A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bảo đảm quyền có quốc tịch Việt Nam của mỗi cá nhân

Sáng 25-10, Tọa đàm quan chức cấp cao Đông Nam Á về đăng ký hộ tịch, giấy tờ nhân thân và ngăn ngừa tình trạng không quốc tịch đã khai mạc tại Hà Nội.

Tọa đàm do Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) khu vực châu Á-Thái Bình Dương đồng chủ trì tổ chức.

Tọa đàm có sự tham dự của các đại biểu Việt Nam, UNHCR, Thái Lan, Philippines, Lào, Campuchia, Indonesia, Timor Leste, Malaysia, Australia. 

Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ phát biểu khai mạc tọa đàm. 

Phát biểu khai mạc, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh quốc tịch là cơ sở đầu tiên để một người được hưởng các quyền công dân và thực hiện nghĩa vụ công dân. Mỗi quốc gia có một chế định riêng về quốc tịch phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, hệ thống luật pháp của mình và cũng đều gặp các thách thức khác nhau trong quá trình giải quyết công việc quốc tịch.

Một trong những thách thức lớn nhất là làm thế nào để ngăn ngừa và giảm tình trạng không quốc tịch, đặc biệt là đối với người di cư và nhóm người đã sinh sống trên lãnh thổ của mình trải qua nhiều thập niên nhưng vẫn chưa có đủ căn cứ để cấp quốc tịch. Nếu không có quốc tịch, họ sẽ là những người ở lại phía sau, bị đứng ngoài những cơ hội học tập, việc làm chính đáng và phát triển bản thân khi mà xã hội đang đổi thay từng ngày, từng giờ.

Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nêu rõ, chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo đảm quyền có quốc tịch Việt Nam của mỗi cá nhân, hạn chế tình trạng không quốc tịch nhằm bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Do vậy, pháp luật về quốc tịch đã quy định cụ thể điều kiện cấp quốc tịch, bao gồm đối với người không quốc tịch.

Bên cạnh đó, pháp luật về hộ tịch cũng đã quy định việc đăng ký khai sinh cho trẻ em có cha mẹ là người nước ngoài hoặc người không quốc tịch.

Theo Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, nhìn chung, Việt Nam đã có một khung pháp lý tương đối thuận lợi để giải quyết quốc tịch cho một số lượng lớn người không quốc tịch trên lãnh thổ Việt Nam. Cùng với nỗ lực hoàn thiện pháp luật trong nước, Việt Nam cũng đã hợp tác chặt chẽ với các nước láng giềng để giải quyết các vấn đề liên quan đến người không quốc tịch ở Việt Nam. Chỉ tính riêng từ năm 2020 đến nay, có khoảng 9.000 người đã được giải quyết nhập quốc tịch hoặc xác nhận có quốc tịch Việt Nam.

Để tiếp tục triển khai chủ trương đó, trong Kế hoạch triển khai Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (Thỏa thuận GCM) được ban hành ngày 20-3-2020, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu thực hiện một loạt giải pháp nhằm ngăn ngừa tình trạng không quốc tịch. Một trong những giải pháp đó là đẩy mạnh hoạt động đăng ký hộ tịch cho người di cư ở tất cả các giai đoạn di cư, cấp phát các giấy tờ quốc tịch cho người di cư đủ điều kiện, hướng đến "bảo đảm tất cả người di cư có giấy tờ nhân thân và giấy tờ đầy đủ" như nêu tại Mục tiêu 4 của Thỏa thuận GCM".

 Quang cảnh tọa đàm.

Trong khi đó, ông Indrika Ratwatte, Giám đốc Văn phòng UNHCR khu vực châu Á-Thái Bình Dương khẳng định, hầu hết khu vực Đông Nam Á đã đạt những tiến bộ đáng kể về giải quyết tình trạng không quốc tịch. Một trong các ví dụ có thể kể đến là việc chỉ tính riêng từ năm 2020 đến nay, có khoảng 9.000 người đã được giải quyết nhập quốc tịch hoặc xác nhận có quốc tịch Việt Nam. Kế hoạch triển khai Thỏa thuận GCM mà Việt Nam ban hành ngày 20-3-2020 "vạch lộ trình rõ ràng tiến tới giải quyết tình trạng không quốc tịch tại quốc gia này".

Theo bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam, trong những năm qua, hầu hết các nước Đông Nam Á đã đạt bước tiến trong giải quyết tình trạng không quốc tịch.

"Chấm dứt tình trạng không quốc tịch là yếu tố quan trọng trong các chiến lược quốc gia nhằm đạt các mục tiêu phát triển bền vững và để không ai bị bỏ lại phía sau", bà Pauline Tamesis nhấn mạnh.

 Các đại biểu dự tọa đàm chụp ảnh chung.

Với 4 phiên thảo luận, Tọa đàm quan chức cấp cao Đông Nam Á về đăng ký hộ tịch, giấy tờ nhân thân và ngăn ngừa tình trạng không quốc tịch là cơ hội để các đại biểu có những trao đổi thiết thực, tích cực chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, xác định những thách thức, khó khăn và những bước tiếp theo cần phải thực hiện về mặt hoàn thiện pháp luật cũng như triển khai các giải pháp khả thi. Những kết quả thảo luận sẽ là khuyến nghị chính sách quan trọng cho các bên tham gia, góp phần đẩy nhanh tiến trình chấm dứt tình trạng không quốc tịch và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết