Xây dựng thương hiệu cho nông sản xuất khẩu - yêu cầu cấp bách
Nước ta có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu hàng đầu thế giới nhưng lại có đến 80% sản lượng chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có lô-gô, nhãn mác riêng. Đây là một trong những lý do dẫn đến tình trạng xuất khẩu nhiều nhưng thiếu ổn định, giá trị xuất khẩu chưa cao. Do vậy, thúc đẩy xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam là việc làm cấp bách trong bối cảnh hiện nay.
Nền kinh tế hội nhập càng sâu, việc xây dựng thương hiệu càng quan trọng. Mục đích của xây dựng thương hiệu là tạo ra một dấu ấn đặc biệt, một cái tên độc đáo, một hình ảnh đặc trưng và giá trị độc nhất vô nhị “ghim” vào trí nhớ của khách hàng. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể bán được sản phẩm với giá cao hơn, đem về nhiều giá trị hơn. Kinh nghiệm thực tiễn của nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, để thành công trong việc thúc đẩy tiêu thụ nông sản tại các thị trường xuất khẩu, đem về giá trị, lợi nhuận cao, rất cần chú trọng gây dựng, bảo vệ và gìn giữ thương hiệu.
Theo các chuyên gia, Việt Nam đã thành công trong việc cung cấp nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp thực phẩm trên thế giới, tuy nhiên, vấn đề thương hiệu chưa được chú trọng. Vấn đề này mới được đề cập chung chung, chưa cụ thể và nằm rải rác ở các quyết định, chương trình; chưa có chiến lược, chương trình tổng thể đặc thù cho việc xây dựng thương hiệu nông sản xuất khẩu... Bởi vậy, việc xây dựng thương hiệu nông sản đến nay chưa đạt được mục tiêu như mong muốn.
Lô xoài tượng da xanh đầu tiên của một doanh nghiệp ở TP Cần Thơ xuất khẩu đi thị trường Mỹ và Australia. Ảnh: THÚY AN |
Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tập đoàn Phúc Sinh cho rằng: “Nông sản Việt Nam vẫn chưa có một thương hiệu mạnh được người tiêu dùng thế giới biết đến rộng rãi. Chúng ta được biết tới là nhà xuất khẩu nguyên liệu lớn nhưng không được biết tới là những nhà xuất khẩu có thương hiệu. Các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới không có tên của Việt Nam. 10, 15, 20 năm trước, chúng ta làm rất tốt việc sản xuất nguyên liệu, đã ăn no, mặc ấm, nhưng bây giờ chúng ta cần nghĩ đến việc xây dựng thương hiệu”.
Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam cung cấp rất nhiều nông sản cho thế giới, nhưng quan trọng là phải chọn lựa được sản phẩm độc đáo, có lợi thế cạnh tranh để tập trung xây dựng thương hiệu. Có sản phẩm khác biệt rồi thì phải có tiêu chuẩn chất lượng và phải có chiến lược marketing mang tầm quốc gia... Thực trạng đáng buồn hiện nay là mặc dù một số thương hiệu nông sản trong nước có chất lượng vượt trội nhưng doanh nghiệp không đủ tiềm lực tài chính để xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ xuất khẩu. Điều này đòi hỏi sự quan tâm nhiều hơn của cơ quan nhà nước, sự hỗ trợ từ các chính sách phù hợp, giúp doanh nghiệp nông sản mạnh lên.
Ông Lê Thanh Hòa, Phó cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: “Nhiều doanh nghiệp Việt Nam là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thiếu vốn, thiếu kỹ năng, kiến thức trong việc làm thương mại, đặc biệt là thương mại quốc tế. Đây là những hạn chế mà tôi nghĩ trong thời gian tới chúng ta phải khắc phục để tham gia vào sân chơi này. Chúng ta cung cấp nguồn nguyên liệu cho rất nhiều doanh nghiệp sản xuất thực phẩm lớn của thế giới, nhưng sản phẩm cuối cùng thì lại không được gắn nhãn mác “Made in Việt Nam”. Đây là vấn đề mà cơ quan quản lý nhà nước phải ý thức được để có những chính sách ưu đãi tốt hơn về vốn, hạ tầng, giúp các doanh nghiệp đủ tầm đưa các sản phẩm có chất lượng ra thị trường thế giới với thương hiệu Việt Nam”.
Theo ông Trần Văn Trung, Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Hải Âu Việt, xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam là vấn đề cấp bách. Song song với đó, doanh nghiệp và ngành chức năng cũng cần quan tâm đến công tác bảo hộ thương hiệu. Việc làm này sẽ giúp các doanh nghiệp hạn chế tối đa những thiệt hại do khai thác, sử dụng nhãn hiệu bất hợp pháp từ các chủ thể khác, từ đó có thể bảo đảm được uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu trên thị trường. Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cũng phải đáp ứng tốt các yêu cầu của đối tác, tổ chức sản xuất để đáp ứng được số lượng, chất lượng, giá cả; quan tâm khâu tổ chức sản xuất để xây dựng vùng nguyên liệu ổn định cho mỗi loại nông sản đặc thù.