ an toàn như sử dụng các chế phẩm vi sinh nhân tạo. Triển khai đề tài theo hướng nghiên cứu này, PGS. TS Lê Đăng Quang cùng các cộng sự của Trung tâm Phát triển công nghệ cao, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã nghiên cứu sản xuất và ứng dụng thành công chế phẩm phân bón nano, được tích hợp tác nhân kiểm soát sinh học là vi khuẩn PGPR (nano - PGPR) trong phòng trừ bệnh trên cây dưa lưới.
PGS. TS Lê Đăng Quang cho biết, vi khuẩn PGPR là vi khuẩn trong đất, sinh sống xung quanh hoặc trên bề mặt rễ, trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia việc kích thích sinh trưởng và phát triển của thực vật thông qua sản xuất và tiết ra những chất hóa học khác nhau ở xung quanh vùng rễ. Trong khi đó, TiO2 là một vật liệu bán dẫn vùng cấm rộng, trong suốt, chiết suất cao, từ lâu đã được ứng dụng trong nhiều ngành công nghiệp như: Sơn, nhựa, giấy, mỹ phẩm, dược phẩm... Sự tích hợp giữa nano TiO2 và vi khuẩn PGPR giúp cho quá trình chuyển hóa, hấp thụ phân bón của cây diễn ra nhanh chóng, hiệu quả, giúp giảm lượng phân bón và thuốc tăng trưởng thực vật.
Mẫu lá bệnh dùng nước lã (trái) và mẫu lá sử dụng chế phẩm nano - PGPR (phải). (Ảnh: https://dost.hochiminhcity.gov.vn/)
Tiến hành thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã nuôi cấy hai chủng vi khuẩn là Paenibacillus polymyxa IN937a và Bacillus subtilis GB03 trên nền đất sạch và không nhiễm hóa chất. Nano TiO2 được nhóm tổng hợp từ tiền chất là Titanium Isopropoxide. Tiếp theo, vi khuẩn được nuôi cấy trong dung dịch nano TiO2 để tạo chế phẩm Nano- vi khuẩn PGPR, với kích thước hạt trung bình 10-30nm. Chế phẩm Nano- vi khuẩn PGPR sau đó đươc thử nghiệm trên cây dưa lưới được trồng tại thành phố Hồ Chí Minh sau khi được thử nghiệm trong phòng thí nghiệm. Cụ thể, chế phẩm được phun qua lá, tưới gốc trong 10 ngày. Kết quả cho thấy, chế phẩm có khả năng kiểm soát tác nhân gây bệnh nấm vàng trên cây dưa lưới. Đặc biệt, nồng độ phun càng cao thì khả năng ức chế càng tăng. “Hiệu lực của sản phẩm nano - PGPR ở các nồng độ pha loãng khác nhau ở quy mô nhà màng diện hẹp đối với nấm gây giả sương mai trên cây dưa lưới đã được đánh giá và cho thấy khả năng phòng trừ bệnh của chế phẩm rất tốt so với các thuốc hóa học hay sinh học phổ biến trên thị trường”, PGS. TS Lê Đăng Quang cho biết.
Dưa lưới sử dụng chế phẩm Nano- vi khuẩn PGPR có độ ngọt cao. (Ảnh: https://khoahocphattrien.vn/)
Đáng chú ý, khi so sánh với mẫu đối chứng cho thấy, hiệu quả phòng trừ sau 10 ngày đạt 74% khi dùng thuốc bảo vệ thực vật Sumi Eight và 59% khi dùng chế phẩm Nano – PGPR. Ngoài ra, năng suất trái không có sự khác biệt so với đối chứng nhưng độ ngọt lại cao hơn (15%).
Cũng theo PGS. TS Lê Đăng Quang, chế phẩm Nano- vi khuẩn PGPR còn có rất nhiều đặc tính phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng ở Việt Nam, đáp ứng một phần yêu cầu của các cơ sở, hộ gia đình và các công ty sản xuất rau - củ - quả sạch, có giá thành cạnh tranh. Ngoài khả năng phòng trừ một số bệnh hại, chế phẩm còn kích thích tăng trưởng đối với cây trồng, đặc biệt đối với các cây thuộc họ bầu bí nói chung và cây dưa lưới nói riêng.
Bệnh nấm vàng hay bệnh giả sương mai là bệnhdo nấm Pseudoperonospora cubensis gây ra. Bệnh gây hại tất cả các bộ phận của cây nhưng phổ biến nhất là trên lá. Đặc trưng của bệnh thường thể hiện rõ nhất là những đốm nhỏ không màu hoặc màu xanh vàng đến màu nâu nhạt, hình đa giác hoặc hình bất định, nằm rải rác hoặc nằm dọc các gân lá thường có góc cạnh và bị giới hạn bởi các gân lá. |
Bích Phương