Hoà Bình: Người dân thoát nghèo nhờ trồng keo xuất khẩu
Nhiều người dân tại huyện Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình có thu nhập tốt, vươn lên thoát nghèo nhờ trồng keo nguyên liệu để xuất khẩu.
Thoát nghèo nhờ xuất khẩu keo
Tỉnh Hòa Bình hiện có diện tích trồng cây keo khoảng hơn 90.000 ha, chủ yếu tại các huyện như: Tân Lạc, Kim Bôi, Lạc Sơn, Lương Sơn, TP. Hòa Bình… Mấy năm trở lại đây, người dân tại các huyện này tập trung trồng cây keo nguyên liệu giấy để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản. Qua đó có nguồn thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo.
Nhiều người dân huyện Tân Lạc (Hoà Bình) đã thoát nghèo nhờ trồng cây keo để xuất khẩu |
Ngày 11/8, ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương tại xã Tử Nê, huyện Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình, bà con nơi đây đang tấp nập vào vụ thu hoạch keo. Những đồi keo bạt ngàn ầm vang tiếng máy cưa. Người bốc, người cắt, mỗi người một nhiệm vụ bắt tay vào công việc để kịp tránh cái nắng gắt cuối mùa.
Anh Bùi Văn Tài (xóm Bin, xã Tử Nê) chia sẻ: “Gia đình tôi có 4 ha trồng keo, năm nay keo đã được 5 năm tuổi, đang vào kỳ thu hoạch. Trước đây, nhà tôi cũng như các hộ trong xóm thường bán cả đồi keo cho thương lái với giá 30 – 40 triệu/ha nên lợi nhuận rất thấp, không đủ chi phí trang trải cuộc sống, quanh năm đói nghèo”.
Cây keo cho thu nhập ổn định, lại ít công chăm sóc, được thương lái ưa chuộng |
Theo anh Tài, vài năm gần đây, có một số cơ sở chế biến keo mở tại địa phương, họ sơ chế keo để bán ra nước ngoài, nên bà con sẽ tự thu hoạch keo bán trực tiếp cho các cơ sở này, không qua thương lái. Hiện tại, mỗi tấn keo có thể bán với giá 800 – 900 nghìn/tấn, với 1 ha keo có thể thu về khoảng 80 - 100 triệu đồng, lợi nhuận gấp đôi nên nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo.
Còn anh Bùi Văn Thiện (xóm Chùa, xã Tử Nê) cho biết, với địa hình nhiều đồi núi nên người dân trong xã chủ yếu là trồng keo, kết hợp chăn nuôi gia súc. Nhờ trồng keo mà nhiều hộ trong xóm có thu nhập ổn định, cuộc sống đủ đầy hơn. Bà con còn ý thức được rằng, cây keo không chỉ mang lại giá trị kinh tế cho bản thân người trồng mà còn giúp đất có độ che phủ, giảm xói mòn và bạc màu.
Việc mở các cơ sở chế biến keo tại địa phương giúp bà con giảm chi phí vận chuyển, không lo về đầu ra, tăng giá trị cây keo |
Mở rộng các cơ sở chế biến keo
Anh Nguyễn Văn Đông, chủ một cơ sở chế biến keo tại xã Tử Nê thông tin, việc mở các cơ sở chế biến keo tại địa phương không chỉ giúp người dân giảm chi phí vận chuyển, không lo về đầu ra, tăng giá trị cây keo. Từ đó, có thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống.
Cây keo sau khi được sơ chế sẽ bán cho các đầu nậu ở cảng Nghi Sơn (Thanh Hoá) để xuất sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản (Ảnh: DT) |
Theo anh Đông, hiện cơ sở của anh đang sơ chế khoảng 70 tấn keo/ngày, mỗi tháng bán ra cảng Nghi Sơn (Thanh Hoá) khoảng 2.000 tấn để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản. Bên cạnh đó, cơ sở của anh cũng đang tạo việc làm cho gần 50 lao động thường xuyên và thời vụ với mức lương từ 6 – 7 triệu đồng/tháng.
Lãnh đạo UBND xã Tử Nê cho biết, những năm qua, bên cạnh chuyển đổi cây trồng vật nuôi, nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã đầu tư trồng keo nguyên liệu giấy để xuất khẩu. Các cơ sở chế biến keo tại địa phương giúp bà con bao tiêu sản phẩm, gia tăng giá trị cây keo, đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân có thêm nguồn thu nhập ổn định, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.
Cây keo sau khi được sơ chế sẽ bán cho các đầu nậu ở cảng Nghi Sơn (Thanh Hoá) để xuất sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản (Ảnh: DT) |
Để phát triển kinh tế rừng bền vững, giúp người dân yên tâm gắn bó với trồng rừng, xã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền và phối kết hợp với Trạm Khuyến nông huyện tổ chức tập huấn cho người trồng rừng các giải pháp kỹ thuật nâng cao chất lượng, năng suất rừng trồng; liên kết với các doanh nghiệp chế biến trong và ngoài tỉnh để tạo vùng nguyên liệu tập trung và có đầu ra ổn định, giá cả cạnh tranh cho gỗ nguyên liệu.
Keo là một trong những loại cây rừng trồng chủ yếu tại Việt Nam, mang lại hiệu quả cả về kinh tế và sinh thái môi trường. Theo Cục Kiểm lâm Việt Nam, diện tích rừng trồng keo ở Việt Nam khoảng trên 1 triệu ha, chiếm hơn 30% tổng diện tích rừng trồng tại Việt Nam và là nguồn nguyên liệu chính cho các ngành công nghiệp sản xuất giấy, ván gỗ, dăm gỗ, đồ gỗ xuất khẩu… Vì vậy, nguồn sinh khối keo rất phong phú và nhiều tiềm năng. |