Tích tụ, tập trung đất nông nghiệp tại Thái Bình: Quả ngọt và những vấn đề đặt ra-Bài 1: Không chấp nhận hoang phí “bờ xôi ruộng mật”
Thái Bình được mệnh danh là “quê lúa, đất nghề, chị Hai năm tấn”, song cũng có lúc trên mảnh đất này xuất hiện tình trạng nông dân không còn mặn mà với đồng ruộng.
Không cuốn theo cơn lốc đô thị hóa để bỏ phí "bờ xôi ruộng mật", Thái Bình đã tìm được hướng đi hiệu quả cho nông nghiệp khi khuyến khích phát triển những cánh đồng mẫu lớn thông qua tích tụ, tập trung ruộng đất. Những nông dân tỷ phú gắn với đại điền đã và đang xuất hiện ở tỉnh Thái Bình, bước đầu khẳng định một xu thế mới trong sản xuất nông nghiệp...
Bài 1: Không chấp nhận hoang phí “bờ xôi ruộng mật”
Quy hoạch quỹ đất nông nghiệp tạo ra những vùng sản xuất chuyên canh, cánh đồng mẫu lớn là giải pháp nhằm nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời cũng là xu thế tất yếu. Thái Bình là một trong những địa phương đi đầu cả nước về tích tụ, tập trung ruộng đất và bước đầu mang lại hiệu quả rõ nét về kinh tế.
Những tỷ phú trên cánh đồng mẫu lớn
Về Thái Bình dịp này, đi dọc các trục đường liên thôn, liên xã được trải bê tông khang trang, hai bên là những cánh đồng lúa vụ chiêm xuân 2024 xanh mướt, rì rào trong gió. Phía xa xa là máy bón phân, máy làm cỏ, thiết bị bay nông nghiệp do nông dân điều khiển đang băng băng trên những thửa ruộng rộng ngút tầm mắt. Sau những ngày ngậm đủ mưa xuân và sự chăm bón của nông dân, lúa bắt đầu trổ lá, xanh mướt.
Dẫn chúng tôi đi thăm cánh đồng liền vùng, liền thửa bằng xe máy, anh Nguyễn Văn Kiên, 36 tuổi, ở thôn Mễ Sơn 1, xã Tân Phong, huyện Vũ Thư phấn khởi nói: Nếu cứ mưa thuận gió hòa, cộng với kỹ thuật chăm sóc, đây sẽ là những cánh đồng bội thu. Thật mừng cho bà con nông dân cả nước, năm 2023 giá lúa gạo tăng đáng kể và dự báo năm 2024 này sẽ tiếp tục tăng cao, tạo động lực cho người sản xuất nông nghiệp.
Trò chuyện với anh Kiên, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi được biết, nếu tính giá lúa gạo ổn định như mọi năm, với hơn 35ha lúa (tương đương gần 970 sào Bắc Bộ), trong đó khoảng 20ha liền vùng, liền thửa, trừ các khoản chi phí, gia đình anh thu lãi khoảng 1,5 tỷ đồng/2 vụ/năm. Anh Kiên chia sẻ thêm, tại Thái Bình, một số hộ manh nha tích tụ ruộng đất đầu tiên vào năm 2015-2016. Năm 2017, anh cũng mạnh dạn học hỏi theo.
Sau 7 năm gắn bó với đồng ruộng theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, gia đình anh đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng để mua máy móc cơ giới như: Máy gặt, máy cấy, máy cày, máy sấy, thiết bị bay nông nghiệp hỗ trợ phun thuốc, bón phân... Điều quan trọng hơn, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên dù diện tích canh tác lớn nhưng vợ chồng anh chỉ cần thuê thêm 2 nhân công.
Ở thôn An Chỉ, xã Bình Nguyên, huyện Kiến Xương, ông Trần Đình Duẩn cũng là một chủ đại điền có tiếng trong vùng. Gắn bó với đồng ruộng từ nhỏ, đã quen với từng gốc rạ, bờ mương, nhưng ông kể chưa khi nào chứng kiến sự đổi thay lớn cả trên quy hoạch đồng ruộng lẫn trong tư duy sản xuất như bây giờ. Trước đây, ông nghe ở nhiều địa phương trên cả nước làm cánh đồng mẫu lớn, đã từng ước ao một ngày được lái máy làm đất, máy cày, máy cấy, máy làm mạ, máy gặt... băng băng trên cánh đồng rộng lớn của chính mình. Tưởng đó là điều xa vời, nhưng hiện nay ở Thái Bình đã không còn xa lạ.
Người dân huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình thu hoạch lúa trên cánh đồng mẫu lớn. Ảnh: TRỊNH CƯỜNG |
Hiện gia đình ông có khoảng 10ha đất ruộng (tương đương gần 280 sào), trong đó chủ yếu là từ thuê mượn của hộ dân không có nhu cầu canh tác, rồi lại dồn điền đổi thửa với những hộ khác để tạo thành cánh đồng mẫu lớn. Theo ông Duẩn, diện tích mỗi thửa ruộng càng lớn bao nhiêu thì chi phí càng giảm bấy nhiêu và theo đó mà lãi càng lớn bấy nhiêu. Tính ra 1 sào lúa ông lãi khoảng 500-600 nghìn đồng. “Cấy một giống lúa trên diện tích lớn nên việc làm đất, gieo trồng, phòng trừ sâu bệnh được làm tập trung, kết hợp đưa khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa vào các khâu sản xuất đã khẳng định trồng lúa là có lãi và có thể làm giàu”, ông Trần Đình Duẩn phấn khởi cho biết.
Trên đây chỉ là hai trong số rất nhiều nông dân ở Thái Bình đứng ra vận động bà con trong xã cho thuê, mượn đất nông nghiệp để hình thành những cánh đồng mẫu lớn. Năm 2019, nhóm những người canh tác lúa với diện tích quy mô lớn tại Thái Bình tập hợp nhau dưới tên gọi “Hội những người cấy lúa quy mô lớn”. Khi đó, có 7-8 hộ cấy lúa quy mô tính theo đơn vị héc-ta tại huyện Kiến Xương. Theo thời gian, đến năm 2022, Hội này đổi tên thành “Câu lạc bộ Đại điền” với hơn 300 thành viên, sản xuất lúa quy mô từ vài chục héc-ta trở lên.
Câu lạc bộ đã giúp các thành viên tiếp cận các chủ trương, cơ chế, chính sách của tỉnh trong thúc đẩy tích tụ, tập trung đất nông nghiệp và tổ chức sản xuất quy mô lớn, tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật hiện hành; lan tỏa kinh nghiệm, cách làm hay, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả trong việc tổ chức sản xuất trồng trọt quy mô lớn giữa các thành viên... Nhiều chủ đại điền do có sẵn máy móc, ngoài phục vụ cho sản xuất của gia đình còn đang triển khai song song dịch vụ nông nghiệp như cày bừa, cấy, phun thuốc trừ sâu.
Phong trào sâu rộng trong toàn tỉnh
Tích tụ, tập trung ruộng đất là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước để tiến đến một nền sản xuất nông nghiệp hiện đại. Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiếp tục khẳng định: Đất đai là sở hữu toàn dân, Nhà nước thống nhất quản lý theo quy hoạch, kế hoạch để sử dụng có hiệu quả; giao đất cho hộ gia đình sử dụng lâu dài; mở rộng hạn mức sử dụng đất, thúc đẩy quá trình tích tụ đất đai đã giải phóng sức sản xuất của đất, góp phần, làm thay đổi diện mạo nông thôn.
Kế thừa Nghị quyết số 26-NQ/TW, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết số 19-NQ/TW tiếp tục đặt ra yêu cầu sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật đất đai bảo đảm quản lý, sử dụng bền vững, hiệu quả đất nông nghiệp, thúc đẩy tích tụ, tập trung, sử dụng linh hoạt, hiệu quả đất lúa; khắc phục tình trạng bỏ hoang, làm thoái hóa đất; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người có đất bị thu hồi theo đúng quy định của pháp luật...
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình khẳng định, đất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, chia thành nhiều thửa, sản xuất chắc chắn không hiệu quả. Việc tích tụ ruộng đất, cơ giới hóa vào phát triển nông nghiệp thu được sản lượng, hiệu quả cao trong sản xuất tại Thái Bình thời gian qua đã minh chứng đây là xu hướng tất yếu. Đến nay, chủ trương này ở Thái Bình được người dân đồng tình ủng hộ, xác định là hướng đi đúng đắn.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình, việc tích tụ đất đai để sản xuất nông nghiệp đã tạo hiệu quả rõ rệt về kinh tế, giảm chi phí đầu vào khoảng 2,6 triệu đồng/ha, thuận lợi để đầu tư máy móc, trang thiết bị sản xuất, thực hiện đồng bộ cơ giới hóa từ khâu làm đất đến thu hoạch, bảo quản, bảo đảm sản lượng, tỷ lệ đồng đều về chất lượng, mẫu mã nông sản cao, thu hút được nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thu mua và bao tiêu sản phẩm theo hợp đồng liên kết.
“Nếu như trước đây, các hộ dân sản xuất lúa manh mún, nhỏ lẻ hầu như không có lãi thì giờ đây các đại điền đều là những người say mê làm nông nghiệp, có tư duy làm ăn lớn. Các mô hình liên kết sản xuất trồng trọt quy mô lớn gắn với bao tiêu sản phẩm nông sản đã chứng minh hiệu quả kinh tế đạt cao hơn từ 1,5 đến 2 lần so với sản xuất truyền thống”, đồng chí Trần Quốc Dương, Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình) nêu rõ.
Số liệu tổng hợp từ các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Thái Bình cho biết, tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 1.910 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện tích tụ, tập trung đất nông nghiệp với diện tích sản xuất trồng trọt là 7.843ha; bình quân 4,1ha/tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Các huyện đi đầu trong phong trào tích tụ, tập trung ruộng đất là Quỳnh Phụ, Đông Hưng và Kiến Xương, Vũ Thư. Huyện có số hộ tích tụ, tập trung nhiều nhất là Quỳnh Phụ với gần 308 hộ; huyện có diện tích tích tụ, tập trung nhiều nhất là Kiến Xương: 1.411ha. Toàn tỉnh hiện có 150 hộ tập trung, quy mô trên 10ha và 322 hộ có quy mô 5-10ha.
Bên cạnh đó, mấy năm nay, mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân ở huyện Vũ Thư được nhắc đến như một điển hình nhờ tích tụ, tập trung được ruộng đất. Đó là Tập đoàn TH đã tập trung được 100ha để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao An Thái tập trung hơn 30ha đầu tư xây dựng trung tâm công nghệ cao sản xuất, kinh doanh cây trồng an toàn theo chuỗi tại xã Việt Thuận; Công ty Cổ phần Thương mại Dược-Vật tư y tế Khải Hà tập trung hơn 50ha để trồng dược liệu. Nhờ có doanh nghiệp vào đầu tư đã tạo ra những vùng sản xuất chuyên canh, cánh đồng mẫu lớn, mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời góp phần tạo việc làm cho người lao động địa phương.
Những hình thức tích tụ, tập trung đất đai
Qua tìm hiểu chúng tôi nhận thấy, ở Thái Bình hiện có 3 hình thức tích tụ, tập trung đất đai. Hình thức chính hiện nay vẫn là thuê, mượn ruộng đất (chiếm hơn 90% tổng diện tích đất tích tụ, tập trung), do người dân tự thỏa thuận với thời gian thuê mượn ngắn (dưới 5 năm), hoặc không giao hẹn thời gian rõ ràng và không thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định. Tại một số huyện như Kiến Xương, Đông Hưng, Quỳnh Phụ đã bắt đầu hình thành diện tích tích tụ, tập trung quy mô lớn vài chục đến hơn 100ha theo hình thức này, giá thuê ruộng dao động khoảng 30kg thóc/sào/năm.
Ngoài ra, còn có hình thức chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, nhưng chiếm số lượng không nhiều (gần 5%) trong tổng số diện tích đất tích tụ. Một hình thức khác bắt đầu xuất hiện là xây dựng cánh đồng mẫu lớn, hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản-hình thức tích tụ góp vốn bằng quyền sử dụng đất của các hộ sản xuất. Doanh nghiệp ký hợp đồng trực tiếp với các hộ nông dân hoặc thông qua hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp để có sản phẩm đồng loạt, chất lượng theo yêu cầu của doanh nghiệp trên cơ sở nhu cầu của thị trường.
Có thể thấy, vẫn là những mảnh ruộng, thửa vườn bao đời gắn bó với nông dân, nhưng nhờ có đột phá trong tư duy, đổi mới trong cơ chế chính sách, nhiều nông dân trong tỉnh đang trở thành những triệu phú, tỷ phú ngay trên chính thửa ruộng, mảnh vườn của mình. Quá trình khảo sát của phóng viên Báo Quân đội nhân dân tại Thái Bình, nhiều nông dân đang “sở hữu” 30-35ha đất nông nghiệp, khi chúng tôi đặt vấn đề là nếu vẫn còn đất nông nghiệp để tích tụ thì có “dám” làm tiếp không, họ đã trả lời dứt khoát “có”. Câu trả lời đầy tự tin là minh chứng rõ nét, khẳng định hiệu quả của chủ trương khuyến khích tích tụ, tập trung đất nông nghiệp ở Thái Bình; đồng thời thể hiện mạnh mẽ tư duy dám nghĩ lớn, làm lớn, khát khao vươn lên làm giàu từ đồng ruộng của người dân quê lúa.
(còn nữa)