A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những tấm gương phụ nữ dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi

Vượt qua những rào cản, nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số không chỉ vươn lên làm giàu mà còn giúp đỡ, truyền cảm hứng cho chị em khác cùng tiến bộ.

Về ấp Phú Đức, xã Long Phú (Sóc Trăng) hỏi thăm chị Súc Thị Mỹ Lệ, người dân tộc Khmer, ai cũng biết. Không phải vì chị là hội viên Chi Hội Phụ nữ ấp Phú Đức, xã Long Phú mà bởi đây là tấm gương phụ nữ dân tộc thiểu số thoát nghèo vươn lên làm kinh tế giỏi ai cũng ngưỡng mộ.

Những tấm gương phụ nữ dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi
Chị Súc Thị Mỹ Lệ, người dân tộc Khmer ở ấp Phú Đức, xã Long Phú (Sóc Trăng). Ảnh VOV

Trước đây, gia đình chị Lệ cũng là hộ nghèo, không có đất sản xuất nên cuộc sống khá chật vật. Nhờ tiếp cận được nguồn vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội, chị đã mạnh dạn đầu tư mô hình trồng sen - nuôi bò để phát triển kinh tế.

Hiện nay, gia đình chị sở hữu 2 con bò nái, 3 con bò trưởng thành. Riêng mô hình trồng sen, chị thuê 10 công đất để trồng, chia thành 2 đợt trồng xen kẽ để thu hoạch quanh năm và có nguồn giống để tái sản xuất cho vụ tiếp theo. Giờ sen nhà chị đã cho thu hoạch 3 ngày 1 lần với hơn 20 kg ngó sen, giá bán 22.000 đồng/kg. Những lúc cao điểm, thu từ 60 - 80kg mỗi lần đã giúp gia đình chị có nguồn thu nhập khá quanh năm.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Đang - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Long Phú, việc triển khai mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện việc làm, thu nhập, đời sống cho phụ nữ được hội rất quan tâm. Hàng năm hội đều duy trì giúp chị em khởi nghiệp hiệu quả mang lại nguồn kinh tế. Thông qua các nguồn vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội, vốn do các chị em phụ nữ đóng góp đã hỗ trợ nhau làm kinh tế, vươn lên khá giả, như: Mô hình nuôi heo nái, nuôi bò, trồng rau trên bờ kinh, nuôi gà, sản xuất rau sạch, trồng sen, hay buôn bán nhỏ…

Không chỉ có gia đình chị Lệ, những tấm gương phụ nữ làm kinh tế giỏi ở ấp Phú Đức hiện nay có thể kể đến như: Chị Nguyễn Thị Chiều, Nguyễn Thị Nghiệp, Nguyễn Thị Vân, Mai Thị Lếch, Súc Thị Liêm…

Rời mảnh đất cửa Nam sông Hậu đến tỉnh miền núi Hòa Bình được nghe về tấm gương chị Bùi Thị Lợi, dân tộc Mường ở xã Chí Đạo, huyện Lạc Sơn đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhờ được tiếp cận “Đề án Hỗ trợ Phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2018 – 2025” của tỉnh Hòa Bình.

Những tấm gương phụ nữ dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi

Chị Bùi Thị Lợi, dân tộc Mường ở xã Chí Đạo, huyện Lạc Sơn, Hòa Bình. Ảnh Phương Liên

Thực hiện Đề án, giai đoạn 2018 – 2020, tỉnh Hòa Bình đặt mục tiêu có khoảng 2.500 lao động nữ được đào tạo, bồi dưỡng nghề; hỗ trợ ít nhất 80 phụ nữ khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh; hỗ trợ thành lập ít nhất 5 hợp tác xã và 10 tổ hợp tác do phụ nữ quản lý; 100% doanh nghiệp của phụ nữ được tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; 80% hội viên phụ nữ được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc làm và khởi nghiệp. Trong giai đoạn 2021 – 2025, tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nghề cho 3.000 lao động nữ; hỗ trợ ít nhất 100 phụ nữ khởi nghiệp; 100% cán bộ chuyên trách Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp và cán bộ các sở, ngành tham gia thực hiện Đề án được tập huấn, bồi dưỡng phương pháp hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh doanh, xây dựng thương hiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Qua thực hiện đề án, chị Bùi Thị Lợi là một trong những tấm gương điển hình phụ nữ khởi nghiệp thành công ở Hòa Bình.

Điều đáng nói, ở xã Chí Đạo nói riêng, vùng dân tộc thiểu số nói chung, chuyện phụ nữ đứng lên làm kinh tế thường không nhận được sự ủng hộ của gia đình và xã hội, bởi định kiến giới luôn cho rằng đó là công việc của đàn ông. Đàn bà chỉ nên quanh quẩn bếp núc, con cái ruộng vườn…

Vượt qua định kiến đó, với quyêt tâm làm giàu, chị Lợi đã “cắm sổ” lương vay vốn ngân hàng; đồng thời thuyết phục bố chồng cho mượn sổ đỏ để thế chấp vay vốn. Có trong tay hơn 500 triệu đồng, cộng với tiền vay anh em, bạn bè, chị Lợi mở hai sân bóng đá mini có tổng mức đầu tư gần 1 tỷ đồng và một quán bia hơi phục vụ tại chỗ. Sau 2 năm, chị Lợi thu lại toàn bộ vốn đầu tư.

Tuy nhiên, 2 năm dịch Covid-19 khiến sân bóng nhà chị phải đóng cửa. Không có nguồn thu, chị xoay ra trồng cây dổi lấy hạt làm gia vị. Chị rủ 10 chị em khác cùng làm công việc ươm, ghép cây giống và làm muối gia vị. Với giá 60 - 70 nghìn đồng/cây dổi ghép, 10.000 đồng/cây dổi ươm; riêng muối gia vị, đến nay, các chị đã có những đơn hàng đặt hàng trăm, hàng nghìn lọ, giúp đời sống của các chị ngày càng nâng cao.

Không chỉ nỗ lực làm kinh tế, chị Lợi giờ còn là Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ xã Chí Đạo. Gánh trên vai trách nhiệm nhiều hơn nhưng chị Lợi luôn mong muốn có cơ hội tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh để khẳng định năng lực bản thân, giúp phát triển kinh tế gia đình, tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều người phụ nữ dân tộc thiểu số khác.

Không giống với hoàn cảnh chị Lợi, chị Lệ nhưng chị Huế (ở vùng cao Bắc Hà, Lào Cai) lại cùng đam mê làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Đầu tháng 9 vừa qua, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức trao giải chung kết Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” cấp vùng khu vực miền Bắc năm 2023, Dự án “Phát triển thương hiệu Trà Trên Núi và bảo tồn cây chè cổ thụ Shan tuyết tại huyện Bắc Hà” của Hợp tác xã Quang Tom, thôn Na Pắc Ngam, xã Tà Chải, huyện Bắc Hà do chị Sải Thị Bích Huế làm chủ đã giành giải Khuyến khích.

Những tấm gương phụ nữ dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi
Chị Sải Thị Bích Huế, dân tộc Phù Lá, Chủ nhiệm HTX Quang Tôm, xã Tà Chải. Ảnh Hội LPPNVN

Sải Thị Bích Huế, sinh năm 1989, dân tộc Phù Lá, Chủ nhiệm HTX Quang Tôm, xã Tà Chải, là người đi đầu trong việc đưa thương hiệu nông sản vùng cao Bắc Hà “bay xa”. Năm 2021, chị Huế xây dựng thành công sản phẩm OCOP 3 sao (mận tam hoa sấy dẻo); năm 2022, sản phẩm trà Shan tuyết cổ thụ cao nguyên trắng đạt sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Các dự án kinh tế của chị đều hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững ngành sản xuất chè ở khu vực huyện Bắc Hà, góp phần tăng thu nhập và tạo việc làm cho người dân trong lĩnh vực nông nghiệp; nâng cao nhận thức của đồng bào về việc bảo tồn cây chè cổ thụ.

Những tấm gương nêu trên chỉ là rất ít trong rất nhiều những điển hình phụ nữ người dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi. Các chị em mỗi người có cách làm kinh tế khác nhau nhưng đều có chung ý chí, nghị lực, tinh thần cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, biết vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần tô thêm hình ảnh đẹp của người phụ nữ nông thôn, phụ nữ dân tộc thiểu số vùng cao.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết