A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mô hình Tổ hợp tác chăn nuôi bò của những thanh niên người Cil

Sống gắn bó với ruộng vườn, nương rẫy, nhiều thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số tại Lâm Hà đã mạnh dạn tìm tòi, học hỏi để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phát triển mô hình kinh tế tập thể nhằm nâng cao thu nhập. Trong đó, tiêu biểu như mô hình Tổ hợp tác chăn nuôi bò của những đoàn viên, thanh niên người Cil (dân tộc Cờ Ho) ở tổ dân phố B’Nông Rết, thị trấn Đinh Văn.

Mô hình Tổ hợp tác chăn nuôi bò góp phần tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho gia đình các đoàn viên thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số
Mô hình Tổ hợp tác chăn nuôi bò góp phần tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho gia đình các đoàn viên thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số
 
Những thanh niên nông thôn ở B’Nông Rết lâu nay gắn bó với nghề nông để chăn nuôi sản xuất, tuy nhiên, do chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát nên hiệu quả kinh tế không cao. Chính vì vậy, được sự hỗ trợ, động viên, khuyến khích của tổ chức Đoàn, những thanh niên người Cil tại tổ dân phố B’Nông Rết, thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà đã mạnh dạn vay vốn, mua bò và thành lập Tổ hợp tác để liên kết chăn nuôi, nâng cao thu nhập. 
 
Anh Ha Thiện - Bí thư Chi đoàn tổ dân phố B’Nông Rết, Tổ trưởng Tổ hợp tác chăn nuôi bò của những thanh niên người Cil nơi đây cho biết, cuối năm 2019, được sự tín chấp của tổ chức Đoàn, mỗi thanh niên được vay 30 triệu đồng vốn ưu đãi để mua bò giống về chăn nuôi. Lúc đầu, có 6 đoàn viên thanh niên vay vốn mua bò và hình thành tổ hợp tác với tổng cộng chưa đầy 10 con bò. Đến nay, tổ hợp tác đã có 10 thành viên tham gia với đàn bò gần 30 con. Các đoàn viên, thanh niên trong tổ hợp tác cũng đã hỗ trợ, giúp đỡ nhau làm chuồng trại, mua con giống, chia sẻ vốn, kỹ thuật kinh nghiệm, nguồn thức ăn và đầu ra để chăn nuôi bò theo hướng bền vững. Là thành viên Tổ hợp tác, các hộ được tham gia những buổi tập huấn, hội thảo, trao đổi kinh nghiệm làm ăn để nâng cao trình độ chăn nuôi, sản xuất, hạn chế được rủi ro, giảm chi phí sản xuất; đồng thời, nâng cao năng suất và lợi nhuận từ đàn bò. Bên cạnh đó, tổ hợp tác cũng đã tạo điều kiện cho các tổ viên tham quan, học tập kinh nghiệm của các đơn vị, hợp tác xã, tổ hợp tác có liên quan trên địa bàn để học hỏi kiến thức về chăn nuôi; cung cấp, hướng dẫn cho các tổ viên chấp hành các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường để sản xuất theo hướng bền vững. Qua đó cũng nhằm cải thiện đời sống của người chăn nuôi bò, tạo công ăn việc làm cho người lao động nhàn rỗi tại địa phương. 
 
Theo anh Ha Săm, thành viên Tổ hợp tác chăn nuôi bò của thanh niên tổ dân phố B’Nông Rết, trước đây, gia đình anh chủ yếu làm vườn và chăn nuôi nhỏ lẻ để tự cung, tự cấp là chính. Sau khi được tổ chức Đoàn hỗ trợ vay vốn mua bò giống và vận động thành lập tổ hợp tác, anh đã không ngần ngại tham gia ngay. Sau khi được vay 30 triệu đồng vốn ưu đãi, anh và các thanh niên khác trong chi đoàn đã huy động thêm kinh phí gia đình để mua bò giống về nuôi sinh sản và bò thịt. Với bò sinh sản, sau khi sinh và nuôi được 7 tháng, gia đình các thành viên tổ hợp tác bán cho thương lái khoảng trên dưới 30 triệu đồng 1 con bê đực, còn bê cái thì trên dưới 20 triệu đồng 1 con. Vừa qua, gia đình anh đã bán 5 con bê được hơn 130 triệu đồng để thêm kinh phí xây dựng nhà mới ra ở riêng và xây dựng thêm chuồng trại để mở rộng chăn nuôi. Tham gia tổ hợp tác được chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm chăn nuôi nên đàn bò gia đình anh phát triển tốt và cho hiệu quả kinh tế cao. Ngoài bán bò giống và bò thịt thì phân bò cũng tạo thêm nguồn thu nhập cho các thành viên tổ hợp tác với giá bán 40 ngàn đồng 1 bao. Nếu gia đình nuôi 5 con bò thì mỗi tháng cũng thu được khoảng 60 - 70 bao phân. Một lợi thế nữa của những thành viên Tổ hợp tác nuôi bò tại địa phương đó là nguồn thức ăn dồi dào từ cỏ và các phụ phẩm nông nghiệp khác. Còn nguồn bê giống được cung cấp từ các hộ chăn nuôi trong tổ hợp tác hoặc các hộ từ nuôi bò mẹ để tự cung tự cấp con giống. Nhờ chăn nuôi đúng kỹ thuật, nên đàn bò của tổ viên tổ hợp tác phát triển tốt, chất lượng đảm bảo và được các thương lái ưa chuộng. Hiện nay, khi đàn bò đạt trọng lượng xuất chuồng, chỉ cần liên lạc qua điện thoại, thương lái sẽ đến thu mua tận chuồng với giá cả ổn định.
 
Chị Trần Thị Hồng Hạnh - Bí thư Huyện Đoàn Lâm Hà cho biết, Tổ hợp tác chăn nuôi bò của đoàn viên thanh niên người Cil ở tổ dân phố B’Nông Rết, thị trấn Đinh Văn là mô hình kinh tế tập thể tiêu biểu của thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương. Hiện nay, Huyện Đoàn Lâm Hà đang động viên, khuyến khích, tạo điều kiện để các đoàn viên, thanh niên trên địa bàn nói chung và thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng tiếp tục mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tham gia mô hình kinh tế tập thể như tổ hợp tác, hợp tác xã. Qua đó, liên kết, hỗ trợ, giúp đỡ nhau phát triển chăn nuôi, sản xuất ổn định, góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho các gia đình đoàn viên, thanh niên tại địa phương. 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết