Tăng cường chuyển đổi số trong kết nối tiêu thụ nông sản an toàn
Đến nay, trên địa bàn TP Hà Nội đã có trên 4.000 nữ chủ doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất kinh doanh nông sản, thực phẩm được tham gia các chương trình đào tạo tập huấn, tiếp cận và thực hiện quy trình số hoá dữ liệu, ứng dụng các phần mềm quản lý doanh nghiệp...
Ngày 16/7, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức hội thảo “Phát huy vai trò của tổ chức Hội phụ nữ trong tuyên truyền, kết nối sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Nâng cao nhận thức trong tiêu thụ nông sản
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương, Hà Nội hiện có gần 30 trung tâm thương mại, 130 siêu thị, 455 chợ, hơn 2.500 cửa hàng tiện ích, 1.414 cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn; 159 chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản; 56 điểm trưng bày giới thiệu, quảng bá và kinh doanh sản phẩm đạt OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm).
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương phát biểu tại hội thảo |
Nhận thức rõ vai trò quan trọng của phụ nữ trong sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nông sản, những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội chủ động, tích cực tuyên truyền, phổ biến quy định của Nhà nước, thành phố về kiến thức sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội hướng dẫn, hỗ trợ phụ nữ ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất, xây dựng thương hiệu, kết nối tiêu thụ nông sản qua thương mại điện tử.
Báo cáo tại hội nghị, Phó Chi cục trưởng Chi cục chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội) Hà Tiến Nghi cho biết, trên địa bàn thành phố có 13.739 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản, trong đó có 1.609 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản (doanh nghiệp có nữ làm chủ chiếm khoảng 40%).
Công tác thông tin, truyền thông, phổ biến chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm đã được thực hiện đa dạng, nhiều hình thức. Việc giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm sản phẩm nông, lâm, thủy sản được thực hiện trên diện rộng, tập trung vào sản phẩm có nguy cơ cao.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Sở tăng cường công tác thanh, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời vi phạm. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Sở tổ chức thanh, kiểm tra 73 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản, phát hiện 10 cơ sở vi phạm, xử lý hành chính phạt 417 triệu đồng.
Kết nối tiêu thụ nông sản an toàn
Tại hội thảo, các đại biểu trao đổi, nâng cao kiến thức về quy định quản lý chất lượng nông sản, thực phẩm an toàn; chính sách phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, liên kết vùng; vai trò của phụ nữ trong tuyên truyền và tư vấn tiếp cận chính sách; kỹ năng quảng bá, xúc tiến thương mại trong kết nối tiêu thụ nông sản an toàn; truy xuất nguồn gốc sản phẩm...
Quang cảnh hội thảo |
Chia sẻ về giải pháp hỗ trợ phụ nữ thực hiện chuyển đổi số trong kết nối tiêu thụ nông sản an toàn trên địa bàn TP Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội Nguyễn Thị Hảo nhấn mạnh, thời gian qua, gắn với thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp” Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội đã tham mưu với Ban Thường vụ Hội LHPN Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, tư vấn kết nối chuyên gia, từng bước đã hỗ trợ phụ nữ và nữ doanh nhân tiếp cận với chuyển đổi số và thương mại điện tử.
Đến nay, đã có trên 4.000 nữ chủ doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất kinh doanh nông sản, thực phẩm được tham gia các chương trình đào tạo tập huấn, tiếp cận và thực hiện quy trình số hoá dữ liệu, ứng dụng các phần mềm quản lý doanh nghiệp, quản lý sản xuất kinh doanh chuyển từ giao dịch trực tiếp sang giao dịch trực tuyến để có hiệu quả cao hơn; có 1.870 doanh nhân nữ được hỗ trợ kỹ năng kinh doanh online, tiếp thị liên kết và xây dựng gian hàng trên các kênh mạng xã hội Tiktok, Facebook, Zalo và tạo gian hàng trên các sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada...
Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội kiến nghị, tiếp tục truyền thông nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và giá trị mang lại từ ứng dụng chuyển đổi số, thương mại điện tử để các chủ thể sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm hiểu biết và quyết tâm chuyển đổi tư duy, chủ động học hỏi, nghiên cứu, đầu tư cho lộ trình ứng dụng chuyển đổi số trong cơ sở sản xuất, kinh doanh của mình.
Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị cần tập trung thực hiện quy trình số hoá dữ liệu, ứng dụng công nghệ, ứng dụng kỹ thuật cao, vào quy trình sản xuất, chế biến để tạo ra sản phẩm có chất lượng an toàn, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng tạo được uy tín với cộng đồng.
Các đại biểu tham quan gian hàng nông sản an toàn |
Kết luận hội thảo, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Đình Hoa cho biết, thời gian tới, để tiếp tục phát huy vai trò phụ nữ trong tuyên truyền, kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố tuyên truyền, vận động cán bộ hội viên phụ nữ nhận thức rõ tầm quan trọng của an toàn thực phẩm, thay đổi hành vi, thực hành bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm.
Hai đơn vị cũng sẽ phối hợp vận động hội viên tham gia hoạt động xúc tiến thương mại, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm; tăng cường công tác giám sát việc thực hiện quy định về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; phát huy vai trò của tổ chức chính trị - xã hội cùng cơ quan quản lý trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm vì sức khỏe cộng đồng và phát triển nông nghiệp bền vững...