A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vì sao mô hình tôm - lúa hiệu quả nhưng chưa bền vững?

Những năm gần đây, nhiều tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phát triển mạnh mô hình sản xuất luân canh vụ tôm, vụ lúa (tôm-lúa).

Qua thời gian canh tác, mô hình đã và đang chứng minh được hiệu quả kinh tế, thích ứng với điều kiện bất thường của biến đổi khí hậu (BĐKH). Tuy nhiên, một thực tế đang đặt ra là mô hình sản xuất này có thật sự ổn định, bền vững?

Mô hình sản xuất thông minh

Sau hơn 30 năm từ biển vào đồng ruộng, mô hình “con tôm ôm cây lúa” có sự phát triển cả về phương thức sản xuất lẫn đa dạng hóa cây, con; đem lại thu nhập cao cho nông dân, nhất là những hộ ở vùng ven biển ĐBSCL. Đặc biệt, từ khi có Nghị quyết số 09/2000/NQ-CP của Chính phủ cho phép chuyển đổi những vùng đất kém hiệu quả (sản xuất lúa, sản xuất muối, vùng đầm lầy ven biển) sang nuôi tôm thì mô hình tôm-lúa phát triển nhanh theo từng năm. Nếu năm 2000, diện tích tôm-lúa toàn vùng ĐBSCL khoảng 71.000ha thì đến nay đã tăng lên hơn 200.000ha, sản lượng ước đạt khoảng 130.000 tấn, lợi nhuận trung bình đạt 60-70 triệu đồng/ha. Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang khẳng định: Phát triển nuôi tôm là ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh; mặc dù nuôi tôm chỉ chiếm 5% diện tích nuôi thủy sản của tỉnh nhưng chiếm tới 30% về sản lượng. Từ năm 2010 đến nay, diện tích tôm-lúa của Kiên Giang tăng 6,67%/năm, bình quân lợi nhuận hơn 110 triệu đồng/ha/năm. “Nông dân đã nhanh chóng chuyển đổi tư duy từ tập trung sản xuất lúa sang phát triển kinh tế đa dạng. Người nông dân không chỉ nuôi xen các loại tôm sú, thẻ chân trắng, càng xanh mà còn kết hợp với cua biển, sò... trồng lúa thơm chất lượng cao và đạt chuẩn hữu cơ, từ đó nâng cao giá trị, tăng thu nhập”, ông Nguyễn Văn Dũng cho biết.

Bà con nông dân huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu thu hoạch tôm - lúa. Ảnh: TRUNG TÍN 

Không chỉ giúp bà con tăng thu nhập trên cùng diện tích canh tác, mô hình tôm-lúa còn được các nhà khoa học xác định là phương thức sản xuất thông minh thích ứng với BĐKH. Như vùng đất Cà Mau, nơi chịu tác động của BĐKH, nước biển dâng, mặn xâm nhập, tuy nhiên, vốn có tập tính sản xuất linh hoạt, nông dân Cà Mau đã “thuận thiên” bằng cách mưa xuống, độ mặn giảm thì sạ lúa rồi cho nước vào để nuôi tôm càng xanh, cua... mùa nắng, sau khi thu hoạch lúa xong, tiếp tục cho nước vào để nuôi thêm vụ tôm sú và xoay vòng đến vụ tiếp theo. Là người gắn với mô hình tôm-lúa nhiều năm qua, nông dân Nguyễn Văn Dũng, ngụ tại huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau cho biết: “Con tôm, cây lúa đã giúp nông dân làm giàu, đồng thời giúp địa phương xây dựng thương hiệu "lúa thơm-tôm sạch". Bởi đến mùa sản xuất lúa, người dân lại ít tốn chi phí sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, nhờ đó con tôm và cây lúa gần như hữu cơ”.

Thiếu bền vững?

Mô hình sản xuất tôm-lúa tuy có nhiều ưu điểm nhưng sau một thời gian canh tác, người dân địa phương dần thấy được thách thức. Qua tìm hiểu thực tế tại nhiều địa phương, phần lớn người dân cho biết, để mô hình tôm-lúa phát huy hiệu quả, điều kiện tiên quyết là phải làm được vụ lúa. Cây lúa không chỉ cho thu nhập mà còn góp phần cải tạo môi trường, tạo ra nguồn thức ăn giúp tôm phát triển. Tuy nhiên, để không phá vỡ mô hình, bà con phải tốn thêm nhiều chi phí cho khâu cải tạo đất và phụ thuộc vào lượng nước mưa nên không phải năm nào cũng làm được. Thủy lợi chưa bảo đảm khiến sản xuất tôm-lúa hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên nên mùa hạn mặn lịch sử 2019-2020 là một thử thách với mô hình này...

Cùng với nguyên nhân khách quan từ thiên nhiên, qua khảo sát tại các địa phương được biết, đều là mô hình canh tác trên cùng diện tích nhưng lợi nhuận mà con tôm mang lại cao hơn so với cây lúa. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều bà con nông dân không còn mấy “mặn mà” với cây lúa mà chuyển hẳn sang nuôi tôm, gây khó khăn cho những hộ sản xuất lúa lân cận và nguy cơ phá vỡ quy hoạch vùng của ngành chuyên môn...

Theo ông Lê Thanh Triều, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, cơ sở hạ tầng vùng nuôi tôm-lúa tại nhiều địa phương chưa theo kịp tốc độ phát triển mở rộng diện tích sản xuất; môi trường dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá thức ăn và các dịch vụ đầu vào biến động khó lường, đe dọa đến tính bền vững của hoạt động nuôi trồng thủy sản, nhất là sản xuất tôm-lúa vốn chịu nhiều tác động của thời tiết, dịch bệnh. Việc tiếp cận khoa học kỹ thuật của người dân còn hạn chế và chậm thay đổi, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm nuôi truyền thống, vì thế, để mở rộng quy mô theo hướng hiện đại và hướng con tôm, cây lúa phát triển lâu dài hay xuất khẩu là tương đối khó.

Mặc dù công nhận hiệu quả và nhận định mô hình tôm-lúa không phải nơi nào cũng làm được, thế nhưng PGS, TS Dương Nhựt Long, nguyên Trưởng khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, mô hình này không bền vững; trong nuôi trồng thủy sản, chất lượng con giống là yếu tố quyết định sự thành-bại. Tuy nhiên, hiện nay, nông dân thả tôm nhiều lần trong vụ, không cách ly được với mầm bệnh (trung bình 4,1 lần/vụ), có hộ thả bổ sung hằng tháng, tổng mật độ thả lần đầu và bổ sung (không tính thu tỉa) dày với 16,3 con/m2, điều này làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng con tôm.

Với những khó khăn và thách thức trên, để phát triển bền vững, các địa phương cần tính toán kỹ vùng nuôi trồng tôm-lúa để xây dựng cơ chế, chính sách phát triển hạ tầng, liên kết và ứng dụng khoa học. Từ đó tạo nên những “cú hích” mới, để cây lúa và con tôm không ngừng tăng năng suất, giá trị và trở thành hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của quốc gia với thương hiệu cạnh tranh là “lúa thơm-tôm sạch”.


Tags: tôm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật