A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

94% bộ, ngành, địa phương đã ban hành kế hoạch chuyển đổi IPv6

Sáng 28-3, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức Hội nghị tổng kết Giai đoạn 1 Chương trình thúc đẩy, hỗ trợ chuyển đổi IPv6 cho cơ quan nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình IPv6 For Gov), triển khai nhiệm vụ năm 2023 và Giai đoạn 2 Chương trình IPv6 For Gov (2023 – 2025).

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Ngày 14-1-2021, Bộ TT&TT đã chính thức ban hành Chương trình IPv6 For Gov giai đoạn 2021-2025, giao VNNIC chủ trì thực hiện. Chương trình IPv6 For Gov có hai giai đoạn: Giai đoạn 1 (2021-2022), giai đoạn 2 (2023-2025). Trong suốt giai đoạn vừa qua, bộ đã tiên phong, đồng hành cùng các bộ, ngành, địa phương xúc tiến, hỗ trợ và đảm bảo cho việc thực hiện thành công toàn bộ quá trình chuyển đổi IPv6 cho mạng lưới, dịch vụ CNTT của cơ quan nhà nước.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long chủ trì Hội nghị chuyển đổi IPv6.  

Phát biểu tại hội nghị, theo bà Trần Thu Hiền, Phó giám đốc phụ trách VNNIC, hiện toàn cầu đang chuyển đổi sang IPv6 để đáp ứng những công nghệ hiện đại, chuyển sang IPv6 không chỉ là chuyển đổi tài nguyên, mà còn là chuyển đổi công nghệ. Bộ TT&TT đã điều phối các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước thực hiện chuyển đổi sang IPv6. Sau 2 năm triển khai Chương trình IPv6 For Gov; cùng các mục tiêu về chuyển đổi toàn diện Internet Việt Nam sang IPv6; chúng ta đã có kết quả tốt, đó là: 53% tỷ lệ sử dụng IPv6 trên Internet Việt Nam; đạt Top 10 quốc gia tiêu biểu trên toàn cầu. Đối với khối cơ quan nhà nước, 80/85 (94%) bộ, ngành, địa phương đã ban hành kế hoạch chuyển đổi IPv6. 66/85 (78%) bộ, ngành, địa phương đã chuyển đổi thành công IPv6 cho cổng thông tin điện tử, dịch vụ công.

Bà Trần Thu Hiền, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Internet Việt Nam phát biểu tại hội nghị. 

Trong giai đoạn 2023-2025, Chương trình IPv6 For Gov sẽ tập trung và hoàn thành chuyển đổi IPv6 cho trung tâm dữ liệu, mạng WAN, các phần mềm, ứng dụng; triển khai thí điểm hoạt động thuần IPv6 (IPv6 only) cho một số khu vực, dịch vụ. Mục tiêu hướng tới 100% bộ, ngành, địa phương thực hiện chuyển đổi IPv6 thành công cho hạ tầng mạng, dịch vụ CNTT và sẵn sàng triển khai IPv6 only.

Đại diện các doanh nghiệp tham gia hội nghị là Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng công ty Viễn thông Mobifone đều có chung quan điểm cần phải thực hiện chuyển đổi hạ tầng từ IPv4 sang IPv6. Trong thời gian tới cần tập trung chuyển đổi IPv6 ngay tại các cơ quan báo chí (hiện chủ yếu vẫn sử dụng hệ thống IPv4), hạn chế nhập các thiết bị IPv4, và cần thực hiện công tác truyền thông mạnh mẽ hơn nữa về chuyển đổi IPv6.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của đơn vị CNTT các bộ, ngành, sở TT&TT địa phương. Thứ trưởng cho rằng nếu không có sự cố gắng liên tục, thì những thành quả đạt được ngày hôm nay sẽ không còn trong tương lai.

Thứ trưởng Phạm Đức Long cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế và đề nghị các đơn vị cùng vào cuộc, đầu tiên là các cơ quan nhà nước, các bộ, ngành, địa phương. Những kỹ sư phụ trách CNTT của VNNIC, của Bộ TT&TT cần phải có những văn bản hướng dẫn địa phương chuyển đổi IPv6 một cách chi tiết, cụ thể, nhưng đảm bảo dễ hiểu, dễ vận hành. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp viễn thông cần làm tốt hơn nữa và có phương án hỗ trợ thay thế thiết bị đầu cuối cho khách hàng.


Tags: IPv6
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật