Tiêu điểm
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cà Mau: Nông dân ‘đổi đời’ nhờ xuất khẩu cua sống sang Trung Quốc tăng mạnh

Trong 9 tháng đầu năm, xuất khẩu cua sống Cà Mau sang thị trường Trung Quốc tăng trưởng gấp 16 lần so với cùng kỳ.

Cua Cà Mau đắt hàng, nông dân phấn khởi

Theo người dân, nghề nuôi cua không chỉ có ở Cà Mau, mà đã hình thành và phát triển từ những năm 1990 ở nhiều tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Ban đầu, người dân tận dụng môi trường tự nhiên thả cua giống vào đầm, rừng ngập mặn để cua tự lớn lên. Cùng với giá trị cua ngày càng cao, người Cà Mau đã thành công trong việc thuần hóa cua biển trở thành cua nuôi vuông hoặc nuôi thâm canh cùng với tôm sú.

Cà Mau nổi tiếng và gắn liền với thương hiệu “cua Cà Mau”, “vựa cua” hay “thủ phủ cua” lớn nhất cả nước. Theo lý giải của người dân, cua nơi đây “xưng bá, xưng vương” vì được thiên nhiên ưu đãi, là vùng "hạp đất, hạp nước", rất phù hợp để cua sinh sôi và phát triển.

Thương lái phân loại Cua Cà Mau tại vựa. Ảnh Ngân Nga
Thương lái phân loại Cua Cà Mau tại vựa. Ảnh Ngân Nga

Một hộ dân ở vùng Lâm Hải, huyện Năm Căn cho biết, để nói về cua ngon nhất phải kể đến các vùng như: Năm Căn, Ngọc Hiển và Đầm Dơi. Những nơi này có độ mặn, nguồn nước phù sa, dòng chảy, chất đất, tán rừng đước... giúp cua đầy thịt, nhiều gạch và giàu dinh dưỡng hơn so với các nơi khác.

Nghề nuôi cua chủ yếu tốn tiền mua cua giống và phân thuốc xử lý môi trường trước khi thả giống. "Đầu tiên là chọn giống tốt, dèo trong ao đất khoảng 4 tuần, cho ăn giặm. Giai đoạn hai là thả vào hầm nuôi đã được cải tạo giống như đầm tôm công nghiệp, mật độ khoảng 1m²/con. Cần chú ý xử lý nguồn nước, tạo thức ăn tự nhiên cho cua hoặc bổ sung thức ăn khi cua lột vỏ. Khoảng 4 tháng là cua đạt trọng lượng thu hoạch", một hộ dân chia sẻ.

So với trước đây, quy trình kỹ thuật nuôi cua tại Cà Mau ngày càng tiến bộ hơn, từ kiểm soát môi trường, chăm sóc sức khỏe cua, bổ sung thức ăn trong ao nuôi đến cải tiến phương pháp thu hoạch. Nghề nuôi cua hiện nay đã được tính toán theo hướng bền vững và chất lượng cua ngày càng tốt hơn.

Chị Nguyễn Thị Hương, chủ một vựa cua ở huyện Năm Căn, cho biết hiện nay sản phẩm cua sống rất được thị trường Trung Quốc ưa chuộng nên luôn đắt hàng. Gia đình chị huy động cả nhà làm nghề cua, chồng chị đi gom cua từ các đầm, còn chị và các con ở nhà lựa cua, buộc và đóng thùng. Do cua khan hiếm, mỗi đêm gia đình chị chỉ gom được khoảng chục kiện cua (mỗi kiện 25 kg) để nhập cho thương lái.

Cua sống đạt chuẩn được xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh Ngân Nga
Cua sống đạt chuẩn được xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh Ngân Nga

Anh Nguyễn Văn Hùng, một chủ vựa cua ở huyện Cái Nước, cho biết anh đã làm nghề buôn cua hơn 10 năm, nhưng chưa năm nào thị trường Trung Quốc lại sôi động như năm nay. Mỗi ngày, anh đi gom cua từ các đầm lân cận, sau đó về lựa từng loại, buộc dây và đóng gói. Khoảng 8 – 10 giờ đêm, xe tải của bên vận chuyển sẽ đến nhà bốc hàng, sau đó cua được chuyển ra sân bay để xuất sang Trung Quốc.

Anh Hùng cũng chia sẻ, hiện có rất nhiều thương lái người Trung Quốc đổ về Cà Mau để gom cua, bao nhiêu họ cũng mua hết. Tuy nhiên, giá cả từng loại cua do họ quyết định, chứ không phải chủ vựa hay người nông dân.

Hiện nay, nghề nuôi cua ở Đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu tập trung tại các tỉnh Long An, Trà Vinh, Kiên Giang, Bạc Liêu và nhiều nhất là Cà Mau. Nghề nuôi cua biển của Cà Mau có nhiều điểm khác biệt nhờ điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, nguồn nước rất phù hợp với sự phát triển của con cua.

Với đặc thù ba mặt giáp biển, Cà Mau có điều kiện lý tưởng cho các loại thủy sản phát triển, trong đó ngành cua đang được tỉnh Cà Mau chú trọng. Một lợi thế khác mà ít địa phương nào có được là diện tích rừng ngập mặn hơn 80.000 ha, đã góp phần tạo nên sản phẩm cua chất lượng, được đánh giá là ngon nhất cả nước.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, tỉnh này hiện có khoảng 250.000 ha nuôi cua xen canh. Cua là sản phẩm chủ lực, góp phần quan trọng vào thu nhập của người nuôi thủy sản (chỉ đứng sau tôm). Trong đó, diện tích nuôi cua kết hợp với tôm trong vùng rừng ngập nước được chứng nhận sinh thái, hữu cơ và các chứng nhận khác là gần 20.000 ha (với 9 loại chứng nhận), sản lượng đạt khoảng 2.000 tấn/năm. Phần lớn diện tích còn lại được nuôi theo hình thức tự nhiên, hướng đến sinh thái trong vuông nuôi thủy sản.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), các mặt hàng tươi sống tăng trưởng mạnh nhất, bao gồm cua tăng gấp 16 lần, đặc biệt là cua Cà Mau. Ốc tăng 603%, nghêu tăng 215% và tôm hùm tăng 139%... Đáng chú ý, Trung Quốc nhập 68.400 tấn cua sống, trị giá 1,14 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm. Nhập khẩu tôm hùm cũng tăng 15% về lượng và 14% về giá trị, đạt 37.000 tấn, trị giá trên 1 tỷ USD.

Giá cao hay thấp do đầu nậu quyết định

Cua Cà Mau được đánh giá là sản phẩm đặc sản, có chất lượng vượt trội, được người tiêu dùng trong và ngoài nước rất ưa chuộng. Tuy nhiên, cua Cà Mau chủ yếu xuất tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc nên gặp nhiều rủi ro, bị đối tác thao túng giá cả và khó tổ chức sản xuất theo hướng bền vững.

Giá thu mua Cà Mau do đầu nậu quyết định. Ảnh IT
Giá thu mua cua Cà Mau do đầu nậu quyết định. Ảnh IT

Theo tìm hiểu của Báo Công Thương, sản phẩm cua Cà Mau xuất sang Trung Quốc đang gặp nhiều rủi ro về giá cả, không ổn định và chưa được tổ chức sản xuất bền vững. Bên cạnh đó, các vấn đề về dịch bệnh trên cua, đánh cắp thương hiệu và những bất cập trong khâu vận chuyển… là những thách thức lớn đối với thương hiệu cua Cà Mau.

Một doanh nghiệp xuất khẩu cua chia sẻ: "Cua sống của Việt Nam khi xuất sang Trung Quốc chỉ được thêm bao bì, nhãn hiệu rồi bán cao gấp 5 - 7 lần. Nhưng giá cua ở Cà Mau, cao hay thấp, bán nhiều hay ít là do đầu nậu ở biên giới quyết định, hôm nay giá này, mai giá khác, không có giá ổn định và chúng tôi không thể quyết định được giá."

Theo báo cáo của UBND tỉnh Cà Mau, tỉnh này hiện có sản lượng cua lớn nhất cả nước. Cua là sản phẩm thủy sản chủ lực và thuộc nhóm đối tượng tái cơ cấu của ngành nông nghiệp. Năm 2023, giá trị thương phẩm của cua Cà Mau đạt trên 10.000 tỷ đồng, góp phần đáng kể vào thu nhập của người nuôi thủy sản (chỉ đứng sau tôm).

Hiện nay, một số vùng nuôi cua ở Cà Mau đã được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý và bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu tập thể nhằm tăng cường quản lý, kiểm soát và quảng bá thương hiệu, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm cua của địa phương. Tuy nhiên, để đảm bảo tính cạnh tranh bền vững, tỉnh Cà Mau sẽ hướng tới bảo hộ từng con cua, tổ chức sản xuất và cung ứng theo hướng bền vững, chính ngạch.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật