Tiêu điểm
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gia Lai chuyển đổi cây trồng để người dân thoát nghèo

Để khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, 3 năm trở lại đây, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai chú trọng công tác tuyên truyền, vận động và triển khai thực hiện hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Mạnh dạn loại bỏ những loại cây kém hiệu quả sang canh tác các giống cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập, giúp người dân thoát nghèo bền vững.

Những ngày đầu tháng 10, chúng tôi có chuyến công tác đến vùng đất phía Đông của tỉnh Gia Lai, trong đó Kông Chro là điểm đến đầu tiên. Hai bên đường không còn thấy những nương “lúa trời” lưa thưa, những vườn bắp (ngô) nhỏ lẻ kém hiệu quả, mà thay vào đó là những cánh đồng mía xanh tốt, cao tít; những vườn nhãn lai, mãng cầu Thái (na) rộng lớn, đặc biệt là cánh đồng hoa hòe ngả sắc vàng... đang hứa hẹn mùa bội thu.

Người dân đang thu hoạch hoa hòe. 

Ông Đinh Văn Súy, Phó chủ tịch UBND huyện Kông Chro cho biết: “Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đến nay, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, có hơn 632ha đất trồng cây kém hiệu quả được nông dân mạnh dạn chuyển đổi sang trồng một số loại cây khác, như: Nhãn lai, mãng cầu (na) Thái, thanh long và cây hoa hòe... Nhìn chung, những loại cây này đều thích hợp với khí hậu và chất đất ở đây nên mang lại lợi nhuận cao. Trước đây, bà con địa phương chủ yếu trồng lúa nương, bắp lai và cây tràm, hiệu quả kinh tế mang lại không cao, cái đói, cái nghèo cứ đeo bám người dân. Trước thực tế đó, Huyện ủy, UBND huyện đã lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng để đa dạng hóa nông sản và nâng cao thu nhập. Trên cơ sở kết quả đạt được, thời gian tới, địa phương tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học-kỹ thuật cho nông dân nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tạo đầu ra cho nông sản và tăng thu nhập cho người dân”.

Một trong những người đầu tiên mạnh dạn “chuyển đổi cây trồng” từ cây bắp, cây mì, cây mía... sang trồng cây nhãn lai cho hiệu quả cao ở huyện Kông Chro là ông Vũ Văn Tuyên, ở xã Yang Trung. Theo ông Tuyên, để đưa ra quyết định phá gần 3ha cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây nhãn lai là cả một vấn đề rất lớn và rất lo lắng. Nhưng khi đã đi khảo sát đất, học hỏi kinh nghiệm trồng, chăm bón, thu hoạch... tôi thấy việc chuyển đổi cây trồng lúc này là phù hợp nên quyết định đưa cây nhãn lai về trồng trên vùng đất này. Đầu năm 2018, tôi quyết định chuyển đổi 2ha đất để trồng nhãn lai. Sau gần 4 năm, vườn nhãn lai của tôi đã cho trái nhiều, chất lượng và đang phát triển tốt, giá bán cao; mỗi đợt thu hoạch, gia đình tôi có lãi vài trăm triệu đồng nên tôi quyết định trồng thêm 1ha nữa”.

Ở Yang Trung (Kông Chro), ngoài ông Tuyên, người mạnh dạn đưa cây nhãn lai vào thay các loại cây trồng kém hiệu quả, thu được kết cao, thì chị Vũ Thị Hồng cũng không kém. Mời chúng tôi ăn những trái mãng cầu Thái to, ngọt và chín thơm tại vườn, chị Hồng chia sẻ: “Sau khi đi một số địa phương và học hỏi kinh nghiệm trồng cây mãng cầu Thái, cùng với nhu cầu sử dụng, tiêu thụ sản phẩm, tôi nhận thấy trồng mãng cầu Thái mang lại lợi nhuận cao, dễ trồng, dễ chăm bón, thu hoạch nên tôi mạnh dạn đầu tư cây giống, phân bón (chỉ bón phân hữu cơ), cải tạo đất và trồng trên 2ha đất trồng mía củ. Nhìn chung, cây mãng cầu Thái dễ trồng và phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, mỗi năm thu hai vụ. Theo ước tính, với giá bán dao động trong khoảng 30-40.000 đồng/kg, trung bình mỗi vụ, gia đình tôi sẽ có lãi 100-120 triệu đồng”.

Ngoài đầu tư trồng các loại cây ăn quả hiệu quả cao, lâu dài, người dân ở Kông Chro còn đầu tư trồng các loại cây dược liệu quý như cà gai leo, đương quy... với lượng tiêu thụ lớn, dễ trồng, giải quyết việc làm cho nhiều lao động và có thu nhập ổn định. Anh Nguyễn Văn Hải, quản lý Trang trại hoa hòe bộc bạch: Cây hoa hòe được trồng nhiều ở các tỉnh phía Bắc, dễ trồng, lại thu hoạch quanh năm. Ở các vùng nông thôn, cây hòe được mệnh danh là “cây nhà nghèo” nhưng cho thu nhập cao bởi các dược tính mà nó mang lại. Cây hòe được trồng để lấy nụ và hoa xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, kỹ thuật trồng cây khá đơn giản, không tốn nhiều công chăm sóc, lại ít sâu bệnh, nhanh thu hoạch và cho thu nhập cao. Năm 2020, tận dụng thế đất, thời tiết, gia đình anh đã đầu tư và trồng 21ha cây hòe. Sau hai năm trồng và chăm sóc, vườn cây của gia đình phát triển rất tốt và cho thu bói. Với hơn 21ha hoa hòe, ước thu hoạch mỗi tháng 8-9 tấn hoa khô. Hiện nay, giá bán dao động trong khoảng 130-150.000 đồng/kg hoa khô, gia đình anh có thể thu về hơn 600 triệu đồng/tháng; dự kiến thời gian tới, doanh nghiệp của anh sẽ mở rộng diện tích thêm 30ha để nâng tổng số lên hơn 50ha, qua đó trở thành Trang trại hoa hòe tiên phong và lớn nhất tỉnh Gia Lai. Hiện gia đình anh đang thuê 20 lao động chăm sóc, thu hoạch với thu nhập trung bình 200.000 đồng/người/ngày, đã bao ăn cơm trưa, tối.  

Hiệu quả từ các mô hình, cách làm trên đã chứng minh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng là hướng đi đúng đắn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai. Tận dụng quỹ đất, phát huy lợi thế của cây trồng, đời sống người dân từng bước được nâng lên.


Tags: Gia Lai
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật