A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khơi dậy sức sáng tạo, tự chủ trong nhân dân

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở đã thường xuyên đổi mới, triển khai thực hiện hiệu quả công tác dân vận (CTDV) bằng nhiều mô hình hay, cách làm cụ thể, thiết thực. Qua đó, khơi dậy sức sáng tạo, tính tự chủ trong nhân dân, góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội (KT-XH), bảo đảm quốc phòng, an ninh...

Những việc làm thiết thực, cụ thể

Nhiều năm qua, tỉnh Quảng Ninh trở thành điểm sáng trong cả nước về cải cách hành chính, thu hút đầu tư; 6 năm liên tiếp (2017-2022) dẫn đầu toàn quốc về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; 4 năm liên tiếp (2019-2022) dẫn đầu toàn quốc về chỉ số hài lòng của người dân và tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước; năm 2022 dẫn đầu toàn quốc về chỉ số cải cách hành chính...

Đội ngũ y, bác sĩ của Vùng Cảnh sát biển 2 khám bệnh, tư vấn sức khỏe cho nhân dân tại xã đảo Nhơn Châu (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) 

Đạt được kết quả trên, theo đồng chí Nguyễn Văn Hồi, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Ninh: Một trong những giải pháp quan trọng là đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, đề cao đạo đức công vụ, tinh thần trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương, ý thức phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo cho sự phục vụ.

Chính quyền các cấp thực hiện nghiêm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của nhân dân, nhất là thực hiện việc đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu chính quyền với nhân dân, quyết liệt thực hiện mục tiêu “3 tăng” (tăng tính tự giác, sự gương mẫu, nhận thức, trách nhiệm đối với công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường hiệu lực, hiệu quả; tăng cường niềm tin của người dân, doanh nghiệp); “3 giảm” (giảm đơn thư khiếu nại, tố cáo; giảm số vụ việc; giảm số đầu mối cơ quan, đơn vị không tự kiểm tra, tự phát hiện, tự xử lý các vụ việc tham nhũng, tiêu cực, lãng phí); “3 không” (không để phát sinh “điểm nóng” về khiếu nại, tố cáo, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; không được để xảy ra mất đoàn kết nội bộ; không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thờ ơ, vô cảm đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo)...

Không riêng Quảng Ninh, tại các địa phương, đơn vị, CTDV được cấp ủy đảng, chính quyền đổi mới theo hướng gần dân, trọng dân, có trách nhiệm với dân. Điển hình như các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, Bình Thuận trực tiếp đối thoại với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục, đội ngũ trí thức để nắm bắt tâm tư, giải quyết kịp thời những kiến nghị, thắc mắc. Tỉnh Thái Nguyên xây dựng ứng dụng công dân số Thái Nguyên (C-ThaiNguyen) với mục tiêu công dân, doanh nghiệp là trung tâm để chuyển đổi số, phát triển dịch vụ thông minh; là kênh tương tác giữa chính quyền và người dân để cung cấp các thông tin nhanh chóng, chính xác, kịp thời trên nhiều lĩnh vực...

Đánh giá về kết quả CTDV trong thời gian vừa qua, đồng chí Phạm Tất Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương khẳng định: CTDV của hệ thống chính trị tiếp tục có đổi mới, chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện các mục tiêu KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân. Các cấp ủy, tổ chức đảng đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo CTDV, kịp thời thể chế hóa các văn bản của Trung ương và cấp ủy cấp trên phù hợp với thực tiễn địa phương, đơn vị. CTDV của các cơ quan nhà nước có nhiều đổi mới theo hướng gần dân, trọng dân, có trách nhiệm với dân, tập trung cải cách hành chính, thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp...

Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo

Hơn một năm nay, người dân ở các khu dân cư trên địa bàn phường Hòa Xuân (Cẩm Lệ, Đà Nẵng) rất hài lòng với mô hình “Tổ hỗ trợ công dân lưu động”. Theo đó, “Tổ hỗ trợ công dân lưu động” (có 11 thành viên, gồm lãnh đạo phường, công chức chuyên môn các lĩnh vực: Tư pháp-hộ tịch, văn hóa-xã hội, địa chính-xây dựng...) tổ chức hoạt động mỗi tháng hoặc mỗi quý một lần, theo cụm dân cư vào thứ bảy hoặc chủ nhật, tại nhà sinh hoạt cộng đồng các khu dân cư để hỗ trợ giải quyết những khó khăn, vướng mắc của công dân liên quan đến thủ tục hành chính. Theo lãnh đạo Ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng, đây chỉ là một trong gần 700 mô hình “Dân vận khéo” trên địa bàn thành phố được các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội triển khai, thực hiện trong nhiều năm qua.

Tại hội nghị toàn quốc sơ kết CTDV mới đây do Ban Dân vận Trung ương tổ chức tại TP Đà Nẵng, các địa phương, đơn vị đã chia sẻ nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trong tiến hành CTDV và Phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Thiếu tướng Ngô Thanh Hải, Cục trưởng Cục Dân vận (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam), chia sẻ: Với phương châm “hướng về cơ sở” và tinh thần “ở đâu gian khó, ở đó có bộ đội”, “giúp dân là mệnh lệnh trái tim”, CTDV của Quân đội đã xây dựng và nhân rộng được nhiều mô hình hiệu quả, đặc biệt ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), vùng có đông đồng bào theo tôn giáo sinh sống.

Nổi bật như mô hình “Tăng cường gắn kết thân thiện, hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào dân tộc, tôn giáo” của Quân khu 7. Trong 7 tháng của năm 2023, Quân khu 7 đã xây tặng 150 căn nhà tình nghĩa quân-dân, 6 công trình văn hóa, thể dục-thể thao trong các cơ sở tôn giáo, vùng đồng bào DTTS. Binh đoàn 15 với mô hình “Gắn kết giữa hộ công nhân người Kinh với hộ đồng bào DTTS”, hiện gắn kết hơn 4.000 hộ dân trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên; tặng gần 350 con bò, 250 con lợn lai giống cho gần 400 hộ nghèo, hộ cận nghèo người đồng bào DTTS các xã biên giới. Với mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”, Chương trình “Nâng bước em tới trường” của Bộ đội Biên phòng và Dự án "Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường", các đơn vị đã nhận nuôi 400 học sinh, nhận hỗ trợ 5.437 học sinh. 

Ngoài ra, qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, từ việc thực hiện chủ trương xóa hộ đói, giảm hộ nghèo, 5 năm qua, các cơ quan, đơn vị trong toàn Quân khu 5 đã huy động hơn 20 tỷ đồng hỗ trợ xoá hơn 500 hộ đói nghèo trên địa bàn. 36/36 đầu mối trực thuộc Quân khu 5 giúp 3.278 hộ (986 hộ đói, 2.292 hộ nghèo), trong đó có 763 hộ hoàn vốn và làm ăn có lãi, 1.842 hộ thoát nghèo bền vững, giúp cho nhiều xã giảm được tỷ lệ và hoàn thành tiêu chí giảm nghèo.

Có thể nói, kết quả đạt được trong CTDV, với những cách làm sáng tạo, mô hình, điển hình dân vận khéo được nhân rộng, lan tỏa tích cực trong xã hội đã khơi dậy sức sáng tạo, tính tự chủ trong nhân dân, góp phần quan trọng hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết