A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những “đại sứ” của thổ cẩm

Tôi đến buôn Tơng Jú, xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) để gặp chị H’Yam Buôn Krông (hay còn gọi là Amí Lin) - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dệt thổ cẩm Tơng Bông nhân dịp chị vừa trở về sau chuyến ra Bắc để tiếp thị sản phẩm thổ cẩm của HTX.

Được hỏi về cách thức tiếp thị, Amí Lin cho hay, ngoài tìm hiểu sở thích của khách hàng để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, chị còn mang cả vốn văn hóa thổ cẩm của người Êđê ra quảng bá, giới thiệu và trải nghiệm với mọi người tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).

Chị thấy điểm đến du lịch, văn hóa này là nơi lý tưởng để tiếp thị thổ cẩm, bởi bên cạnh những sản phẩm (như áo, váy, tấm đắp, khăn choàng) được các nghệ nhân trong HTX ra đây thực hiện và trình diễn trước sự chứng kiến của du khách/khách hàng thì chị em còn trực tiếp hướng dẫn, giới thiệu tường tận và sâu sắc về sản phẩm thủ công truyền thống đặc sắc của dân tộc mình như những “đại sứ văn hóa” thực thụ.

Amí Lin (thứ hai từ phải sang) hướng dẫn kỹ thuật chắp vải khi dệt thổ cẩm Êđê cho lớp trẻ. Ảnh: Hoàng Gia

Rằng thổ cẩm là một loại vải thô được dệt thủ công bằng tay của các dân tộc thiểu số. Ở đó, tùy vào óc tư duy nghệ thuật và trình độ phát triển kinh tế mà mỗi dân tộc có mỗi cách phô diễn khác nhau về kỹ thuật dệt, màu sắc và đường nét hoa văn… nhằm đạt đến một giá trị văn hóa nhất định. Amí Lin chia sẻ, so với các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, người Êđê có truyền thống và bản sắc thổ cẩm khá ấn tượng.

Trong kỹ thuật dệt của họ chủ yếu dùng phương pháp chắp vải để tạo hoa văn và việc bố cục màu sắc là hết sức quan trọng - hầu hết nghệ nhân dệt thổ cẩm và quảng bá sản phẩm này đến du khách đều lưu ý và nhấn mạnh điều đó.

Nếu hiểu được những yếu tố văn hóa được chứa đựng trong đó thì không những khách hàng ưa chuộng, yêu thích mà cả cộng đồng (chủ thể) của vốn văn hóa làng nghề truyền thống ấy, hẳn ai cũng ra sức nâng niu, gìn giữ. 

 

“Việc tìm cách giới thiệu và quảng bá văn hóa thổ cẩm đến với mọi người được chúng tôi và cả cộng đồng hết sức quan tâm. Bởi đó là cầu nối để đưa khách hàng đến với mặt hàng giàu bản sắc này nhằm gìn giữ, phát triển văn hóa một cách hiệu quả và bền vững” – Nghệ nhân dệt thổ cẩm H’Yam Buôn Krông.

Hiện nay có không ít làng nghề thổ cẩm trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột hướng tới việc kết hợp với ngành du lịch để vực dậy hoạt động sản xuất, kinh doanh mặt hàng truyền thống này. Trong đó có HTX Dệt thổ cẩm Tơng Bông với điểm du lịch cộng đồng buôn Tơng Jú đang nổi lên như điểm đến trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa thổ cẩm tiêu biểu của người Êđê.

Amí Lin tâm sự: Qua giới thiệu, quảng bá của các nghệ nhân ở đây về thổ cẩm, du khách tỏ ra thích thú thật sự, nhờ vậy một số mặt hàng chủ lực và công phu nhất như váy, khố, áo, tấm đắp… được bán với giá khá cao, đủ để giúp chị em trang trải cuộc sống và tái đầu tư sản xuất. Đây là hướng đi bền vững và hiệu quả trong bối cảnh đầu ra cho mặt hàng thổ cẩm nói chung của các dân tộc thiểu số ở đây còn gặp rất nhiều khó khăn.

Những lần đi tiếp thị như thế, không chỉ tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), mà ở một số thành phố khác như Huế, Đà Nẵng, Nha Trang và TP. Hồ Chí Minh…, Amí Lin nhận ra bất kỳ một ngành nghề nào, một khi vốn văn hóa ẩn chứa trong đó thật sự lan tỏa đến với người tiêu dùng thì sức sống của nó là rất lớn, rất giàu tiềm năng.

Vấn đề ở đây là làm sao người dệt thổ cẩm và am hiểu nó phải tìm cách đưa vốn văn hóa ấy đến với khách hàng dưới nhiều hình thức, góc độ và không gian khác nhau.

Vì thế, Amí Lin luôn sẵng sàng “khăn gói” lên đường tiếp thị cho thổ cẩm của mình một khi có cơ hội, bất kỳ ở đâu. Bởi theo nghệ nhân dệt/hiểu biết thổ cẩm lão luyện này thì hầu hết các HTX dệt thổ cẩm ở đây hoặc là do thiếu sự đầu tư (vốn, kỹ năng tiếp thị) hoặc là do sự liên kết, hợp tác giữa ngành du lịch với các điểm đến/làng nghề còn lỏng lẻo, không thường xuyên nên chưa tạo được động lực và cơ hội cho thổ cẩm “lột xác” vươn lên.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết