A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Doanh nghiệp nhỏ và vừa - thuận lợi và những thách thức mới

Năm 2025, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có những thuận lợi, thời cơ cho phát triển, tuy nhiên, cũng đứng trước rất nhiều thách thức, khó khăn, đòi hỏi các nhà quản lý cần có ngay những chính sách phù hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Nhiều cơ hội củng cố vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Thuận lợi cơ bản của cộng đồng doanh nghiệp năm 2025 là Việt Nam tiếp tục thuộc tốp nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh hàng đầu khu vực và thế giới nhờ là điểm đến của các dòng vốn trên hành trình tái cơ cấu và sự bùng nổ làn sóng khách du lịch cả trong nước và quốc tế.

Một thuận lợi quan trọng nữa là sự củng cố niềm tin của các doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường vào các chính sách điều hành kinh tế linh hoạt, chủ động của Chính phủ, trong đó có việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh (SXKD). Các doanh nghiệp Việt Nam đang và sẽ có nhiều cơ hội thiết lập và củng cố vị thế mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu, thậm chí đảm nhận vai trò nhà cung cấp chính cho thị trường Mỹ trong các ngành dệt may, đồ gỗ, máy móc-thiết bị, thủy sản và cả trong lĩnh vực bán dẫn đầy tiềm năng.

Năm 2025, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có những thuận lợi, thời cơ cho phát triển. Ảnh minh họa: vneconomy.vn 

Đặc biệt, động lực tăng trưởng của năm 2025 còn được cộng hưởng với các thành quả tích cực từ cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, đổi mới cơ chế lãnh đạo của Đảng và cả hệ thống chính trị, với nhiều điểm nhấn đột phá thể hiện trong nội dung Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước; Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đã được Chính phủ ban hành từ ngày 8-1-2025.

Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), kinh tế trong nước những tháng đầu năm 2025 tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực, tốt hơn so với cùng kỳ năm 2024. Cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có nhiều đơn hàng hơn. Tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong tháng 1-2025 đạt hơn 33,4 nghìn doanh nghiệp, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2024 và tăng 77,5% so với tháng trước. Số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động trong tháng 1-2025 tăng gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2024. Các doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tập trung chủ yếu ở vùng Đông Nam Bộ (3,8 nghìn doanh nghiệp, chiếm 36,1%) và vùng Đồng bằng sông Hồng (3,3 nghìn doanh nghiệp, chiếm 31,4%).

Năm 2025, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về việc điều chỉnh một số chỉ tiêu chủ yếu là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 8% trở lên (chỉ tiêu Quốc hội giao khoảng 6,5-7%), tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5-5% (chỉ tiêu Quốc hội giao khoảng 4,5%). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 174 tỷ USD trở lên, xấp xỉ 33,5% GDP (cao hơn 3 tỷ USD so với kế hoạch đã giao năm 2025). Trong đó, đầu tư công khoảng 36 tỷ USD (tương đương 875.000 tỷ đồng, cao hơn khoảng 84.300 tỷ đồng so với kế hoạch đã giao năm 2025 là 790.700 tỷ đồng). Đầu tư tư nhân khoảng 96 tỷ USD, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khoảng 28 tỷ USD, đầu tư khác khoảng 14 tỷ USD. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (giá hiện hành) năm 2025 tăng 12% trở lên. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2025 tăng 12% trở lên; thặng dư thương mại khoảng 30 tỷ USD...

Những mục tiêu và chỉ tiêu kinh tế vĩ mô này sẽ không thể đạt được nếu các cơ quan quản lý các cấp từ Trung ương tới địa phương không coi trọng khai thác và phát huy nguồn động lực từ cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện chiếm khoảng 98% số lượng doanh nghiệp đang hoạt động ở Việt Nam. 

Những thách thức đặt ra

Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 1-2025, phần lớn (93,6%) doanh nghiệp thành lập mới có quy mô nhỏ (dưới 10 tỷ đồng); vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới chỉ đạt 8,8 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2024, thấp hơn cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2017-2025.

Đặc biệt, các khu vực kinh tế đều bị giảm số doanh nghiệp thành lập mới so với cùng kỳ: Khu vực dịch vụ chiếm 75,1% tổng số doanh nghiệp thành lập mới, giảm 30,4%. Khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 23,9% tổng số doanh nghiệp thành lập mới, giảm 29,6%. Khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 1% và giảm 33,9%. Đặc biệt, trong tháng 1-2025, có hơn 58,3 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2024 và gấp 1,75 lần tổng số 33,4 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động cũng trong tháng 1-2025. Đồng thời, 89,9% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường có quy mô vốn nhỏ (dưới 10 tỷ đồng) và phần lớn có thời gian hoạt động ngắn (dưới 5 năm).

Những khó khăn đặt ra cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam hiện nay không chỉ gắn với năng lực nội tại của doanh nghiệp mà còn gắn với cả hạn chế trong môi trường kinh doanh, làm tăng chi phí tuân thủ, giảm động lực đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.

Chính sách tăng thuế nhập khẩu của Mỹ đối với hàng hóa từ một số quốc gia như Mexico, Canada và Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 4-2-2025 kéo theo các chính sách trả đũa của các đối tác bị Mỹ áp thuế có thể gây ra những căng thẳng cho thương mại toàn cầu, tác động hai chiều đến hoạt động kinh tế đầu tư của các nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có Việt Nam. Năm 2025, sức cạnh tranh của hàng Việt Nam có nguy cơ bị suy giảm nếu bị áp dụng các mức thuế phòng vệ thương mại và hàng loạt chi phí bổ sung từ các cuộc điều tra chống lẩn tránh thuế, cũng như chính sách kiểm soát chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt đối với ngành thủy sản...

Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp còn đối diện với áp lực tăng cạnh tranh và nhu cầu đổi mới công nghệ, thiết bị, máy móc sản xuất cũ, khó tiếp cận tài chính xanh, trong khi tăng chi phí đầu vào, nhất là lãi suất, tiền lương, logistics và nhu cầu thị trường thấp. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa phụ thuộc vào vốn tín dụng, nhưng đa phần là tín dụng ngắn hạn và khó đáp ứng được quy trình, thủ tục, luồng tiếp cận vốn. Các quy định pháp luật hiện nay lại chưa cho phép các doanh nghiệp tại khu công nghiệp chia sẻ và sử dụng nội bộ năng lượng; tái sử dụng nước, nước thải đã qua xử lý đạt tiêu chuẩn... đáp ứng nguyên lý của kinh tế tuần hoàn.

Cần rà soát, sửa đổi quy định về những ngành, nghề kinh doanh có điều kiện 

Để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khó khăn và phát huy tốt vai trò động lực phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, theo chỉ đạo của Chính phủ, với chủ đề năm 2025 “Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tinh gọn hiệu quả; tăng tốc bứt phá", các cơ quan chức năng cần tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp giữ vững ổn định chính trị và kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phát triển thị trường và kích cầu tiêu dùng trong nước; đẩy nhanh đầu tư công, đưa vào sử dụng các dự án có quy mô lớn, có tiềm năng góp phần trực tiếp duy trì và mở rộng năng lực SXKD của doanh nghiệp và nền kinh tế; đồng thời, đổi mới và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển dịch vụ logistics và các liên kết thương mại, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng cả trong nước và quốc tế; đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, SXKD giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Đặc biệt, cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến hoạt động đầu tư, SXKD (như: Luật Xây dựng, Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước vào SXKD tại doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, Luật Doanh nghiệp) để tháo gỡ vướng mắc, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, khơi thông nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền trong các lĩnh vực xây dựng, đất đai, môi trường cho các cơ quan, tổ chức phù hợp theo phương châm địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm nhằm tăng tính chủ động, tự chịu trách nhiệm cho các địa phương, qua đó góp phần đẩy nhanh thủ tục thực hiện dự án. Cần rà soát, kiến nghị sửa đổi, bãi bỏ hoặc thay thế quy định về điều kiện đầu tư đối với những ngành, nghề kinh doanh có điều kiện không rõ ràng, không cần thiết, thiếu cơ sở khoa học, không phù hợp với thực tiễn, can thiệp sâu vào hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp. 

Đồng thời, vừa tổng kết, đánh giá việc thí điểm các chính sách đặc thù về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước, quy hoạch, đầu tư, đất đai, môi trường và các chính sách phát triển vùng liên quan đến đầu tư hạ tầng giao thông kết nối, phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, các khu kinh tế, cảng biển, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao...; vừa nghiên cứu xây dựng và triển khai thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ và khuyến khích đầu tư vượt trội, bao gồm các chính sách đột phá về phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, nhằm phát triển mạnh lực lượng doanh nghiệp nội địa, doanh nghiệp dân tộc, nhất là các tập đoàn kinh tế có tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế, dẫn dắt cho tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực.

Tập trung nghiên cứu các mô hình kinh tế mới, các ngành, lĩnh vực mới, tạo động lực tăng trưởng mới, "đi tắt đón đầu" cùng xu thế phát triển của thế giới; triển khai hiệu quả các đề án trung tâm tài chính quốc tế, khu vực, các khu thương mại tự do tại một số địa phương, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn. Nghiên cứu hoàn thiện mô hình ban quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế theo hướng là cơ quan đầu mối, một cửa có thẩm quyền giải quyết những vấn đề, nhiệm vụ liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực nhằm đơn giản hóa, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính. Có chính sách đặc thù phù hợp hỗ trợ hiệu quả nhóm các doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn và chi phí đầu vào tăng cao, về tiêu thụ sản phẩm và tiếp cận yêu cầu chuyển đổi xanh, kinh doanh bền vững.

TS NGUYỄN MINH PHONG


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật