A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Huyện Lộc Bình: Đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp

Phát triển kinh tế số khi đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử là những biện pháp mà huyện Lộc Bình thực hiện CĐS giúp xây dựng chính quyền kiến tạo.

Phát triển kinh tế số khi đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử; số hóa trong xử lý hồ sơ để giải quyết thủ tục hành chính nhanh chóng, minh bạch... là những biện pháp của huyện Lộc Bình nhằm thực hiện chuyển đổi số (CĐS) giúp xây dựng chính quyền kiến tạo, đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân.

Hòa chung với các địa phương của tỉnh Lạng Sơn, Lộc Bình đã và đang tăng tốc thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TU ngày 28/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về CĐS tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Huyện Lộc Bình: Đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp

Bà Hoàng Thị Thuý - Phó Chủ tịch UBND huyện- kiểm tra tình hình triển khai các nhiệm vụ năm 2023 tại xã Thống Nhất

Bà Hoàng Thị Thúy - Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình - cho biết, Lộc Bình là một địa bàn miền núi còn nhiều khó khăn, kinh tế chủ yếu là nông - lâm nghiệp. Bởi vậy, để có đột phát trong phát triển, “đi tắt, đón đầu” xu hướng toàn cầu hóa, hay tận dụng cơ hội từ cách mạng 4.0, CĐS là “chìa khóa” then chốt. Hiểu rõ điều đó, hàng loạt kế hoạch, công văn đã ra đời chỉ trong vòng vài năm qua nhằm CĐS toàn diện mọi lĩnh vực của huyện, nhằm phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Theo đại diện lãnh đạo huyện, để chuẩn bị cho CĐS, huyện đã tập trung đầu tư vào hạ tầng số. Nhờ vậy, mạng viễn thông đã kết nối thông suốt từ tỉnh đến huyện và các xã, thị trấn, đáp ứng nhu cầu ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin của người dân, doanh nghiệp.

Với tinh thần chung tay xây dựng Chính phủ kiến tạo, đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp, huyện Lộc Bình đã quyết liệt triển khai chính quyền số. Đến nay, huyện đã xây dựng, vận hành hiệu quả Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện theo mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công. Bộ phận này được bố trí hệ thống quầy giao dịch đồng bộ với các trang thiết bị hiện đại như: máy tra cứu thủ tục hành chính, máy lấy số thứ tự giao dịch, máy tính bảng để người dân đánh giá sự hài lòng, máy in, máy scan, máy photo, màn hình hiển thị thông tin, camera giám sát, màn hình tivi… lắp đặt hệ thống wifi, âm thanh, khu vực ngồi chờ có máy lạnh, nước uống, báo, tạp chí phục vụ người dân miễn phí. Các thủ tục được đơn giản, số hóa trong xử lý hồ sơ. Thái độ của cán bộ, công chức phục vụ người dân, doanh nghiệp ân cần, chu đáo, từ đó giải quyết thủ tục hành chính nhanh chóng, thuận tiện, công khai, minh bạch và hạn chế khâu trung gian, rút ngắn thời gian giải quyết so với quy định. Hiện, trên địa bàn, tổng số dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) ở mức độ 3 là 46 thủ tục hành chính (TTHC); mức độ 4 là 149 TTHC.

Bên cạnh chính quyền số, Lộc Bình còn tập trung phát triển kinh tế số. Huyện đã chỉ đạo hướng dẫn nhân dân ở từng khu, thôn kiện toàn Tổ công nghệ số với 209/209 các thôn, khu phố để hướng dẫn cài đặt app Công dân số xứ Lạng, app tài khoản thanh toán điện tử cho người dân từ 15 tuổi trở lên, bảo đảm mục tiêu từ 70% dân số trên địa bàn (từ 15 tuổi trở lên) cài đặt, sử dụng ứng dụng Công dân số xứ Lạng, tài khoản thanh toán điện tử và ứng dụng người mua của sàn thương mại điện tử langson.postmart.vn hoặc langson.voso.vn.

“Huyện luôn chú trọng đẩy mạnh thanh toán điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thanh toán không tiền mặt trên địa bàn huyện. Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, nhóm hộ gia đình tham gia các sàn thương mại điện tử lớn. Ưu tiên hỗ trợ các sản phẩm có thế mạnh, các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, sản phẩm OCOP và các sản phẩm nông nghiệp của huyện” - bà Thúy khẳng định.

Trong thời gian tới, để đưa kinh tế số lên tầm cao mới, huyện sẽ phối hợp thúc đẩy CĐS trong doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo đó, 100% doanh nghiệp sẽ được thông tin, tuyên truyền về CĐS, về chương trình xác định chỉ số đánh giá mức độ CĐS doanh nghiệp thông qua các hình thức như hội thảo, đào tạo, tập huấn, cấp tài liệu. Hỗ trợ doanh nghiệp (đủ năng lực) tự tham gia đánh giá và sử dụng được Bộ chỉ số CĐS. Hơn nữa, huyện cũng sẽ thúc đẩy gia tăng số lượng đơn hàng và giá trị giao dịch nông sản trên các sàn thương mại điện tử, từ đó góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Tận dụng những kết quả trong công tác CĐS làm bàn tựa cho kinh tế - xã hội chuyển mình, thời gian qua, UBND huyện đã khẩn trương thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước cũng như việc triển khai các chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG), Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Chia sẻ thêm về vấn đề phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, đại diện lãnh đạo huyện cho hay, đối với 3 chương trình MTQG, đến nay UBND huyện đã xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện các chương trình; xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết các Dự án, Tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc 3 Chương trình MTQG. Nhờ đó, đến ngày 25/4/2023, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã giải ngân được hơn 11 tỷ đồng, đạt 7,93%; chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) được 3,3 tỷ đồng, đạt 16,57%; chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đạt 0,18% kế hoạch vốn.

Không chỉ vậy, hàng loạt dự án cũng được huyện thực hiện nhằm xây dựng hạ tầng kinh tế xã hội hiện đại. Theo ông Hoàng Văn Tuấn -Giám đốc ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Lộc Bình, địa phương đang triển khai các dự án: Dự án Nhà văn hóa xã Tĩnh Bắc; Dự án Trường Tiểu học Tĩnh Bắc; Dự án Trường Trung học cơ sở Tĩnh Bắc; Dự án Nước sinh hoạt xã Mẫu Sơn; Dự án Nước sinh hoạt xã Xuân Dương; Dự án Đường bê tông xi măng Còn Chào - Khuổi O; Dự án Đường bê tông xi măng Nà Mò - Tà Lạn - Pò Nhàng (GĐ1)... Các dự án này đang được các đơn vị quyết tâm thi công, đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành, đưa vào khai thác, phục vụ nhu cầu của nhân dân.

Huyện Lộc Bình: Đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp

Huyện Lộc Bình: Đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp
Nhà đa năng Ttrường THCS Khánh Xuân đang trong quá trình hoàn thiện
Với sự chuyển mình toàn diện trên mọi lĩnh vực, kinh tế - xã hội của huyện đã không ngừng đi lên. Theo báo cáo của UBND huyện, quý I/2023, tổng diện tích gieo trồng vụ Đông - Xuân được 3.739,5 ha, bằng 83,24% so với cùng kỳ; trồng rừng mới được 156,85 ha; làm mới 7,42 km đường bê tông xi măng. Hoạt động thương mại, dịch vụ, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại Lộc Bình ổn định; giải ngân vốn đầu tư đến ngày 25/4/2023 đạt 16,65% kế hoạch vốn giao.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết